6 nhiệm vụ giải pháp thực hiện Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0

29/04/2020 14:28 Tăng trưởng xanh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân xây dựng dự thảo “Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030”. Trong đó, đề xuất 6 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện mục tiêu Chiến lược.
Ba nền tảng của Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0
6 nhiem vu giai phap thuc hien chien luoc quoc gia ve cach mang cong nghiep 40
Phấn đấu đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP.

Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) nhằm thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 52-NQ/TW, cụ thể là chủ động và tận dụng có hiệu quả các cơ hội của cuộc CMCN 4.0 nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.

Phấn đấu đến năm 2030: Duy trì xếp hạng về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN và Chỉ số chất lượng pháp luật thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu; Trụ cột Thể chế trong xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) thuộc nhóm 40 nước đứng đầu (nhóm 40); Duy trì chỉ số An ninh mạng toàn cầu của Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) thuộc nhóm 30 nước đứng đầu (nhóm 30).

Kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm; phát triển lực lượng lao động chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển; hoàn thành xây dựng Chính phủ số; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật số; đạt mức Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN; mạng 5G phủ sóng toàn quốc…

Dự thảo cũng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, nâng cao chất lượng thể chế và năng lực xây dựng chính sách. Xây dựng, bổ sung thể chế, quy định pháp luật cho các công nghệ mới, mô hình, thực tiễn kinh doanh mới; chính phủ số và an toàn an ninh mạng; thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện thể chế hiện hành nhằm khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo; tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách, hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ; nâng cao năng lực xây dựng chính sách nhằm nâng cao chất lượng thể chế, khả năng phản ứng chính sách nhanh và hiệu quả.

Hai là, phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu: Phát triển dịch vụ internet di động 5G; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng mạng lưới cáp quang tốc độ cao quốc gia và tăng băng thông internet quốc tế bằng chính sách tín dụng phát triển. Xây dựng xa lộ internet cho các dịch vụ nhiều người dùng, như: dịch vụ hành chính công, dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ khác.

Ba là, phát triển nguồn nhân lực. Mở rộng, nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo đại học, đặc biệt trong các ngành đào tạo phục vụ CMCN 4.0: Áp dụng các giải pháp sáng tạo (như là đào tạo trực tuyến (e-Learning), đào tạo tại doanh nghiệp theo chương trình được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt) để tăng nhanh số lượng và chất lượng các chương trình đào tạo về công nghệ thông tin và khoa học kỹ thuật, nhất là các chuyên ngành An ninh mạng, Phân tích dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo…

Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho người lao động trong các doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo kỹ năng mới để chuyển đổi công việc trong quá trình chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ để đổi mới sản xuất kinh doanh; hỗ trợ để đào tạo nghề cho người lao động thất nghiệp trong quá trình chuyển đổi số.

Bốn là, xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào quản lý nhà nước trong tất cả các lĩnh vực; cắt bỏ, đơn giản hóa và số hóa các loại thủ tục, giấy tờ; giảm thiểu yêu cầu tiếp xúc trực tiếp giữa cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân; cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; xây dựng và ban hành tiêu chuẩn dịch vụ công điện tử để áp dụng trong quá trình xây dựng chính phủ điện tử.

Năm là, phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia. Cơ cấu lại toàn diện hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ công lập; xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, tập trung vào các công nghệ chủ chốt của cuộc CMCN 4.0; phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trường đại học và viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh.

Sáu là, đầu tư, phát triển một số công nghệ cơ bản của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhà nước chủ động tạo môi trường thử nghiệm cho các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ của CMCN 4.0; xây dựng các cơ sở dữ liệu để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu các công nghệ của CMCN 4.0; xây dựng các chính sách ưu đãi thuế mới nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ sử dụng các công nghệ ưu tiên.

Thu Trang
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động