Vận hành thành công bẫy rác nổi khổng lồ: Hy vọng mới cho đại dương
Đại dương mất dần khả năng ngăn chặn biến đổi khí hậu Thái Lan phát triển robot thông minh để thu gom rác thải nhựa 10 cách để giảm rác thải nhựa đại dương |
Ở Thái Bình Dương, khu vực giữa California và Hawaii (Mỹ), các dòng hải lưu đã tạo ra một đảo rác khổng lồ xoáy tròn, có diện tích gấp 3 lần nước Pháp và đã “nở” to gấp 100 lần chỉ trong 4 thập kỷ. Tại đây hầu như là các loại rác thải nhựa chưa phân huỷ, ngư cụ, quần áo cũ, phế liệu... Số rác này đủ để chất đầy 100 máy bay Boeing 747.
Trước tình trạng trên, một nhóm các nhà khoa học Hà Lan, đứng đầu là ông Boyan Slat đã khởi xướng dự án Ocean Cleanup. Họ đã đưa vào vận hành một thiết bị nổi đặc biệt có tên Wilson; có khả năng thu được 5 tấn rác một tháng.
Chiếc bẫy rác khổng lồ đang thực hiện công việc của mình. Ảnh: AP. |
Wilson dạng hình ống dài 600 mét, cong hình chữ U, dịch chuyển nhờ sóng và sức gió. Phần chìm dưới nước của thiết bị là tấm lưới chắn dài 3 mét, có tác dụng “bẫy” các mảnh rác nhỏ. Tất cả các mảnh rác có kích thước trên 1 cm đều không thể thoát khỏi thiết bị khổng lồ này. Các nhà khoa học còn trang bị cho Wilson đèn năng lượng mặt trời, camera, hệ thống cảm biến và ăng-ten vệ tinh để có thể dễ dàng định vị từ đất liền mọi lúc, mọi nơi, cho phép các tàu hỗ trợ đến thu “chiến lợi phẩm” sau 6 tuần.
Wilson không gây ảnh hưởng đến các loài sinh vật biển. Ảnh: AP. |
Hồi tháng 9/2018, Wilson được vận hành thử nghiệm lần đầu tiên. Tuy bị vỡ sau 4 tháng lên đênh trên biển do sóng và gió quá mạnh, thiết bị cũng đã cho thấy những ưu điểm vượt trội của mình khi không gây ra bất cứ tác hại nào cho các loài sinh vật đại dương.
Đến tháng 6/2019, sau khi sửa chữa và nâng cấp, các nhà khoa học một lần nữa đưa Wilson vào Thái Bình Dương và đạt được thành công. Sau gần 4 tháng, họ đã “thu hoạch” được lượng rác thải khổng lồ, bao gồm rất nhiều ngư cụ, bánh xe cũ, phế liệu nhựa…
Sau gần 4 tháng vận hành, Wilson "bắt" lượng rác thải khổng lồ, bao gồm rất nhiều ngư cụ, bánh xe cũ, phế liệu nhựa… Ảnh: AP. |
Bên cạnh đó, ông Slat cũng thừa nhận khuyết điểm của phương pháp này chính là chi phí cho các tàu đánh cá thu gom nhựa sau mỗi 3 - 4 tháng. Tuy nhiên, thành quả ngọt ngào sau 7 năm nghiên cứu là động lực để đưa đại dương thoát khỏi “cơn ác mộng” rác thải nhựa dù có gặp khó khăn gì.
Số rác nhựa thu thập được sẽ được đưa vào bờ vào tháng 12 để tái chế. Những người đứng đầu dự án tin rằng có thể đảm bảo đầu ra cho số phế liệu này, từ đó quay vòng vốn, trang trải chi phí vận hành cho thiết bị. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu cải tiến Wilson, nhằm tăng độ bền, nâng cao khả năng tích trữ rác… để kéo dài thời hạn “thu hoạch” rác.