An Giang: Báo động tình trạng sạt lở đất
Ngày 16/9, ông Lương Huy Khanh - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang đã xác nhận vụ việc trên.
Cụ thể, vào lúc 10h25 ngày 15/9, tại khu vực bờ sông Hậu xuất hiện tình trạng sạt lở đất bờ sông Hậu với chiều dài hơn 40m, ăn sâu vào đất liền 5m. Sạt lở làm mất 1/2 mặt đường nhựa (chiều dài khoảng 10m), làm gián đoạn tuyến giao thông chính của ấp Mỹ Khánh 1.
Sông Hậu "ngoạm" 1/2 mặt đường nhựa - Ảnh TTXVN |
Theo ghi nhận của các cơ quan chức năng tại địa phương, vụ sạt lở không gây thiệt hại về người nhưng đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến hai căn nhà (trong đó có một nhà tạm), khiến hai hộ dân phải di dời khẩn cấp. Ngoài ra, sạt lở có khả năng tiếp tục ảnh hưởng đến 3 căn nhà của các hộ dân lân cận.
"Nguyên nhân sạt lở ban đầu được xác định là do tác động của dòng chảy, bờ sông thẳng đứng, kết cấu đất dọc bờ sông yếu; trên bờ là đường giao thông, có nhà dân…làm gia tăng tải trọng gây mất ổn định dẫn đến hiện tượng sạt lở" - ông Khanh cho biết.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình sạt lở đất trên bờ sông Hậu, đoạn chảy qua địa bàn TP Long Xuyên và xã Mỹ Hòa Hưng, chính quyền sở tại đã vận động di dời hai hộ dân đến nơi an toàn và thông báo đến các hộ lân cận khu vực, cảnh báo có nguy cơ sạt lở đất. Đề nghị các hộ quan tâm theo dõi diễn biến sạt lở, chủ động ứng phó khi có tình huống xảy ra.
Mặt khác, TP Long Xuyên đã tiến hành mở đường đi tạm cho người dân, đảm bảo giao thông khu vực ấp Mỹ Khánh 1 được thông suốt, an toàn; tổ chức các biện pháp gia cố cừ, đắp đất tại khu vực sạt lở; kéo dây, lắp biển báo tạm hướng dẫn, cảnh báo người dân không đi vào khu vực nguy hiểm.
Bên cạnh đó, địa phương phối hợp với Trung tâm quan trắc kỹ thuật tài nguyên môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang) quan trắc, theo dõi diễn biến sạt lở để chủ động ứng phó, di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm khi có sạt lở xảy ra.
Vụ sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến 2 nhà dân trong khu vực - Ảnh TTXVN |
Đáng chú ý, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn An Giang liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở đất, UBND tỉnh đã nhiều lần phải ban hành tình trạng khẩn cấp tại các khu vực xảy ra sạt lở đất.
Gần đây nhất, ngày 20/8/2019, một đoạn quốc lộ 91 (đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, An Giang) bị sạt lở xuống sông Hậu, đoạn đường bị sạt lở kéo dài khoảng 35m. Qua hai lần sạt lở (lần 1 ngày 1/8), toàn bộ mặt đường gần như bị "ăn đứt". Chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân tháo dỡ nhà cửa, kho hàng để giảm thiểu thiệt hại. Có 28 hộ dân nằm trong vành đai sạt lở được di dời trước đó.
Hồi tháng 7/2019, tại huyện Chợ Mới (An Giang), nằm bên cạnh sông Vàm Cái Hố, xảy ra sạt lở đất với chiều dài hơn 250m, ăn sâu vào đất liền 6m. Vụ sạt lở không gây thiệt hại về người và tài sản nhưng làm gián đoạn một phần đoạn đường giao thông liên ấp An Thị - An Long của xã An Thạnh Trung.
Cũng trong tháng 7/2019, kênh Xáng Tân An đoạn chảy qua ấp Tân Hậu A1, xã Tân An, thị xã Tân Châu, cũng xảy ra nhiều vụ sạt lở. Ngày 26/7/2019, UBND tỉnh An Giang phải ban bố tình trạng khẩn cấp sạt lở đê Bắc kênh Xáng, ấp Tân Hậu A1, xã Tân An.
Qua quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, đoạn cảnh báo sạt lở nguy hiểm từ ngã 3 kênh Xáng Tân An đến nhà máy Đại Thành 2 có chiều dài 4.500 m, ở mức độ sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Theo thống kê, tính từ năm 2018, khu vực này xảy ra 6 vụ sạt lở với chiều dài 90 m, làm 14 hộ dân phải di dời khẩn cấp, trong đó hai ngôi nhà bị lở một phần xuống kênh.
Ngày 14/7, sạt lở bờ sông Vàm Cái Hố đe dọa 27 căn nhà gần sông. |
Xa hơn nữa, ngày 13/6/2019, tỉnh An Giang đã ban bố tình trạng khẩn cấp sạt lở rạch Cái Sắn. Sông Cái Sắn đoạn chảy qua phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên liên tục xảy ra sạt lở, đe dọa nhà ở của hàng chục hộ dân. UBND tỉnh An Giang yêu cầu ngành chức năng, UBND TP Long Xuyên khẩn trương vận động người dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do mái bờ kênh thẳng đứng cộng với áp lực của dòng chảy và mật độ phương tiện đường thủy lưu thông thường xuyên, trong đó phần lớn là xà lan và ghe tải trọng lớn lưu thông trên rạch tạo sóng gây ra sạt lở…
Tin mới
Khảo sát của Herbalife tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, 9 trên 10 người Việt cho rằng một chế độ ăn uống lành mạnh rất quan trọng để hỗ trợ sức k
Sáng kiến làm mát xanh III: Thúc đẩy chuyển đổi chất làm lạnh theo hướng làm mát bền vững tại Việt Nam
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.