Xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số tại Vĩnh Phúc

21/11/2022 14:13 Tăng trưởng xanh
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 Vĩnh Phúc vào nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chuyển đổi số, thời gian tới, cùng với sự đầu tư của tỉnh, các doanh nghiệp tại địa phương cần chủ động, tích cực ứng dụng công nghệ sản xuất và công nghệ quản trị hiện đại gắn với quá trình chuyển đổi số, đào tạo nguồn lực công nghệ số, phát triển sản xuất thông minh.

Cùng với cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp xâm nhập và mở rộng thị trường trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

Là dòng sản phẩm đòi hỏi khắt khe về môi trường sinh trưởng và chỉ sản xuất theo mùa, nuôi trồng ở một số vùng nhất định, Công ty TNHH phát triển công nghệ cao Minh Anh (thành phố Phúc Yên) đã đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại vào nuôi trồng, chế biến sản phẩm đông trùng hạ thảo như thiết bị hấp khử trùng, buồng cấy vô trùng, phòng nuôi được kiểm soát nhiệt độ - độ ẩm, máy sấy thăng hoa, máy seal màng nhôm…Từ đó, tạo ra sản phẩm đông trùng hạ thảo quanh năm, cung cấp 3-5 tạ/tháng ra thị trường. Hàm lượng hoạt chất trong sản phẩm được công ty gửi đi phân tích tại Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia và gắn tem truy xuất nguồn gốc QR để người sử dụng thuận tiện tra cứu, theo dõi và kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số tại Vĩnh Phúc
Xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp xâm nhập và mở rộng thị trường.

Theo ông La Việt Hồng, cố vấn khoa học Công ty TNHH Phát triển công nghệ cao Minh Anh, ứng dụng nền tảng số trong sản xuất kinh doanh đang trở thành xu hướng phát triển của doanh nghiệp nói chung, công ty nói riêng nhằm từng bước nâng cao vị thế, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghệ số. Vì vậy, công ty đã linh hoạt ứng dụng công nghệ số vào hoạt động xúc tiến thương mại như quảng bá, bán hàng trên Facebook, Zalo, website; thường xuyên nghiên cứu, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm; xây dựng hệ thống công nghệ thông tin về truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm đông trùng hạ thảo của công ty đã có mặt tại khắp các tỉnh miền Bắc.

Tại Công ty cổ phần TNHH Accuracy (thành phố Vĩnh Yên), nhờ sự hỗ trợ của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam về cải tiến kĩ thuật nâng cao hiệu suất làm việc thông qua dự án xây dựng nhà máy thông minh, doanh nghiệp đã tái cấu trúc sản xuất, tinh gọn bộ máy, xây dựng hệ thống quản lý nhà máy bằng Excel; cải tiến năng suất lao động tại tất cả các công đoạn; linh hoạt thiết kế các buổi trao đổi thông tin trực tuyến, sử dụng phần mềm hệ thống liên kết giữa khách hàng với doanh nghiệp. Qua đó, giảm tối đa tỷ lệ lỗi, tiết kiệm được thời gian, công sức và tăng năng suất lao động, đồng thời, tăng khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh phát triển.

Hiện toàn tỉnh có trên 8.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để đạt mục tiêu đến năm 2025, hơn 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số, thời gian qua, tỉnh đã chủ động xây dựng và ban hành kịp các văn bản làm cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; khuyến khích doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng nền tảng số trong quản trị, sản xuất kinh doanh; thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp trong ngành công nghệ số; phủ sóng toàn bộ các khu công nghiệp bằng công nghệ 5G; hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh chuyển đổi số, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Tỉnh đã cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng chữ ký số, kê khai bảo hiểm xã hội, khai báo thuế điện tử, hóa đơn điện tử.

Đến cuối tháng 9/2022, toàn tỉnh có gần 8.200 giao dịch thanh toán trực tuyến qua nền tảng thanh toán của Cổng dịch vụ công quốc gia; khoảng 4.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng số; 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; hoạt động mua bán, trao đổi nông sản, đồ gia dụng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử trở nên sôi động hơn.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhỏ khả năng số hóa dữ liệu trong sản xuất chưa cao, mức độ ứng dụng các công nghệ sản xuất công nghiệp còn rất thấp, phần lớn các doanh nghiệp hiện nay cũng chưa trang bị những kỹ năng đầy đủ cho người lao động để làm việc trong một nhà máy thông minh…

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 Vĩnh Phúc vào nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chuyển đổi số, thời gian tới, cùng với sự đầu tư của tỉnh, các doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực ứng dụng công nghệ sản xuất và công nghệ quản trị hiện đại gắn với quá trình chuyển đổi số, đào tạo nguồn lực công nghệ số, phát triển sản xuất thông minh.

Đông Hải

THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO

Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động