Vĩnh Phúc: Sản xuất công nghiệp đang vượt khó để phục hồi

09/04/2024 08:37 Kinh tế, xã hội
Trong quý I/2024, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh và cả nước đối mặt với nhiều khó khăn, tuy nhiên kết quả đạt được trong quý I/2024 cho thấy sản xuất công nghiệp đang dần phục hồi.

Theo Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và tình hình kinh tế - xã hội quý I và nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Vĩnh Phúc: quý I/2024, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh và cả nước đối mặt với nhiều khó khăn, tuy nhiên kết quả đạt được trong quý I/2024 cũng cho thấy sản xuất công nghiệp đang nỗ lực vượt khó để dần phục hồi.

Cụ thể, kết quả thu hút đầu tư vốn FDI Vĩnh Phúc trong quí 1/2024 đạt cao với tổng vốn hơn 347 triệu USD, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2023. Vốn DDI đạt gần 2,1 nghìn tỷ đồng, bằng 83,7% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó cấp mới hơn 730 tỷ đồng và điều chỉnh tăng vốn hơn 1,36 nghìn tỷ đồng).

Vĩnh Phúc: Sản xuất công nghiệp đang vượt khó để phục hồi

Thu hút đầu tư vốn FDI Vĩnh Phúc trong quí 1/2024 đạt cao với tổng vốn hơn 347 triệu USD, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ

năm 2023.

Về phát triển doanh nghiệp, Vĩnh Phúc ó 283 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký đạt hơn 3,3 nghìn tỷ đồng, tăng đến trên 40,7% so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp quay trở lại thị trường là 158 doanh nghiệp, tăng 21,5%. Tuy nhiên, số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng kinh doanh cũng rất cao với 577 doanh nghiệp, tăng 25,6% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy tình hình kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn khiến cho số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường thấp và số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng lên.

Trong tháng 3/2024, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn tăng 25,73% so với tháng trước và giảm 3,16% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ, ngành khai khoáng tăng 25,59%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 3,17%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 4,68%...

Tính chung quý I/2024, ước tính IIP toàn tỉnh tăng 6,67% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,63% và chỉ số tồn kho tháng 3 tăng 9,19%...Điều này cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, sản lượng sản xuất của nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong quý I/2024 cũng bị tác động như sản lượng ô tô ước đạt 6.735 nghìn xe, giảm 22,75% so với cùng kỳ. Về lý do ngành sản xuất ô tô giảm mạnh do đây là ngành sản xuất chịu nhiều tác động của nền kinh tế trong và ngoài nước, thị trường tiêu thụ các sản phẩm ô tô trong quý I/2024 kém sôi động, nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế khó khăn, thu nhập giảm sút nên người dân hạn chế mua sắm tài sản có giá trị lớn; cùng với chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ của Chính phủ đã hết hiệu lực kể từ ngày 1/1/2024 cũng là nguyên nhân khiến người dân hạn chế mua xe ô tô trong thời gian này. Sức mua của thị trường ở mức thấp trong khi lượng xe tồn kho còn nhiều nên các doanh nghiệp trong ngành là Toyota, Honda đã phải giảm sản lượng để cân đối giữa sản xuất và nhu cầu của thị trường, khiến IIP tháng 3/2024 và quý I/2024 của ngành giảm khá sâu so với cùng kỳ.

Sản lượng xe máy ước đạt 371 nghìn xe, giảm 2,87%. Đặc biệt, theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Vĩnh Phúc do ông Vũ Việt Văn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký, nêu rõ: Trong kỳ, để kích cầu tiêu dùng, nâng cao sức mua, đẩy mạnh lượng xe tiêu thụ và gia tăng doanh số, các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục đưa ra thị trường nhiều mẫu xe mới với thiết kế hiện đại, công nghệ tiên tiến với nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá như hỗ trợ lệ phí đăng ký, tăng Voucher, tặng quà… tuy nhiên, do thị trường xe máy tại nước ta hiện nay ở ngưỡng bão hoà trong khi một số bộ phận người dân chuyển sang sử dụng xe ô tô hoặc xe điện thay thế các dòng xe sử dụng động cơ đốt trong nên sức mua thấp, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm xe máy giảm.

Về sản phẩm linh kiện điện tử, doanh thu dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử ước đạt 18,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,49% so với cùng kỳ năm ngoái. Giải thích về sự tăng trưởng trên, tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: Quý I/2024, một số doanh nghiệp trong ngành đã thực hiện di chuyển các công đoạn sản xuất từ các nhà máy ở Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hoá, cắt giảm tối đa chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, một số hãng công nghệ lớn đã đưa ra thị trường các dòng sản phẩm điện thoại thông minh, máy tính bảng mới với nhiều thay đổi trong thiết kế phần cứng và phân mềm, thu hút sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng. Nhờ đó, các doanh nghiệp sản xuất và hỗ trợ điện tử trên địa bàn tỉnh đã có thêm được nhiều đơn hàng, góp phần ổn định việc làm cho người lao động, phát triển sản xuất, gia tăng doanh thu và duy trì sự tăng trưởng cho các ngành kinh tế chủ lực của tỉnh.

Minh Phú

THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO

Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động