04 loại sự cố chất thải và 3 giai đoạn ứng phó
Thủ tướng Chính phủ quyết định công bố tình trạng khẩn cấp và chỉ đạo ứng phó sự cố chất thải |
Ai gây ra sự cố chất thải thì phải có trách nhiệm chi trả cho chi phí tổ chức ứng phó, cải tạo và phục hồi môi trường. |
Sự cố chất thải là một loại sự cố môi trường và do chất thải gây ra; chất thải ở đây là nước thải, khí thải, chất thải rắn. Sự cố này xảy ra trong quá trình quản lý chất thải của tổ chức, cá nhân gồm các hoạt động phòng ngừa, giảm thiểu, giám sát, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải.
Quy chế quy định rõ, nguyên tắc sự cố chất thải xảy ra ở đâu thì chính quyền địa phương ở đó phải có trách nhiệm tổ chức ứng phó sự cố. Sự cố chất thải được phân loại thành 04 loại dựa trên mức độ, phạm vi tác động đến môi trường của sự cố; tương ứng từng loại sự cố chất thải thì trách nhiệm ứng phó của các chủ thể đã được xác định rõ ràng, cụ thể.
Sự cố mức độ thấp: gồm sự cố trong phạm vi của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và trong khả năng tự ứng phó của cơ sở thì chủ cơ sở tổ chức ứng phó và sự cố có phạm vi ảnh hưởng trong địa giới hành chính của một huyện (trừ sự cố trong phạm vi của cơ sở) thì Chủ tịch UBND cấp huyện, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức ứng phó.
Sự cố mức độ trung bình là sự cố có phạm vi ảnh hưởng trong địa giới hành chính của một tỉnh (trừ sự cố mức độ thấp). Sự cố loại này do Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức ứng phó.
Sự cố mức độ cao là sự cố có phạm vi ảnh hưởng trên địa giới hành chính của hai tỉnh trở lên. Sự cố này do Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo tổ chức ứng phó.
Sự cố thảm họa là sự cố đặc biệt nghiêm trọng, có ảnh hưởng lớn đến quốc phòng, an ninh, ngoại giao. Việc ứng phó sự cố này được thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp
Quy chế này cho phép cơ quan, người có thẩm quyền chỉ đạo tổ chức ứng phó sự cố chất thải được thành lập sở chỉ huy, chỉ định người chỉ huy, chỉ định người phát ngôn và được quyền yêu cầu và huy động các lực lượng có liên quan để tổ chức ứng phó sự cố chất thải.
Ứng phó sự cố chất thải có 03 giai đoạn: (1) giai đoạn chuẩn bị ứng phó sự cố, (2) giai đoạn tổ chức ứng phó sự cố và (3) giai đoạn cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố. Bắt đầu và kết thúc giai đoạn tổ chức ứng phó sự cố và giai đoạn cải tạo, phục hồi môi trường phải được công bố công khai bởi cơ quan có thẩm quyền để cộng đồng dân cư được biết.
Giai đoạn thứ nhất là chuẩn bị ứng phó sự cố chất thải. Giai đoạn này gồm các hoạt động như xây dựng kế hoạch, kịch bản ứng phó sự cố; xây dựng lực lượng, nguồn lực và trang thiết bị ứng phó sự cố và tổ chức diễn tập ứng phó sự cố sự cố chất thải.
Giai đoạn thứ hai là tổ chức ứng phó sự cố chất thải. Đây là giai đoạn phức tạp nhất và khó khăn nhất, gồm các hoạt động tiếp nhận, xử lý thông tin và công bố sự cố chất thải; thành lập sở chỉ huy, chỉ định người chỉ huy, người phát ngôn; huy động các lực lượng để triển khai các hoạt động ứng phó cụ thể; điều tra nguyên nhân sự cố trong trường hợp cần thiết.
Giai đoạn thứ ba là cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố chất thải gồm các nội dung như điều tra, đánh giá mức độ thiệt hại; xác định khối lượng, hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường; xây dựng, phê duyệt kế hoạch, dự toán và tổ chức thực hiện kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường; nghiệm thu và công bố hoàn thành giai đoạn cải tạo, phục hồi môi trường.
Về nguyên tắc, ai gây ra sự cố chất thải thì phải có trách nhiệm chi trả cho chi phí tổ chức ứng phó, cải tạo và phục hồi môi trường, bao gồm cả các trách nhiệm khác như bồi thường thiệt hại, hành chính, hình sự theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trường hợp tổ chức, cá nhân gây ra sự cố không có khả năng chi trả, chi trả không đủ, không kịp thời hoặc trong trường hợp chưa xác định được chủ thể gây ra sự cố thì nhà nước có trách nhiệm đứng ra tổ chức ứng phó sự cố để bảo vệ lợi ích chung, lợi ích của cộng đồng. Theo Quy chế, trường hợp này thì nguồn kinh phí được xác định là từ nguồn kinh phí dự phòng, nguồn sự nghiệp môi trường và các nguồn khác theo quy định pháp luật. Sau đó tổ chức, cá nhân gây ra sự cố có trách nhiệm bồi hoàn các chi phí liên quan đến tổ chức ứng phó sự cố chất thải và cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố cho nhà nước.
Tin mới
Sáng kiến làm mát xanh III: Thúc đẩy chuyển đổi chất làm lạnh theo hướng làm mát bền vững tại Việt Nam
Phú Thiện(Gia Lai): Người phụ nữ Jrai với ước mơ truyền nghề may thổ cẩm cho thế hệ trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường
Tin khác
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.