An Mỹ (Thái Bình): Miền quê đổi mới

08/07/2023 10:39 Địa phương
Xây dựng nông thôn mới đang góp phần đưa mỗi miền quê Việt Nam không ngừng phát triển, với xã An Mỹ (Quỳnh Phụ, Thái Bình) cũng vậy, đường làng ngõ xóm khang trang; đời sống vật chất của người dân vô cùng tiện ích; giá trị văn hóa của địa phương luôn được bảo tồn, phát huy.
An Mỹ (Thái Bình): Miền quê đổi mới
Một góc An Mỹ hôm nay

Nét riêng của An Mỹ

Xã An Mỹ nằm ở phía Nam của huyện Quỳnh Phụ. Ngày xưa, xã có tên là làng Tò, bao gồm sáu làng nhỏ: Làng Tô Trang, làng Tô Đàm, làng Tô Xuyên, làng Tô Đê, làng Tô Hồ, làng Tô Hải. Trước đây, tình hình phát triển kinh tế của xã phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, sản phẩm chính là lúa nước. Thời gian gần đây, thương nghiệp được đẩy mạnh, vận tải hành khách và hàng hóa theo đó cũng phát triển, mang lại diện mạo mới cho địa phương. Giao thương càng nhộn nhịp hơn kể từ khi Chợ Tò mới đưa vào hoạt động (khánh thành năm 1998), góp phần nâng thêm vị thế của An Mỹ đối với các địa phương trong vùng.

Ông Vũ Văn La, Chủ tịch UBND xã cho biết: An Mỹ nổi tiếng với giống Gà Tò và bánh đa làng Tò. Gà Tò là một giống gà đặc biệt chỉ có ở xã An Mỹ, nó còn có tên khác là gà Tiến Vua. Trong một dự án của Viện chăn nuôi Việt Nam, Gà Tò có tên trong danh sách giống gà đặc biệt quý hiếm, cần được bảo tồn nguồn gen.

Bánh đa làng Tò được làm từ bột gạo, tráng thủ công. Nghề tráng bánh đa mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình thuộc thôn Tô Đê. Xưa kia, vào mỗi buổi sáng sớm, các tiểu thương chở xe máy chất đầy bánh đa sang các làng, xã lân cận để bán hoặc đổi lấy gạo. Ngày nay, bánh đa làng Tò ngoài sản xuất bằng thủ công, còn được sản xuất bằng máy nhưng chất lượng và hương vị vẫn không thay đổi. Bánh đa làng Tò hiện đã được bán tới nhiều nơi, tới cả các thành phố lớn, thậm chí còn xuất khẩu.

Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới

Trong xây dựng nông thôn mới, năm 2015, xã An Mỹ đã về đích. Bởi vậy, hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin, nước sạch và vệ sinh môi trường của xã cơ bản được hoàn thiện, văn hóa xã hội được bảo tồn và phát huy; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được đẩy mạnh; công tác an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác Quốc phòng và chính sách hậu phương quân đội được bảo đảm; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng cải thiện và nâng cao; Đảng bộ, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội trong nhiều năm liên tục hoàn thành nhiệm vụ.

Với nông thôn mới nâng cao, năm 2021, An Mỹ đã đầu tư kinh phí xây dựng khoảng trên 22 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục công trình, như: Trường Mầm non khu B An Mỹ, Trạm Y tế xã, Nhà Văn hóa thôn Tô Hồ, Nghĩa trang nhân dân Đầu Đinh, tu sửa trường tiểu học, xây mới nhà vệ sinh trường THCS,… Năm 2022, tổng kinh phí đầu tư đạt gần 4 tỷ đồng, với các hạng mục công trình: Xây dựng khu cát táng Nghĩa trang Đầu Đinh, đường giao thông nông thôn, mương nước, mái tôn Trạm Y tế,... Thời gian tới, An Mỹ sẽ nâng cấp 02 tuyến đường trục xã, hoàn thiện khu xử lý rác thải, nâng cấp 10 tuyến bờ vùng nội đồng, bổ sung các phòng học, phòng học chức năng còn thiếu,…

Chia sẻ về sự tiện ích tại địa phương, một người dân An Mỹ hồ hở nói: Đời sống của người dân làng tôi bây giờ rất sướng, làng xóm sạch sẽ, cuộc sống đầy đủ. Ở quê tôi cái gì cũng có, nhất là những sản phẩm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Vào buổi sáng, toàn xã có khoảng vài chục bàn bán thịt lợn đều tấp nập người mua; buổi chiều luôn có hơn chục điểm bán thực phẩm ăn chín, như: vịt quay, chả nướng,… nếu ai đi mua thức ăn muộn sẽ không còn.

Chung tay xây dựng quê hương

Thực hiện Thông báo Kết luận số 220-TB/HU ngày 13/7/2021 của Thường vụ Huyện ủy Quỳnh Phụ về việc nhân dân tự nguyện góp quyền sử dụng đất không đòi lại để nâng cấp, cải tạo đường giao thông, nhiều hộ dân trong xã đã đồng tình hiến đất, tự nguyện tháo dỡ công trình, tài sản và vật kiến trúc trên đất để mở rộng đường giao thông, công trình phúc lợi của địa phương, ước tính tổng giá trị người dân hiến đất các loại lên tới hàng tỷ đồng. Với những tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng dư kiến triển khai, người dân đã sẵn sàng hiến đất, một số hộ đã chủ động xây dựng công trình lùi vào trong theo sự hướng dẫn của cán bộ địa chính xã.

Xưởng sản xuất của Công ty TNHH XNK Nông sản Minh Quân

Không chỉ có hiến đất, các hoạt động mang tính nhân văn cũng được chính quyền và người dân nơi đây thực hiện tốt, rất đáng được biểu dương. Nổi bật trong số đó là sự đóng góp của Công ty TNHH Nông sản Minh Quân (xã An Mỹ, Quỳnh Phụ, Thái Bình). Mỗi khi chính quyền địa phương phát động các phong trào đền ơn đáp nghĩa, hoạt động hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách hay các dịp tết, Công ty Minh Quân đều tích cực tham gia. Ông Nguyễn Đình Quân, Giám đốc công ty chia sẻ: Hoạt động của công ty chúng tôi chủ yếu là sản xuất và đóng gói các sản phẩm từ Quế, Hồi. Hiện nay, công ty đang tạo công ăn việc làm cho trên 40 lao động là người dân địa phương, với mức lương trung bình khoảng 6 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, một số người già không trông cậy vào ai, cũng được chúng tôi tạo việc làm nhẹ để các cụ có thu nhập đảm bảo cuộc sống; chúng tôi luôn tạo điều kiện để những người khỏe mạnh có thể tăng thu nhập bằng việc tăng năng suất và thời gian làm việc; sẵn sàng tạo việc làm cho những người muốn làm việc theo tiếng, theo giờ,… “Tôi chỉ muốn bà con địa phương mình luôn có việc làm để tăng thu nhập, nhất là những người hoàn cảnh khó khăn”, ông Quân bộc bạch.

Phong trào ở An Mỹ đang dâng cao, sự chung sức đồng lòng của chính quyền và người dân nơi đây rất cần được tiếp thêm sự giúp đỡ tích cực, kịp thời từ phía cấp trên về việc cấp nguồn kinh phí hoặc tạo điều kiện cho công tác tạo nguồn của xã được thuận lợi. Được như vậy, tin rằng, An Mỹ sẽ sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, đưa nơi đây tiếp tục phát triển, không ngừng đổi mới, là trung tâm giao thương lớn phục vụ mọi nhu cầu của người dân địa phương và các xã lân cận.

Đình Hợi
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động