"Xanh hóa" năng lượng trong sản xuất cần phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương
Tại sự kiện, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, môi trường và tài chính như LONGi, SolarEdge, SP Group đã có dịp trao đổi và lắng nghe các ý kiến đóng góp từ những doanh nghiệp sản xuất về những chính sách, quy định và giải pháp công nghệ, cũng như những ví dụ thành công điển hình của doanh nghiệp tại Việt Nam. Đại diện Ban tổ chức, ông Nguyễn Đức Bình - Đại diện VCCI chia sẻ: “Hội thảo là cơ hội để các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của năng lượng tái tạo, cũng như những nguồn lực cần thiết để chuyển đổi xanh hiệu quả. Xanh hóa sản xuất sẽ tiếp tục là một trong những ưu tiên hàng đầu để Việt Nam thúc đẩy nền kinh tế xanh phát triển, hướng tới tương lai bền vững.”
Ông Nguyễn Đức Bình - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa - VCCI
Với đặc điểm số giờ nắng và tổng lượng bức xạ mặt trời thấp hơn so với khu vực miền Trung và miền Nam, nhiều doanh nghiệp phía Bắc vẫn còn ngần ngại khi tiếp cận với các dự án điện mặt trời áp mái. Để giải quyết những băn khoăn này, đại diện thương hiệu LONGi đã giới thiệu công nghệ tấm quang điện tối ưu nhất hiện nay với hiệu suất lên đến 25% và công nghệ truyền dẫn mặt sau giúp hấp thụ năng lượng trong cả điều kiện ánh sáng yếu và ở nhiều góc độ khác nhau. Cùng với đó, các giải pháp biến tần (inverter) an toàn và tối ưu công suất cho hệ thống điện mặt trời áp mái từ thương hiệu biến tần SolarEdge cũng nhận được sự quan tâm lớn từ khách tham dự là chủ của các doanh nghiệp luôn đặt sự an toàn của con người và tài sản lên hàng đầu. Các giải pháp biến tần từ SolarEdge cũng đảm bảo các quy định nghiêm ngặt về tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật được quy định tại Hoa Kỳ và các quốc gia tiên tiến khác.
Để góp phần hỗ trợ chuyển đổi xanh cho các doanh nghiệp sản xuất, SP Group mang đến cho các doanh nghiệp Việt hệ sinh thái giải pháp năng lượng bền vững bao gồm lắp đặt, quản lý và vận hành cho các khu công nghiệp, nhà máy. Đơn vị điều hành lưới điện từ Singapore cũng giới thiệu giải pháp tài chính giúp các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận điện mặt trời áp mái thông qua hợp đồng mua bán điện với bên đầu tư thứ ba. Qua đó, các doanh nghiệp có thể sử dụng điện năng sản xuất ngay trên mái nhà xưởng với giá ưu đãi mà không tốn chi phí đầu tư, vận hành hay vấn đề pháp lý.
Bên cạnh đó, câu chuyện về Chứng chỉ Năng lượng Tái tạo (REC) và thị trường mua bán tín chỉ carbon là một trong những vấn đề “nóng” được đề cập trong buổi hội thảo. Hiện nay, hơn 95% Chứng chỉ Năng lượng Tái tạo trên thế giới là chứng chỉ quốc tế (I-REC), theo chia sẻ từ đại diện Tập đoàn Vũ Phong, một trong những đơn vị đi đầu về phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Hiện nay, Tập đoàn Vũ Phong đang triển khai nhiều giải pháp về tư vấn đăng ký sở hữu và giao dịch chứng chỉ I-REC, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, giúp các doanh nghiệp tiến nhanh hơn trên hành trình xanh hóa sản xuất, đạt đến mức trung hòa phát thải cacbon (net-zero) để nâng cao vị thế trên chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các chuyên gia thảo luận trong phiên tọa đàm về xanh hóa năng lượng trong sản xuất
Tại phiên thảo luận, các chuyên gia tiếp tục đào sâu vào các yếu tố mà doanh nghiệp cần cân nhắc khi lắp đặt hệ thống PV nhằm đảm bảo an toàn và tối đa hóa sản lượng. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng lưu ý về ưu điểm, nhược điểm của REC và tín chỉ carbon đối với doanh nghiệp, và đưa ra những lời khuyên giúp các doanh nghiệp tiếp cận hai khái niệm này dễ dàng hơn.