TP. Hồ Chí Minh: Giao quyền chủ động cho doanh nghiệp ngành môi trường
Giao quyền chủ động cho doanh nghiệp ngành môi trường, TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng sẽ giải được bài toán công nghệ xử lý chất thải - Ảnh: Khu Liên hiệp xử lý chất thải Ða Phước (H.Bình Chánh, TP.HCM). |
Theo Nghị quyết 98, TP. Hồ Chí Minh cho phép các nhà đầu tư đang thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt tự nguyện chuyển đổi toàn bộ công nghệ sang xử lý xử lý chất thải rắn sinh hoạt có thu hồi năng lượng được xem xét bổ sung khối lượng theo hình thức đặt hàng.
Như vậy, các đơn vị có đề án chuyển đổi công nghệ xử lý rác được thành phố đặt hàng thực hiện thay vì phải mất nhiều thời gian tổ chức đấu thầu. Đây được xem là bước ngoặt về cơ chế, thuận lợi cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp ngành môi trường nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhà máy xử lý rác thải hiện đại, nhà máy đốt rác phát điện.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh cũng đã quyết liệt hỗ trợ các doanh nghiệp sớm hoàn thiện quá trình đầu tư nhà máy đốt rác phát điện nhưng vẫn chưa đạt kết quả. Nguyên nhân phần lớn là do còn vấp phải nhiều vướng mắc trong cơ chế, thủ tục pháp lý nên các công ty chưa thể hoàn thành và đưa vào vận hành nhà máy xử lý rác thải phát điện sạch.
Do đó, cho đến thời điểm hiện tại, lượng rác thải phải xử lý bằng biện pháp chôn lấp vốn đã rất lạc hậu lại chiếm tới hơn 90% tổng lượng rác phát sinh.
Cùng với việc giao quyền chủ động chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt, TP. Hồ Chí Minh còn có chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới sử dụng năng lượng sạch; sử dụng phương tiện giao thông công cộng để hạn chế ùn tắc giao thông.
Theo đó, những hạn chế lâu nay về phương tiện vận tải thu gom chất thải rắn sinh hoạt sẽ được giải quyết.
Hiện chỉ khoảng 10% rác thải rắn sinh hoạt ở TP. Hồ Chí Minh được tái chế, còn lại là chôn lấp. |
Theo thông tin từ Sở Tài nguyên & Môi trường TP. Hồ Chí Minh, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện có 22 công ty dịch vụ công ích tham gia thu gom, vận chuyển. Tuy nhiên, lượng rác thải thu gom chỉ được khoảng 40% lượng rác thải phát sinh, tương đương 1.400 tấn/ngày. Còn 60% lượng rác thải còn lại do hơn 2.000 công ty tư nhân, hợp tác xã, lực lượng thu gom rác dân lập thu gom. Trong khi phương tiện thu gom vận chuyển của lực lượng thu gom rác dân lập rất lạc hậu, chủ yếu là xe thô sơ, tự chế nên gây ô nhiễm môi trường trong quá trình thu gom.
Theo báo cáo giữa nhiệm kỳ Chương trình “Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030”, hiện tổng số phương tiện thu gom rác thải của thành phố là 6.575 phương tiện. Trong đó, phương tiện đạt chuẩn là 4.019 chiếc, chiếm tỷ lệ 61,13%; phương tiện không đạt chuẩn là 2.565, chiếm tỷ lệ 38,87%. Và nhu cầu chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển mới là 1.664 phương tiện…
Giao quyền chủ động cho doanh nghiệp ngành môi trường, TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng, với cơ chế, chính sách đặc thù này, các doanh nghiệp ngành môi trường sẽ tận dụng cơ hội này để chủ động chuyển mình, xanh hóa hoạt động thu gom và xử lý chất thải nhanh hơn.
Công Hạnh