Yên Bái: Vốn tín dụng chính sách hấp thụ hiệu quả

30/05/2024 07:22 Kinh tế, xã hội
Yên Bái là một tỉnh thuộc diện khó khăn của cả nước, số hộ nghèo, cận nghèo còn khá cao. Những năm qua, các chương trình tín dụng chính sách đã giúp người dân trên địa bàn có vốn để đầu t­­­ư vào sản xuất, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống, từng bư­ớc thoát nghèo, góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Yên Bái: Vốn tín dụng chính sách hấp thụ hiệu quả
Trang trại chăn nuôi gà của gia đình bà Trần Thị Bảy

Hấp thụ vốn hiệu quả

Hết năm 2023, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Yên Bái đang triển khai 18 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ các chương trình là 4.867,5 tỷ đồng, tăng 695 tỷ đồng so với năm 2022 (tỷ lệ tăng trưởng 16,7%); toàn tỉnh có trên 85,4 ngàn khách hàng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác đang có dư nợ tại ngân hàng chính sách xã hội.

Năm 2023, Chi nhánh đã thực hiện giải ngân cho vay 25.237 lượt khách hàng, với doanh số cho vay đạt 1.402 tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2024, Chi nhánh đã tập trung giải ngân cho vay được 10.682 khách hàng với số tiền 594,8 tỷ đồng. Trong đó: Doanh số cho vay hộ nghèo là 133 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo là 50 tỷ đồng, cho vay hộ mới thoát nghèo là 107 tỷ đồng, cho vay giải quyết việc làm 115 tỷ đồng, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khan là 103 tỷ đồng, cho vay nước sách và vệ sinh môi trường nông thôn là 77 tỷ đồng, còn lại là các chương trình khác.

Tổng dư nợ đến 30/4/2024 của toàn Chi nhánh đạt 5.093 tỷ đồng, tăng 225,5tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành 64,3% kế hoạch tăng trưởng dư nợ được giao; số khách hàng vay vốn là trên 86,2 ngàn khách hàng.

Huyện Văn Yên là một trong những địa phương có hoạt động tín dụng chính sách khá tốt. Riêng năm 2023, NHCSXH huyện đã được giao và điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng tới 10 đợt, với tổng số chỉ tiêu được giao tăng trưởng là 98,8 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2023, tổng dư nợ toàn huyện đạt 752, 631 tỷ đồng, tăng 97, 744 tỷ đồng so với 31/12/2022 (tỷ lệ tăng 14,93%), đạt 99,9% kế hoạch tăng trưởng được giao năm 2023. Tới 30/4/2024, toàn huyện có Tổng dư nợ là trên 800 tỷ đồng.

Nguồn vốn vay đã được người dân đầu tư vào sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế, như: đã trồng được 2.395 ha quế, bồ đề; 05 dự án chăn nuôi trâu bò với 50 con; 03 dự án chăn nuôi gia súc với 380 con; 04 mô hình chăn nuôi gà khoảng 3.200 con; xây dựng được 1.850 công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường;... Nguồn vốn vay ưu đãi đã góp phần thu nhập ổn định cho các hộ vay vốn, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Nổi bật trong số khách hàng vay vốn tín dụng chính sách làm ăn có hiệu quả là hộ bà Trần Thị Bảy (Thôn Đoàn Kết, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên). Năm 2020, gia đình bà Trần Thị Bảy khởi đầu mô hình chăn nuôi gà đã được Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay vốn theo chương trình giải quyết việc làm với số tiền 40 triệu đồng; khoản vay này có thời hạn là 24 tháng đã được gia đình bà sử dụng đúng mục đích, làm ăn hiệu quả, trả lãi và gốc đúng hạn. Chăn nuôi phát triển, lần thứ hai gia đình bà Bảy tiếp tục được ngân hàng cho vay số tiền là 80 triệu đồng để mở rộng quy mô. Tới nay, trang trại của gia đình bà đã được đầu tư bài bản, ước tính sơ bộ, mỗi tháng gia đình bà có thu nhập khoảng 20 triệu đồng tiền lãi từ mô hình chăn nuôi gà.

Tiếng nói từ cơ sở

Bà Nguyễn Thị Xinh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mậu Đông chia sẻ: Hội Phụ nữ xã Mậu Đông có 4 tổ vay vốn, với 168 thành viên, tổng dư nợ vốn ủy thác từ ngân hàng chính sách xã hội là hơn 8 tỷ đồng; phần lớn dư nợ tập trung vốn vay ở chương trình hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Tuy số thành viên của các tổ vay vốn khá đông nhưng dư nợ của chương trình vốn vay nước sạch và vệ sinh môi trường còn thấp do mức cho vay 02 công trình chỉ có 20 triệu đồng. Bà Xinh mong muốn, mức vay của chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường sớm được nâng lên khoảng 50 - 60 triệu đồng để người dân thiết tha với chương trình này, đưa việc sử dụng nước sạch và xây dựng các công trình vệ sinh được đảm bảo hơn.

Yên Bái: Vốn tín dụng chính sách hấp thụ hiệu quả
Một mô hình chăn nuôi ở huyện Văn Chấn từ nguồn vay vốn tín dụng chính sách để thoát nghèo

Ông Đinh Công Thái, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Chấn (Yên Bái) cho biết: Văn Chấn là huyện miền núi phía tây của tỉnh, với 24 xã, thị trấn trong đó có 9 xã vùng khó khăn, với 177/213 thôn (bản) thuộc vùng khó khăn. Địa bàn huyện trải dài trên 120 km theo Quốc lộ 32, tổng số hộ dân là 31.053 hộ phân bố không đều, với 18 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 62,6%.

Tính đến 30/04/2024, Tổng dư nợ vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện là 720, 946 tỷ đồng, tăng 29, 793 tỷ đồng so với cuối năm 2023; tổng số khách hàng đang còn dư nợ đến 30/04/2024 là 11.796 khách hàng.

“Diện tích trải rộng, giao thông đi lại khó khăn nên Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện rất cần sự phối hợp nhịp nhàng của các địa phương, của các cán bộ cơ sở, đặc biệt là các Trưởng thôn. Ai cũng hiểu, Trưởng thôn có vai trò rất quan trọng trong quá trình triển khai các nhiệm vụ ở thôn, từ bình bàu hộ nghèo, tới xác minh nhân sự tại thôn,… Với ngân hàng chính sách, Trưởng thôn luôn giữ vai trò quan trọng trong mỗi cuộc họp với các đối tượng vay vốn, hay trong hội nghị triển khai các quy định của tín dụng chính sách,… nhưng theo quy định hiện nay, chưa có cơ chế hỗ trợ kinh phí đối với Trưởng thôn tham gia quản lý, triển khai hoạt động tín dụng chính sách, đây cũng là điều khó khăn khi ngân hàng đề nghị phối hợp. Nên chăng, chúng ta cần sớm quy định mức hỗ trợ kinh phí dành cho Trưởng thôn trong công tác tham gia quản lý vốn vay để họ cống hiến nhiều hơn, giúp các hoạt động phục vụ nhân dân của ngân hàng chính sách được hiệu quả hơn”, ông Thái tâm sự.

Đình Hợi
Xin chờ trong giây lát...

Cả nước đồng lòng hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới

Phiên bản di động