7 nhóm nội dung chính Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

27/11/2020 09:32 Chính sách - Pháp luật
Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11. Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả, không phải trả tiền bản quyền. 
Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030
7 nhom noi dung chinh du thao sua doi bo sung mot so dieu cua luat so huu tri tue

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, thực tiễn hơn 15 năm thi hành, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo, khai thác, sử dụng và thụ hưởng các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, thực thi pháp luật trong nước và hội nhập quốc tế; cho các tổ chức, cá nhân xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy Luật SHTT còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định.

Để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về SHTT; đảm bảo phù hợp với các văn bản trong hệ thống pháp luật,; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, yêu cầu của công cuộc cải cách thủ tục hành chính cũng như để bảo đảm thi hành các cam kết theo thông lệ quốc tế, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch và thực thi hiệu quả, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về SHTT, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 7 nhóm nội dung chính trong các chính sách đã được Quốc hội thông qua, bao gồm: Đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan; Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách Nhà nước; Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp; Đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về SHTT; Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền SHTT; Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ SHTT trong quá trình hội nhập.

Theo dự thảo Luật, các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả, không phải trả tiền bản quyền bao gồm:

a- Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại;

a1- Sao chép tác phẩm để có thông tin hoặc làm tài liệu dùng trong hoạt động nội bộ của các cơ quan nhà nước và không nhằm mục đích thương mại;

b- Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận, giới thiệu hoặc minh họa trong tác phẩm của mình;

c- Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát sóng, phim tài liệu;

d- Trích dẫn hợp lý tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả và không nhằm mục đích thương mại;

đ- Sao chép tác phẩm trong hoạt động thư viện;

e- Biểu diễn tác phẩm sân khấu, âm nhạc, múa và các loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hoá, hoạt động tuyên truyền cổ động không nhằm mục đích thương mại;

g- Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó;

h- Chuyển định dạng tác phẩm sang chữ nổi hoặc định dạng khác dễ tiếp cận cho người khiếm thị, người khuyết tật về thị giác và người khuyết tật khác. Việc sao chép, phân phối, truyền đạt tác phẩm đã được chuyển định dạng này thực hiện trên cơ sở giấy phép của tổ chức được ủy quyền theo quy định của Chính phủ;

i- Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng;

k- Sao chép bằng cách đăng tải lại trên báo, ấn phẩm định kỳ, phát sóng hoặc truyền hữu tuyến tới công chúng những tác phẩm báo chí có tính chất thời sự đã đăng tải trên báo chí hoặc ấn phẩm định kỳ hoặc các chương trình phát sóng có cùng tính chất tương tự, trừ trường hợp chủ sở hữu quyền tác giả tuyên bố giữ lại các quyền này khi đăng tải tác phẩm;

l- Sao chép bằng cách đăng tải lại trên báo, ấn phẩm định kỳ, phát sóng hoặc các hình thức truyền thông khác tới công chúng những bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác được trình bày trước công chúng trong phạm vi phù hợp với mục đích thông tin;

m- Chụp ảnh, ghi âm, ghi hình, phát sóng sự kiện nhằm mục đích đưa tin thời sự trong đó có sử dụng tác phẩm được nghe thấy, nhìn thấy trong sự kiện đó;

n- Sử dụng tác phẩm để minh họa trong các ấn phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng nhằm mục đích giảng dạy. Việc sử dụng này có thể bao gồm việc cung cấp trong mạng máy tính nội bộ với điều kiện phải có các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo chỉ học sinh, sinh viên theo học và giáo viên của họ mới có thể tiếp cận các tác phẩm đó.

Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm quy định trên không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.

Quang Minh
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động