VUSTA: Tăng cường năng lực cho các Hội thành viên trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

06/10/2023 15:01 Tạp chí
Sáng 6/10, tại Trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã diễn ra Hội thảo “Phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ cho các Hội thành viên trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam”.
Tăng cường năng lực cho các Hội thành viên là nhiệm vụ then chốt hàng năm trong tiến trình đẩy mạnh phát triển của Vusta
Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo nằm trong kế hoạch hàng năm của Liên hiệp hội các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) nhằm nâng cao kiến thức về sở hữu trí tuệ cho các Hội thành viên trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam, đồng thời là cơ hội để các đơn vị thành viên trong VUSTA cập nhật các thay đổi của pháp luật về Sở hữu trí tuệ ở Việt Nam trong giai đoạn 2022 - 2023 cũng như các kiến thức và thực thi Luật Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

Đến dự và chỉ trì Hội thảo có PGS. TS Phạm Ngọc Linh - Phó chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam; đại biểu tham dự, có tham luận có Ông Đào Anh Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm thẩm định kiểu dáng công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ, ông Bùi Nguyên Hùng Phúc - Nguyên Cục trưởng Cục bản quyền tác giả Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Chủ Tịch Hiệp hội Sáng tạo và bản quyền tác giả, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng ban Pháp chế, Hội sở hữu trí tuệ Việt Nam, PGS.TS Bùi Thị An - Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cùng đông đảo thành viên các đơn vị thuộc Liên hiệp hội Việt Nam.

PGS. TS Phạm Ngọc Linh - Phó chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam phát biểu Khai mạc Hội thảo
PGS. TS Phạm Ngọc Linh - Phó chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam phát biểu Khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS Phạm Ngọc Linh - Phó chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam đánh giá cao sự hiện diện của đội ngũ chuyên gia, các tổ chức thuộc Liên hiệp hội Việt Nam đồng thời cũng nêu bật những điểm quan trọng, những yêu cầu khi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 có hiệu lựu từ 01/01/2023 đi vào thực hiện bên cạnh những nội dung liên quan đến hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Đây cũng là hoạt động thường xuyên thể hiện sự quan tâm của Liên Hiệp hội Việt Nam đến các đơn vị trực thuộc với mong muốn nâng cao năng lực cho các đơn vị nhằm chủ động nắm bắt các xu hướng phát triển về khoa học công nghệ cũng như từng bước thực hiện tốt việc đề xuất bảo vệ trí tuệ đối với các phát minh cũng như đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia của Liên Hiệp hội Việt Nam. Việc tiếp thu, truyền đạt các nội dung được trình bày tại Hội thảo đến đơn vị là trách nhiệm không chỉ của các cá nhân tham dự Hội thảo mà còn là trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong toàn Liên hiệp hội Việt Nam.

Ông Đào Anh Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm thẩm định kiểu dáng công nghiệp tham gia tham luận tại Hội thảo
Ông Đào Anh Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm thẩm định kiểu dáng công nghiệp tham gia tham luận tại Hội thảo

Tại buổi Hội thảo, các đại biểu được lắng nghe Báo cáo tham luận của ông Đào Anh Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm thẩm định kiểu dáng công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ về một số nội dung liên quan đến Sáng chế và Kiểu dáng công nghiệp; Hồ sơ và thủ tục đăng ký cũng như các tình huống thực hành đối với các trường hợp này.

Một số đại biểu tham dự Hội thảo đã trực tiếp đặt câu hỏi cho ông Đào Anh Dũng để làm rõ số lượng sáng chế đã được cấp, số lượng sáng chế đã được áp dụng, hiệu quả của các sáng chế đến cộng đồng, xã hội của Việt Nam. Thông tin về vấn đề này, ông Dũng cho biết “Các sáng chế tại Việt Nam đa phần được người nước ngoài đăng ký, số lượng chiếm đến 85% - 90% tổng số lượng sáng chế, trong khi đó các sáng chế Made in Việt Nam chỉ chiếm từ 10 - 15%, tỷ lệ áp dụng thương mại hoá các sáng chế của Việt Nam từ 3 - 6% hàng năm”. Bên cạnh đó, ông Dũng cũng thông tin thêm về một số sáng chế không được bảo hộ cũng như các quy định cụ thể đối với các sáng chế trái với đạo đức xã hội, gây tổn hại đến an ninh quốc gia cũng như làm rõ cho các đại biểu sự khác nhau giữa phát minh và sáng chế và một số vấn đề liên quan.

PGS.TS Bùi Thị An - Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cũng mang đến Hội thảo nhiều nội dung có ý nghĩa về “Vai trò của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và sở hữu trí tuệ”. Trong đó, tác giả cũng mong muốn trong thời gian tới, đối với các cơ quan tham vấn về luật như Cục Sở hữu trí tuệ cần tăng cường nghiên cứu tăng giá trị hiệu quả thực hiện luật cũng như đề xuất giảm các thủ tục hành chính cho các nhà khoa học, nhà sáng chế bên cạnh việc giải quyết các vấn đề về sở hữu trí tuệ đi từ gốc và có giá trị thực chất. Song song với đó, tác giả tham luận cũng mong muốn việc đăng ký sáng chế, định hướng cho các sáng chế của Việt Nam cần theo lộ trình, có tính toán cẩn thận để thực sự đưa khoa học Việt Nam phát triển.

PGS.TS Bùi Thị An - Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng phát biểu tại Hội thảo
PGS.TS Bùi Thị An - Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng phát biểu tại Hội thảo

Tác giả cũng đề xuất đến một số nội dung có thể xem xét vấn đề "dịch vụ tư vấn" có được xác định là bản quyền không và cơ quan nào có trách nhiệm xác nhận; đối với các Hội phi lợi nhuận, tư cách pháp nhân so với các cơ quan nghiên cứu khoa học của Nhà nước chưa thực sự đầy đủ bằng thì việc bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các phát minh, sáng chế như thế nào…

Cũng tại Hội thảo, ông Bùi Nguyên Hùng - Nguyên Cục trưởng Cục bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa thể thao du lịch - Chủ Tịch Hiệp hội sáng tạo và bản quyền tác giả đã đem đến cho các đại biểu một số nội dung về Bảo vệ bản quyền tác giả.

Ông Bùi Nguyên Hùng - Nguyên Cục trưởng Cục bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa thể thao du lịch - Chủ Tịch Hiệp hội sáng tạo và bản quyền tác giả phát biểu tại Hội thảo
Ông Bùi Nguyên Hùng - Nguyên Cục trưởng Cục bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa thể thao du lịch - Chủ Tịch Hiệp hội sáng tạo và bản quyền tác giả phát biểu tại Hội thảo

Các đại biểu được hiểu sâu hơn về các quy định pháp luật Việt Nam về bản quyền cũng như các Điều ước quốc tế về bản quyền tác giả, các quyền khác có liên quan đến việc sở hữu trí tuệ. Tác giả cũng đã trao đổi và đặt ra một số giải pháp cụ thể liên quan đến việc đề xuất chính sách; truyền thông, giáo dục; tổ chức cá nhân, đầu tư khai thác sử dụng; tác giả, chủ sở hữu…

Cũng tại Hội thảo, các nội dung thay đổi nổi bật của pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ giai đoạn 2022 - 2023 cũng được đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng ban Pháp chế, Hội sở hữu trí tuệ Việt Nam làm rõ trong đó tập trung vào các thay đổi liên quan đến văn bản pháp luật; quyền tác giả; sáng chế; nhãn hiệu; thực thi quyền sáng chế, sở hữu trí tuệ…

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng ban Pháp chế, Hội sở hữu trí tuệ Việt Nam phát biểu tham luận
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng ban Pháp chế, Hội sở hữu trí tuệ Việt Nam phát biểu tham luận

Hội thảo cũng được nghe nhiều đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học cũng như một số chủ thể đã triển khai đăng ký sáng chế, phát minh chia sẻ các vướng mắc trong việc triển khai đăng ký bản quyền sở hữu phát minh, sáng chế. Một số đại biểu đã có những đề xuất, kiến nghị tích cực đối với Cục Sở hữu trí tuệ, các đơn vị liên quan nhằm có những giải pháp cụ thể đẩy nhanh quá trình thẩm định, giảm các thủ tục hành chính và đảm bảo quyền lợi công bằng cho tác giả…

Hội thảo đã thành công tốt đẹp với những đóng góp về học thuật, giá trị về khoa học cũng như thực tiễn, đây cũng là tiền đề quan trọng để các đơn vị thuộc Liên hiệp hội Việt Nam đưa ra các lộ trình và hướng đi cụ thể nhằm phát huy hết chất xám của đội ngũ cán bộ khoa học cũng như song hành, đảm bảo các quyền lợi cho các nhà khoa học khi tham gia vào tiến trình phát minh, sáng chế.

Phạm Kiên
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động