91,91% đại biểu Quốc hội nhất trí thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)
Những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sau khi tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội |
Các đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) |
Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, gồm 16 chương, 171 Điều. Luật này quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường. Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, các đảo, quần đảo, vùng biển, lòng đất và vùng trời.
Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) quy định 07 nguyên tắc bảo vệ môi trường, trong đó nêu rõ bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân. Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phải gắn kết với phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên và được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển. Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với an sinh xã hội, quyền trẻ em, bình đẳng giới, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành. Hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên, công khai, minh bạch; ưu tiên dự báo, phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường, quản lý rủi ro về môi trường, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải để khai thác giá trị tài nguyên của chất thải. Bảo vệ môi trường phải phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, cơ chế thị trường, trình độ phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho bảo vệ môi trường; gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải chi trả, khắc phục, xử lý và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật. Hoạt động bảo vệ môi trường bảo đảm không gây phương hại chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia, gắn liền với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu.
Các chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường cũng được quy định rõ trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), trong đó Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường. Tuyên truyền, giáo dục kết hợp với biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác để tăng cường việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường. Chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường. Ưu tiên xử lý ô nhiễm môi trường, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái, chú trọng bảo vệ môi trường khu dân cư….
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cũng quy định cụ thể 14 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường, như: vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Xả nước thải, xả khí thải ra môi trường chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Phát tán vào môi trường các hóa chất độc hại; vi rút độc hại có khả năng lây nhiễm cho con người, động vật; vi sinh vật chưa được kiểm định; xác súc vật chết do dịch bệnh và tác nhân độc hại khác đối với con người, sinh vật và tự nhiên. Gây tiếng ồn, độ rung vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường; thải khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí. Thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Nhập khẩu, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức. Nhập khẩu trái phép phương tiện, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng để phá dỡ, tái chế. Không thực hiện các công trình, biện pháp, hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan. Che giấu hành vi gây ô nhiễm môi trường, cản trở, làm sai lệch thông tin, gian dối trong hoạt động bảo vệ môi trường dẫn đến hậu quả xấu đối với môi trường….
Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), với 91,91% đại biểu tán thành. |
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cũng có các quy định cụ thể về bảo vệ môi trường nước, Bảo vệ môi trường không khí bảo vệ môi trường đất, Bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch, Bảo vệ môi trường quốc gia, Nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, Đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, Bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đô thị và nông thôn…
Luật đã bổ sung 2 nội dung chính sách về sàng lọc dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí về môi trường; lồng ghép và thúc đẩy các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các bon thấp trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án; quy định sự cố môi trường gồm có 4 cấp (cấp cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia) xác định theo phạm vi ảnh hưởng về không gian, địa giới hành chính; dùng 1 loại giấy phép môi trường thay cho 7 loại, trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi. Một trong những điểm nổi bật trong Luật, đó là chủ cơ sở sản xuất thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng công nghệ tốt nhất hiện có để ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Việc thu phí xử lý rác thải được tính theo khối lượng trên quản điểm: Người gây ô nhiễm phải trả tiền; Người nào xả nhiều rác sẽ phải trả nhiều tiền nhằm phân loại rác thải tại nguồn, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2022. Khoản 3 Điều 29 (Đánh giá sơ bộ tác động môi trường) của Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 2 năm 2021.