An Giang:

Xử lý triệt để các “điểm nóng” ô nhiễm

24/04/2020 08:09 Địa phương
UBND tỉnh An Giang vừa ban hành Công văn số 369/UBND-KTN về việc bảo vệ môi trường không khí và tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí, xử lý triệt để các “điểm nóng” về ô nhiễm bụi và khí thải trên địa bàn tỉnh.
Bắc Giang: Xử lý triệt để các điểm tồn lưu rác
xu ly triet de cac diem nong o nhiem
Thực hiện các biện pháp hạn chế phát sinh khí thải từ phương tiện giao thông.

Nhằm kiểm soát chặt chẽ công tác xử lý bụi, khí thải, các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, UBND tỉnh An Giang yêu cầu công khai thông tin về các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí, các cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định pháp luật bảo vệ môi trường không khí trên các phương tiện truyền thông.

Tỉnh An Giang cũng đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, tăng cường vị trí, tần suất, thông số quan trắc môi trường không khí trong chương trình quan trắc định kỳ đảm bảo đáp ứng khả năng đánh giá tình trạng ô nhiễm không khí tại các “điểm nóng”, khu vực tập trung nhiều nguồn thải trên địa bàn tỉnh. Cung cấp thông tin kết quả quan trắc môi trường cho Sở Thông tin và Truyền thông để công bố, công khai, kịp thời thông báo cho UBND các huyện, thị xã, thành phố và người dân biết về chất lượng không khí; đồng thời tham mưu đề xuất UBND tỉnh đầu tư hệ thống trạm quan trắc không khí tự động liên tục trên địa bàn, trong đó ưu tiên cho TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, Khu công nghiệp Bình Hòa, Khu công nghiệp Bình Long, nơi tập trung các cơ sở sản xuất gạch ngói… để kịp thời thông tin kết quả quan trắc cho cộng đồng và phục vụ quản lý chất lượng không khí trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên & Môi trường sẽ tổ chức rà soát, kiểm tra, yêu cầu các đơn vị doanh nghiệp thuộc đối tượng phải đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục và các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh phải đầu tư lắp đặt, vận hành các hệ thống thiết bị xử lý khí thải tiên tiến đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tác hại của ô nhiễm không khí tới sức khỏe, phát huy được vai trò trách nhiệm của từng công dân trong công tác bảo vệ môi trường không khí; tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý môi trường của ngành, các cấp và chủ cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm phổ biến các kiến thức về quản lý chất lượng không khí, các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không khí.

UBND tỉnh An Giang cũng giao Sở Giao thông - Vận tải tăng cường kiểm soát khí thải đối với xe ôtô tham gia giao thông; thực hiện các biện pháp hạn chế phát sinh khí thải từ phương tiện giao thông. Khuyến khích sử dụng nhiên liệu sạch, năng lượng sạch đối với phương tiện giao thông cơ giới; khuyến khích chuyển đổi sử dụng xe cơ giới cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm soát các dự án, nhà máy sản xuất, chế biến phân bón hóa học, hoạt động xử lý phụ phẩm, sản phẩm thải sau thu hoạch đảm bảo được xử lý an toàn, đúng quy định; không đốt chất thải rắn, rơm rạ sau thu hoạch. Khuyến khích hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp hạn chế phát sinh khí thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nhiên liệu sạch, năng lượng sạch đối với phương tiện giao thông cơ giới; sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại; sử dụng vật liệu chống ồn tại các công trình xây dựng; thực hiện các biện pháp hạn chế phát sinh khí thải từ hoạt động xây dựng, nông nghiệp. Kiểm soát chặt chẽ công tác xử lý bụi, khí thải, các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao từ các cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; thực hiện giám sát, kiểm tra định kỳ và đột xuất về bảo vệ môi trường không khí của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn.…

Mai Hoa
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động