Đề án tổng thể bảo vệ môi trường ở huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh
Hơn 4 năm thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh, giai đoạn 2019-2024, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án của huyện Lương Tài xây dựng, ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, công văn đôn đốc về việc tập trung thực hiện các nội dung của Đề án, chú trọng các nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường thu gom, xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm ra môi trường; cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn; thực hiện phong trào chống rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi ni-lông, không dùng túi ni- lông đựng tài liệu trong các cuộc họp và chuyển tài liệu giữa các cơ quan; tổ chức hiệu quả các hoạt động nhân Tháng hành động vì môi trường, Ngày Môi trường thế giới…
Đoàn viên Thanh niên huyện Lương Tài tham gia công tác bảo vệ môi trường. |
Đến nay, Lương Tài được đánh giá là một trong những địa phương ít chịu ảnh hưởng từ tác động ô nhiễm môi trường. Nhiều vùng quê nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được hình thành, ở đó, môi trường luôn được giữ gìn sạch, đẹp, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt.
Bà Phạm Thị Huế, Phó trưởng Phòng TN & MT huyện Lương Tài nhận định: Để chất lượng môi trường thực sự được cải thiện thì công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về môi trường đến các tầng lớp nhân dân được đặt lên hàng đầu, nhằm giáo dục nhận thức, ý thức của người dân đối với công tác bảo vệ môi trường. Phòng TN & MT phối hợp với các phòng chức năng, tổ chức đoàn thể, các xã, thị trấn tổ chức phổ biến, quán triệt Kết luận số 25-KL/HU của Huyện ủy về việc thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh; Kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án của UBND huyện đến các cấp ủy Đảng, Chi bộ, từ đó cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy được tầm quan trọng nội dung Đề án để triển khai thực hiện ở cơ sở, đảm bảo phù hợp và hiệu quả. Việc triển khai, tuyên truyền từng bước làm thay đổi nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường, huy động được cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân tham gia.
Hiện nay, toàn huyện thành lập 108 tổ, đội vệ sinh môi trường với 266 thành viên làm nhiệm vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt phát sinh từ khu dân cư đến các điểm tập kết; tần suất thu gom rác thải của các tổ, đội trong thôn, xóm trung bình từ 1-3 lần/tuần; 100/101 thôn xây dựng điểm tập kết, trung chuyển rác thải tập trung; các điểm tập kết hoạt động ổn định, cơ bản sạch sẽ. Điều quan trọng là các xã, thị trấn thực hiện việc thu phí dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đến điểm tập kết ở 33.500 hộ gia đình cá nhân; 142 hộ độc thân, phòng trọ; 25 hộ sản xuất kinh doanh nhỏ tại nhà; 70 trường học, nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng… cho thấy, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đi vào nền nếp, không còn hiện tượng người dân xả thải bừa bãi ra môi trường, ao, vườn… như những năm trước.
Người làm nhiệm vụ thu gom rác được hỗ trợ kinh phí tham gia các loại hình bảo hiểm, từ đó yên tâm gắn bó với công việc. Huyện cũng tổ chức triển khai làm điểm mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình ở một số thôn thuộc xã Lâm Thao, thu hút 1.128 hộ tham gia, đạt hiệu quả, sẽ nhân rộng ở các địa phương khác trong huyện.
Cùng với nhiệm vụ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, Lương Tài còn đẩy mạnh thực hiện các phong trào: “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Đường tự quản”, “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”,…. Mặt khác, chỉ đạo rà soát, lập kế hoạch và đầu tư xây dựng các khu vệ sinh trong các trường học đảm bảo vệ sinh theo tiêu chuẩn quốc gia. Thành lập tổ tự quản và xây dựng phương án bảo vệ môi trường ở các làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ (thôn Lĩnh Mai, xã Quảng Phú); làm mỳ gạo (thôn Tử Nê, xã Tân Lãng); nghề vận tải thuỷ (thôn Hoàng Kênh, xã Trung Kênh)… và 2 CCN Lâm Bình, CCN làng nghề Quảng Bố; tăng cường chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề, xử lý kịp thời và nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm...
Nhà máy đốt rác phát điện công nghệ cao trên địa bàn huyện vẫn chưa đi vào hoạt động; một số điểm tập kết, trung chuyển rác thải tập trung gần đường giao thông và khu dân cư chưa được di dời sang vị trí khác, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường; hiện tượng cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp phát thải vượt quy chuẩn còn diễn ra; việc xả chất thải sản xuất và chăn nuôi chưa qua xử lý chưa được khắc phục triệt để; công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn chưa được quan tâm đúng mức; mô hình tổ chức các tổ đội vệ sinh môi trường thu gom rác thải tại một số địa phương hoạt động chưa hiệu quả; công tác quản lý quy hoạch và xây dựng hạ tầng kỹ thuật các công trình xử lý rác thải, nước thải trong CCN, làng nghề chưa được đầu tư đồng bộ… là những bức xúc, đòi hỏi công tác bảo vệ môi trường ở Lương Tài tiếp tục được nâng cao một bước, dần hình thành vùng nông thôn thực sự đáng sống.
Tin mới
Sáng kiến làm mát xanh III: Thúc đẩy chuyển đổi chất làm lạnh theo hướng làm mát bền vững tại Việt Nam
Phú Thiện(Gia Lai): Người phụ nữ Jrai với ước mơ truyền nghề may thổ cẩm cho thế hệ trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.