Thái Lan phát triển robot thông minh để thu gom rác thải nhựa
Ô nhiễm báo động: Tìm thấy các hạt nhựa siêu nhỏ ở Bắc CựcDu lịch chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựaViệt Nam chung sức với thế giới chống rác thải nhựa |
Một nữ sinh bơi giữa bể nước đầy chai nhựa để nâng cao nhận thức của mọi người về rác thải nhựa. (Nguồn: bangkokpost) |
Cục Tài nguyên Đại dương và Duyên hải của Thái Lan (DMCR) đang phát triển một loại robot có trí tuệ nhân tạo (AI) để thu gom rác thải nhằm ngăn chặn các túi nhựa trôi ra biển.
Mẫu robot đầu tiên được công bố trong một cuộc họp hôm 22/8 với hàng trăm đối tác địa phương đang hợp tác bảo vệ các nguồn tài nguyên biển tại 22 tỉnh duyên hải của Thái Lan.
Ông Cholanat Yanaranop - Chủ tịch Công ty SCG Chemicals cho biết, robot gom rác thông minh SCG Smart Litter Trap 4.0 là sản phẩm của SCG phối hợp với DMCR trong dự án thu gom rác thải nhựa nhằm ngăn rác thải trôi ra biển.
SCG Smart Litter Trap 4.0 có chiều dài 1,5m và chiều cao 1,2m với khả năng thu gom khoảng 5kg nhựa mỗi chuyến hành trình.
Robot được cấp điện bằng một tấm pin mặt trời và thực hiện nhiệm vụ thông qua thiết bị kết nối Internet.
Ông Cholanat cho biết robot này được lập trình để chỉ thu gom chất thải nhựa khi rà soát trên sông dưới sự điều khiển của tín hiệu điện thoại di động.
Sau khi gom rác đầy khoang, robot tự động liên lạc với người điều khiển thông qua một ứng dụng trên điện thoại di động để đưa rác thải nhựa về kho chứa. Đây là một giải pháp thực tiễn và kết nối tốt với những người sử dụng.
Ông Cholanat nói thêm rằng khả năng làm việc của robot có thể được tăng lên trên 100kg rác thải nhựa và công nghệ này có thể được sử dụng tại những nước đang phát triển đang phải đối mặt với vấn đề rác thải đại dương.
SCG Smart Litter Trap 4.0 là phiên bản thông minh được phát triển từ một loại bẫy rác hình vợt bắt cá có tên gọi SCG-DMCR Litter Trap, được sử dụng để thu gom rác tại các cửa tràn nhờ tận dụng thủy triều.
Bẫy rác này có chiều dài 5m và cao 1,8m với khả năng thu gom được 700kg rác. Tuy nhiên, bẫy rác kiểu này được đặt cố định và thu gom đủ loại rác nên rác thải nhựa phải được phân loại thủ công.
Theo kế hoạch, những robot tiếp theo sẽ được đưa vào sử dụng từ cuối năm nay.
Thư ký thường trực Bộ Tài nguyên Thiên nhiên và Môi trường Thái Lan Wijarn Simachaya cho biết bộ đang làm việc với các cấp địa phương và quốc tế nhằm giảm tiêu thụ túi nhựa.
Ông Wijarn cũng nêu bật Tuyên bố Bangkok về quản lý rác đại dương được các nhà lãnh đạo ASEAN mới thông qua và được tài trợ từ Ngân hàng Thế giới cùng Ngân hàng Phát triển châu Á.
Theo ông Wijarn, phải mất khoảng 450 năm để nhựa phân hủy trong biển, nhưng con người mới chỉ bắt đầu sử dụng nhựa từ 80 năm qua.
Đây là một thách thức lớn đối với loài người khi phải sống trong một môi trường bị sức ép khốc liệt từ rác thải đại dương và biến đổi khí hậu.
Thái Lan là quốc gia có mức độ ô nhiễm biển lớn thứ 6 thế giới. Khoảng 2.172 tấn trong số 24 triệu tấn rác mà Thái Lan thải ra mỗi năm bị trôi dạt ra biển, trong đó 57% là rác thải nhựa.