TP. Hồ Chí Minh xử lý nghiêm các hoạt động xả thải gây ô nhiễm để bảo vệ nguồn nước

28/08/2024 15:54 Hạ tầng bảo vệ môi trường
TP. Hồ Chí Minh vừa có chỉ đạo các Sở, ngành và đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ, kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động xả thải gây ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn để bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn và sông Đồng Nai.

Theo đó, UBND TP. Hồ Chí Minh giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh lân cận để tham mưu UBND TP. Hồ Chí Minh trong việc quản lý, điều hòa, phân phối nguồn nước sông Sài Gòn, sông Đồng Nai nhằm ứng phó tình hình xâm nhập mặn; giám sát chặt chẽ, kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động xả thải gây ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn.

TP. Hồ Chí Minh xử lý nghiêm các hoạt động xả thải gây ô nhiễm để bảo vệ nguồn nước
UBND TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo hàng loạt các cơ quan, đơn vị triển khai các biện pháp để bảo vệ 2 nguồn nước chính sông Sài Gòn và sông Đồng Nai

Đồng thời, rà soát, đánh giá để tham mưu UBND TP về điều chỉnh lộ trình giảm khai thác nước dưới đất theo Quyết định số 1242/QĐ-UBND ngày 30/3/2018 của UBND TP. Hồ Chí Minh về ban hành Kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025 phù hợp với tình hình thực tiễn.

Mặt khác, phối hợp, hỗ trợ UBND Quận 12 trong việc thực hiện đối thoại, giải thích và công bố, công khai cho người dân về các chỉ tiêu an toàn, vệ sinh môi trường được áp dụng trong việc xây dựng các nhà máy, trạm xử lý nước thải tại phường Tân Thới Nhất, quận 12.

Sở Tài chính khẩn trương nghiên cứu ý kiến hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn số 6901/BTC-QLCS ngày 2/7/2024 để tham mưu, đề xuất UBND TP xử lý dứt điểm các thủ tục xác định giá trị tài sản Nhà máy nước Bình An (tại phường Bình An, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) làm cơ sở thực hiện hoàn tất thủ tục pháp lý, chuyển giao tài sản Nhà máy nước Bình An theo quy định.

Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV, Công ty Cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn triển khai, duy trì tỷ lệ 100% người dân TP. Hồ Chí Minh được sử dụng nước sạch. Đồng thời đẩy nhanh các dự án phát triển mạng lưới cấp nước tại các khu vực chưa phủ mạng cấp nước để tăng tỷ lệ gắn đồng hồ nước, giảm tỷ lệ sử dụng các giải pháp tạm thời như đồng hồ tổng, bồn chứa nước và thiết bị lọc nước, có các giải pháp cấp nước ổn định, lâu dài cho các khu vực xa, còn khó khăn như xã Thạnh An, huyện Cần Giờ.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện cập nhật, tích hợp quy hoạch cấp, thoát nước và xử lý nước thải vào Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và triển khai các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống cấp, thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn TP.

Giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai nghiên cứu việc ban hành Quy chế phối hợp giữa các đơn vị quản lý hạ tầng kỹ thuật ngầm để tạo thuận lợi cho công tác lắp đặt, duy tu, sửa chữa khắc phục sự cố đối với hệ thống cấp, thoát nước kịp thời.

Trên cơ sở tổng hợp, đề xuất của Sở Xây dựng về danh mục sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, dự án thoát nước của Đề án chống ngập và xử lý nước thải TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2045; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp, đề xuất khả năng cân đối nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm của Thành phố theo quy định của Luật đầu tư công, phù hợp với khả năng cân đối của Thành phố; Tổ chức thẩm định trình HĐND, UBND TP. Hồ Chí Minh thông qua quyết định chủ trương đầu tư, kế hoạch đầu tư công đối với các dự án 3 thuộc Đề án; huy động nguồn lực xã hội và triển khai đồng bộ hơn các giải pháp đã nêu tại Đề án.

Giao Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng đô thị Thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chống ngập được giao làm chủ đầu tư tại các tuyến đường thường xuyên bị ngập trên địa bàn Thành phố.

Giao Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện công tác hoàn thiện, duy tu thường xuyên hệ thống cống thoát nước cho các tuyến đường trên địa bàn Thành phố; ứng dụng công nghệ tiên tiến để trang bị và đảm bảo an toàn lao động cho lực lượng công nhân thực hiện nhiệm vụ nạo vét, xử lý thoát nước, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành các công trình thoát nước để nâng cao năng lực dự báo phục vụ công tác xóa, giảm ngập nước.

Đặc biệt, UBND TP. Hồ Chí Minh giao UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức thường xuyên kiểm tra và xử lý các hành vi xả thải gây ô nhiễm nguồn nước, tắc nghẽn hệ thống cống thoát nước; kịp thời phối hợp Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật Thành phố xử lý các điểm ngập do mưa và triều cường trên các tuyến đường và hẻm; kịp thời xử lý những phản ánh của nhân dân đối với các vấn đề liên quan đến hệ thống cấp, thoát nước và xử lý nước thải.

Ngoài ra, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, Thành Đoàn Thành phố, Liên đoàn Lao động Thành phố, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Thành phố, Hội Nông dân Thành phố, Hội Cựu chiến binh phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác, chất thải gây ô nhiễm nguồn nước và gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước, đồng thời giám sát việc triển khai các dự án cấp, thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn Thành phố.

Thanh Hải

Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động