5 nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách của ngành Công Thương

30/12/2019 16:38 Tăng trưởng xanh
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đặt ra 5 nội dung trọng tâm và cấp bách cho toàn ngành Công Thương năm 2020.
10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2019
5 nhiem vu trong tam va cap bach cua nganh cong thuong

Công Thương là ngành rất lớn, hết sức quan trọng của nền kinh tế, quản lý bao trùm nhiều lĩnh vực, chiếm 2 trong 4 trụ cột của đất nước (công nghiệp, thương mại), có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, hội nhập quốc tế và chăm lo đời sống của nhân dân.

Nhìn nhận các thành tích nổi bật trong năm 2019, có thể đánh giá rằng Ngành Công Thương đã hoàn thành xuất sắc và toàn diện nhiệm vụ được giao của năm 2019, đặc biệt là trong bối cảnh quốc tế, khu vực có những biến động phức tạp, khó lường... Bộ Công Thương đã tiếp tục thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao trong thực hiện đổi mới toàn diện trên nhiều mặt, đặc biệt là công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp; sắp xếp tổng cục quản lý thị trường theo mô hình mới; đồng thời, đã tổ chức được nhiều hội nghị quan trọng: các hội nghị toàn quốc về thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, hội nghị về giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam và các hội nghị, hội thảo tuyên truyền phổ biến các quy định, cam kết về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hiệp định FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và các FTA khác tại các tỉnh, thành phố trong cả nước… góp phần tạo động lực cho tăng trưởng chung của nền kinh tế.

5 nhiem vu trong tam va cap bach cua nganh cong thuong

Những vấn đề lớn của ngành Công Thương trong hoạt động, điều hành đều hướng tới mục tiêu đảm bảo tăng trưởng chung các chỉ tiêu của nền kinh tế, đặc biệt liên quan tới tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với năng lực cạnh tranh các ngành hàng, sản phẩm từ các khâu sản xuất vật chất đến phát triển thị trường, cũng như có sự ứng phó kịp thời trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới của đất nước và cục diện phức tạp của khu vực, quốc tế.

Năm 2020 là năm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc kết thúc Chiến lược 10 năm của đất nước, cũng như trong Kế hoạch 5 năm của nhiệm kỳ của Chính phủ và Quốc hội. Với những kết quả có được trong những năm trước, tiếp tục trong năm 2020, mục tiêu không chỉ hoàn thành kế hoạch năm mà hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu của cả Chiến lược và Kế hoạch 5 năm.Bộ Công Thương cần nhìn nhận và đánh giá thực chất những vấn đề đang là nút thắt trong hoạt động phát triển ngành Công Thương. Từ đó có giải pháp, thực hiện dưới sự chỉ đạo của Chính phủ để xử lý và tháo gỡ, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng của cả nước, đặc biệt theo hướng bền vững, đồng thời thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành quốc gia phát triển trong thời gian tới. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu 5 nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho ngành Công Thương năm 2020.

Thứ nhất, tập trung giải quyết chuyển đổi cơ cấu công nghiệp, xuất nhập khẩu theo hướng bền vững. Bộ Công Thương đã duy trì hàng loạt về chiến lược phát triển xuất nhập khẩu bền vững, tái cơ cấu công nghiệp, thương mại, dịch vụ theo hướng bền vững. Mặc dù, thời gian qua đã đạt nhiều tiến bộ, nhưng những việc tái cơ cấu này chưa triển khai kịp với tiến độ, chưa đạt được nền tảng hướng tới bền vững của khu vực và toàn cầu.

Thứ hai, liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu, theo Bộ trưởng, tiếp tục phát triển bền vững thị trường nước ngoài, tăng cường năng lực cạnh trạnh trên cơ sở tái cơ cấu lại nền công nghiệp, để đảm bảo khả năng tham gia thị trường quốc tế một cách bền vững.

5 nhiem vu trong tam va cap bach cua nganh cong thuong

Thứ ba, vai trò của thị trường trong nước sẽ ngày càng khẳng định trong năm tới cần có những quyết sách phát triển thị trường nội địa bền vững, gắn với bảo vệ quyền lợi của thị trường doanh nghiệp sản xuất, phân phối và người tiêu dùng với những yêu cầu của hội nhập.

Thứ tư, ngành Công Thương thực sự tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong quá trình nâng cao năng suất chất lượng của nền kinh tế, đặc biệt là ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất kinh doanh và quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế. Trong đó, chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ là nền tảng, vai trò quan trọng để đảm bảo tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình, cũng như tạo điều kiện cho đất nước chuyển hướng mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đó không chỉ là việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào các ngành sản xuất, công nghiệp mà còn tập trung ở lĩnh vực thương mại cả ở bình diện trong nước và quốc tế.

Thứ năm, việc triển khai thực hiện tốt các cam kết hội nhập, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, gắn vào đó là Chương trình phổ biến kiến thức, tăng cường năng lực thể chế, cũng như tiếp tục hỗ trợ và tạo ra tương tác giữa khu vực công và tư một cách hiệu quả trong các lĩnh vực về hội nhập. Đặc biệt, hướng vào bảo vệ những lợi ích chính đáng và phù hợp với khuôn pháp quốc tế và cam kết hội nhập của Việt Nam cho các doanh nghiệp Việt ở thị trường trong nước và ngoài nước, kể cả liên quan đến tranh chấp thương mại quốc tế có trực tiếp và gián tiếp đối với Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam.

Thu Vân
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động