Vĩnh Phúc: Lan tỏa sâu rộng mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu”

19/02/2023 11:00 Địa phương
Đề án “Làng văn hóa kiểu mẫu” được triển khai thông qua công tác bảo tồn, phát huy sẽ làm sống lại các giá trị văn hóa truyền thống làng quê gắn với lối sống hiện đại...
Vĩnh Phúc: Lan tỏa sâu rộng mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu”
Đề án “Làng văn hóa kiểu mẫu” được triển khai thông qua công tác bảo tồn, phát huy sẽ làm sống lại các giá trị văn hóa truyền thống làng quê gắn với lối sống hiện đại.

Việc hình thành các thiết chế văn hóa - thể thao, sinh hoạt cộng đồng của làng nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, thể chất lành mạnh, phong phú; cải thiện môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Đồng thời, đưa các giá trị truyền thống tốt đẹp gắn với thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, khơi dậy và phát huy tính tích cực, tự quản và sáng tạo của nhân dân, qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển toàn diện hơn.

Với việc triển khai thí điểm Đề án “Làng văn hóa kiểu mẫu”, từ năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu, mỗi huyện, thành phố triển khai thí điểm khoảng 3 mô hình (riêng huyện Vĩnh Tường lựa chọn 4 mô hình) và không chọn 2 mô hình trong cùng 1 xã, phường, thị trấn. Để thực hiện điều đó, một trong các nội dung cần triển khai là nâng cao năng lực của bộ máy hệ thống chính trị ở cơ sở trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là trong việc định hướng, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng.

Trước tiên, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng công trình thiết chế văn hóa - thể thao với các quy định chi tiết về các hạng mục nhà văn hóa thôn và sân bãi; khu thể dục thể thao; khu vườn dạo, vườn hoa, cây xanh; Khu hệ thống hạ tầng kỹ thuật; kết hợp linh hoạt, hợp lý các khu trưng bày, quảng bá, tập kết, mua sắm sản phẩm địa phương tiêu biểu; gắn kết với các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng của làng.

Tiếp đến là tập trung vào hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, dịch vụ, thương mại tạo ra các sản phẩm tốt, đặc trưng của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho nhân dân, trong đó, thực hiện các hoạt động, giải pháp để nâng cao năng lực của bộ máy hệ thống chính trị ở cơ sở trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là trong việc định hướng, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế.

Song song là xây dựng các cơ chế, chính sách với các quy định, quy chế, quy ước, hương ước nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống; tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, tạo sinh kế, việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập của người dân ở những nơi làm thí điểm; cơ chế, chính sách để xây dựng làng nghề, phương hướng đầu ra cho các sản phẩm; cơ chế, chính sách để hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, dịch vụ, thương mại tạo ra các sản phẩm tốt, đặc trưng của địa phương và có tính cạnh tranh trên thị trường.

Ngoài ra, hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất, dịch vụ, thương mại tạo ra các sản phẩm tốt, đặc trưng của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Vĩnh Phúc: Lan tỏa sâu rộng mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu”
Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại hội nghị triển khai thí điểm đề án “Làng văn hóa kiểu mẫu tại tỉnh Vĩnh Phúc”.

Trong Đề án triển khai thí điểm mô hình, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đề ra một số giải pháp chủ yếu để thực hiện mô hình, gồm có:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường, thị trấn trong triển khai thực hiện mô hình.

Thứ hai, tập trung cân đối, phân bổ vốn, ngân sách nhà nước để thực hiện thí điểm mô hình. Tăng cường công tác xã hội hóa, huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các đoàn thể tỉnh.

Thứ ba, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phải làm tốt công tác tuyên truyền để chủ trương thực hiện Đề án nhận được sự đồng tình, ủng hộ tham gia của người dân, đặc biệt là cộng đồng dân cư nơi xây dựng mô hình thí điểm; đồng thời, để người dân hiểu rõ ý nghĩa thiết thực của Đề án này và sự quan tâm sâu sắc của tỉnh đối với việc nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần của nhân dân trong tỉnh.

Việc tỉnh Vĩnh Phúc triển khai xây dựng thí điểm các “Làng văn hóa kiểu mẫu” cũng chính là nhắm tới tạo ra một hệ sinh thái gắn kết các thiết chế văn hóa với các tinh hoa truyền thống. Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc nhận thức rõ ràng rằng, cái mới của “Làng văn hóa kiểu mẫu” sẽ là đầu tư đồng bồ, đầy đủ các thiết chế văn hóa, thể thao, tâm linh phù hợp với vùng miền cũng như sẽ đầu tư cơ chế hỗ trợ, giúp người dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng từ chính mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu”. Đây là một mô hình chưa có tiền lệ, vừa làm vừa lắng nghe, vừa đúc rút kinh nghiệm nhưng tỉnh kỳ vọng chỉ sau một thời gian sẽ hình thành những ngôi làng giàu có gắn liền với nghề rèn, nghề gốm hay các di tích độc đáo và quan trọng hơn cả là người dân được trực tiếp tham gia xây dựng, vận hành cũng như thụ hưởng.

Đề án “Làng văn hóa kiểu mẫu” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Vĩnh Phúc nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận, huy động được sức dân; lồng ghép việc thí điểm đề án với các chương trình mục tiêu quốc gia, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh, xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” là nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo điểm nhấn cả về kinh tế, văn hóa của các địa phương và làm chuyển biến nhận thức của nhân dân trong việc xây dựng, tạo không gian gần gũi với thiên nhiên; đồng thời là một bước cụ thể của công tác xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy chính quyền ở cơ sở...

Đông Hải

THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO

Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động