TP. Hồ Chí Minh: Khó với bài toán huy động vốn chống ngập

20/07/2022 14:15 Tác động môi trường
Theo các sở, ban ngành TP. Hồ Chí Minh, tổng nhu cầu vốn thực hiện xử lý nước thải và chống ngập cần đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 lên tới gần 101,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn do ngân sách thành phố đảm bảo chỉ được khoảng 31,5 nghìn tỷ đồng, vốn Trung ương cấp là 4 nghìn tỷ đồng, còn lại phải trông chờ vào nguồn vốn khác. Do đó, khi thực hiện giải pháp công trình để chống ngập lụt thì vấn đề huy động vốn đầu tư cũng là bài toán quá khó với TP. Hồ Chí Minh.
TP. Hồ Chí Minh: Khó với bài toán huy động vốn chống ngập

Triều cường dâng khiến nhiều đoạn đường Trần Xuân Soạn nằm sát kênh Tẻ chìm trong biển nước .

Theo ông Nguyễn Đức Vũ - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn TP. Hồ Chí Minh, cho biết những năm gần đây thành phố đã rà soát, xác định được khoảng 104 vị trí có thể bố trí lắp đặt các hồ điều tiết phân tán nhằm góp phần điều hòa lượng nước mưa nhưng việc triển khai cũng khá chậm. Do đó, công tác ứng phó với ngập lụt của TP. Hồ Chí Minh vẫn chỉ bằng các giải pháp thụ động trong khi chờ các dự án thuộc Quy hoạch 1547 được đầu tư xây dựng hoặc đưa vào khai thác, như: Nghiên cứu thay đổi quy trình vận hành 26 trạm bơm với 56 máy, công suất từ 168 - 84.000m3/giờ, tổng công suất 302.880m3/giờ; vận hành 13 cống kiểm soát triều lớn; tăng cường công tác điều tiết nước, trữ nước trong các tuyến sông, kênh, rạch, kết hợp vận hành bơm tại các cống kiểm soát triều đảm bảo chống ngập cho khu vực trung tâm thành phố; xây lắp sửa chữa, vận hành 1.077 van ngăn triều…

Đặc biệt, việc vận hành hồ Dầu Tiếng là bài toán hiện nay chưa có lời giải cho công tác chống ngập và gây ngập lụt của thành phố. Năm 2011 hồ Dầu Tiếng vận hành xả lũ 450m3/s, nhưng sau đó phải đóng lại vì nguy cơ rủi ro là rất lớn và sẽ gây ngập lụt nặng nề cho TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai không chỉ có hồ Dầu Tiếng, mà còn có một chuỗi các hồ chứa khác. Đến nay, việc vận hành xả lũ của lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai vẫn là một vấn đề vô cùng khó khăn, phức tạp. Khi có tình huống xấu xảy ra, nguy cơ sẽ rất lớn, thiệt hại gây ra sẽ không nhỏ và có thể trở thành thảm họa đối với TP. Hồ Chí Minh.

TP. Hồ Chí Minh: Khó với bài toán huy động vốn chống ngập

Triều cường dâng khiến khu vui chơi của Trung tâm văn hoá xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè ngập nước.

Được biết, việc sửa quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP. Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận từ cuối năm 2019, hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lập đề cương, dự toán. Mới đây, ông Đặng Phú Thành - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, cho biết năm ngoái thành phố chỉ xóa được 3 tuyến đường thường xuyên ngập do mưa. Do đó, những năm tới Sở Xây dựng tiếp tục tập trung vào các dự án giải quyết 18 tuyến đường trục chính thường xuyên bị ngập. Đồng thời trong giai đoạn 2021-2025 sẽ xây dựng thêm khoảng 96km cống thoát nước, cải tạo 5km kênh rạch.

Tuy vậy, tổng nhu cầu vốn thực hiện xử lý nước thải và chống ngập thành phố cần đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 lên tới gần 101,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó vốn do ngân sách thành phố đảm bảo chỉ được khoảng 31,5 nghìn tỷ đồng, vốn Trung ương cấp là 4 nghìn tỷ đồng, còn lại phải trông chờ vào nguồn vốn khác. Do đó, khi thực hiện giải pháp công trình để chống ngập lụt thì vấn đề huy động vốn đầu tư cũng là bài toán quá khó với TP.Hồ Chí Minh.

Gia Thanh

Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động