Bộ Tài nguyên & Môi trường
Triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030
5 nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương |
Tổ chức chiến dịch thu gom rác thải, làm sạch bãi biển quy mô quốc gia, tối thiểu một năm hai lần. |
Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đáp ứng các mục tiêu được nêu trong Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn là cơ quan có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch hành động; hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch hành động bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ.
Kế hoạch bao gồm 05 nội dung trọng tâm sau: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương; Thu gom, phân loại, xử lý và kiểm soát rác thải nhựa từ nguồn; Hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý rác thải nhựa đại dương; Rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý rác thải nhựa đại dương; Tổ chức triển khai, theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Quyết định số 1746/QĐ-TTg. Cụ thể:
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương,bao gồm các nhiệm vụ chính sau: (i) Nghiên cứu, xây dựng và thực hiện Dự án truyền thông về tác hại của các sản phẩm sử dụng một lần có nguồn gốc từ nhựa, túi ni lông khó phân hủy đối với biển và đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người; (ii) Xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông về rác thải nhựa đại dương gắn với việc tổ chức Ngày Môi trường Thế giới, Ngày Đại dương Thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn; (iii) Xây dựng và triển khai Dự án nâng cao năng lực, kinh nghiệm quản lý chất thải, rác thải nhựa; (iv) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy”; kịp thời biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến trong phong trào giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; (v) Tuyên truyền, đẩy mạnh các hoạt động áp dụng mô hình 5R trong vận hành, sản xuất dịch vụ, cuộc sống thường ngày để giảm thiểu, hạn chế, nói không với rác thải nhựa (5R - Renew, Refuse, Reduce, Reuse, Recycle) tới các đơn vị, tổ chức, cơ quan quản lý, doanh nghiệp trong các ngành kinh tế ven biển và thuần biển; Nhân dân khu vực ven biển,...; (vi) Xây dựng và thực hiện các hoạt động, phát động phong trào khởi nghiệp, các sáng kiến xanh về tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường nhằm thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh;
Thu gom, phân loại, xử lý và kiểm soát rác thải nhựa từ nguồn,gồm: (i) Tổ chức chiến dịch thu gom rác thải, làm sạch một số bãi biển quy mô quốc gia, tối thiểu một năm hai lần trên cơ sở xác định thứ tự ưu tiên và lộ trình thực hiện phù hợp; (ii) Điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải nhựa từ đất liền ra biển và từ các hoạt động trên biển, hải đảo; (iii) Đề xuất, phối hợp với các địa phương ven biển xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình phân loại chất thải, rác thải nhựa tại nguồn tại một số khu kinh tế, khu đô thị, khu công nghiệp, chế xuất ven biển; (iv) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về thu gom và xử lý chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động kinh tế thuần biển, đặc biệt tại các đảo có tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ biển và đa dạng sinh học cao thuộc 12 huyện đảo và các cấu trúc trên biển có người sinh sống; (v) Thực hiện việc điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải nhựa từ đất liền, từ các hoạt động trên biển và hải đảo, lồng ghép với các giải pháp, biện pháp quản lý tổng hợp lưu vực sông, các đô thị ven biển, cửa sông; tăng cường kiểm soát, quản lý việc xả thải vào nguồn nước; (vi) Đẩy mạnh việc xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam.
Hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý rác thải nhựa đại dương:(i) Duy trì và phát triển quan hệ hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế, chủ động phối hợp trong việc kiểm soát, quản lý rác thải nhựa đại dương; triển khai các sáng kiến của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về quản lý rác thải nhựa đại dương; xác định các đối tác ưu tiên, tiềm năng cần đẩy mạnh phát triển hợp tác theo từng giai đoạn, phù hợp với năng lực, trình độ trong nước về công nghệ, ứng dụng; (ii) Phối hợp nghiên cứu và tổ chức cơ chế điều phối chung với các đối tác phát triển về các dự án, nhiệm vụ về phòng chống và giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; (iii) Nghiên cứu, xây dựng, tiếp nhận các nguồn tài trợ quốc tế và thí điểm cơ chế hỗ trợ tài chính phù hợp với các hoạt động thu gom, xử lý và sản xuất các sản phẩm thay thế nhựa sử dụng một lần; (iv) Rà soát các khuôn khổ hợp tác quốc tế về quản lý rác thải nhựa đại dương và đề xuất phương án tham gia các điều ước quốc tế về quản lý rác thải nhựa đại dương; (v) Thúc đẩy và tham gia tích cực các hoạt động hưởng ứng Thập kỷ của Liên hợp quốc về khoa học biển vì sự phát triển bền vững (2021 - 2030), chú trọng tới việc phối hợp nghiên cứu khoa học và công nghệ về rác thải nhựa đại dương với các đối tác quốc tế; (vi) Điều phối, quản lý các nhiệm vụ thuộc Chương trình điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo về điều tra, đánh giá hiện trạng rác thải nhựa biển ở Việt Nam; đề xuất giải pháp kiểm soát, quản lý; (vii) Xây dựng và triển khai Dự án chuẩn bị đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam; chia sẻ thông tin, dữ liệu với các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực, trên thế giới về rác thải nhựa đại dương; (viii) Tổ chức các hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế về rác thải nhựa đại dương; (ix) Thực hiện các nghiên cứu khoa học chuyên sâu về tác động của rác thải nhựa đại dương, đặc biệt là vi nhựa đến tài nguyên, môi trường, các hệ sinh thái biển và sức khỏe con người; (x) Nghiên cứu xây dựng công nghệ điều tra, giám sát và bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm rác thải nhựa đại dương; (xi) Xây dựng, vận hành, quản lý hệ thống quan trắc, giám sát rác thải nhựa đại dương, hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông chính, khu vực ven biển, đảo tiền tiêu, có tiềm năng phát triển du lịch; (xii) Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về rác thải nhựa đại dương thống nhất, phù hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải; huy động sự tham gia, phối hợp của người dân trong việc thu gom, thống kê, phân loại rác thải nhựa đại dương; (xiii) Xây dựng Dự án tăng cường năng lực khảo sát, quan trắc, phân tích thí nghiệm phục vụ nghiên cứu về rác thải nhựa đại dương, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển.
Rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý rác thải nhựa đại dương:(i) Khởi động nghiên cứu về vai trò và trách nhiệm pháp lý của ngành bao bì trong quản lý rác thải tại Việt Nam với mục tiêu xây dựng khung trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; (ii) Bổ sung, hoàn thiện, xây dựng mới hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn quốc gia phục vụ quản lý rác thải nhựa đại dương; (iii) Xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, sử dụng các sản phẩm xanh, tái chế và thân thiện với môi trường;
Tổ chức triển khai, theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Quyết định số 1746/QĐ-TTg: (i) Xây dựng hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quyết định số 1746/QĐ-TTg; (ii) Xây dựng báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 theo định kỳ hằng năm và 5 năm để tổng hợp, đánh giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Căn cứ Kế hoạch này, các cơ quan, đoàn thể, đơn vị thuộc Bộ xây dựng kế hoạch thực hiện cho giai đoạn đến năm 2025 và cụ thể hóa cho từng năm, gắn với chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với đặc điểm tình hình của cơ quan, đơn vị, đảm bảo thiết thực, khả thi, hiệu quả; tổ chức thực hiện, định kỳ báo cáo kết quả với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.