Bắc Giang: Nhiều nỗ lực trong việc đẩy nhanh tốc độ phát triển sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm trên cả nước giảm 2,0% |
Trong bức tranh toàn cảnh sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2023 giảm 2,0% toàn ngành thì Bắc Giang lại nổi lên như một điểm sáng. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, sản xuất công nghiệp tháng 5/2023 của Bắc Giang có những dấu hiệu khởi sắc hơn so với tháng 4/2023. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tính tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước.
Xét theo lĩnh vực sản xuất, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo giảm 0,5%; ngành khai khoáng giảm 2,9%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,8%.
Trong nỗ lực đẩy nhanh tốc độ phát triển sản xuất công nghiệp, ngoài những ưu thế vốn có trong các ngành chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng; ngành sản xuất và phân phối điện, Bắc Giang đã và đang tập trung cải thiện các chỉ số từ ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải. Con số tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022 đã cho thấy ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải của tỉnh Bắc Giang đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian qua để đóng góp vào thành công chung trong phát triển sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Nỗ lực đáng ghi nhận trong phát triển, hoàn thiện mạng lưới cấp, thoát nước, xử lý nước thải
Bắc Giang thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc với địa hình miền núi chiếm 72% diện tích toàn tỉnh, chia cắt mạnh, phức tạp, chênh lệch về độ cao lớn, thuận lợi cho tiêu thoát nước mặt. Hệ thống tiêu thoát nước mưa tỉnh Bắc Giang tiêu ra 3 hệ thống sông chính: Sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam. Toàn tỉnh Bắc Giang được phân thành 5 lưu vực thoát nước mưa gồm các lưu vực sau: Vùng tiêu hệ thống thuỷ lợi sông Cầu, vùng tiêu hệ thống thủy lợi sông Sỏi, vùng tiêu hệ thống thủy lợi Cầu Sơn - Cấm Sơn, vùng tiêu hệ thống thủy lợi sông Lục Nam, vùng tiêu hệ thống thủy lợi Nam Yên Dũng. Về cơ bản trong những năm gần đây các công trình thoát nước đã đảm bảo tiêu thoát nước cho địa phương…
Hệ thống thoát nước mặt đô thị chưa được đầu tư đúng mức, mới chỉ đầu tư các tuyến chính trong đô thị, các khu vực hiện trạng nội thị, trung tâm các huyện vẫn cơ bản là hệ thống thoát nước chung và nửa riêng. Các công trình đầu mối vẫn dùng chung với tiêu thoát của thủy lợi và các khu ngoại thị. Các khu đô thị mới được đầu tư xây dựng từ năm 2010, hệ thống thoát nước đã được thiết kế tách riêng nước mưa và nước thải. Mạng lưới thoát nước mưa các đô thị trên địa bàn tỉnh đã và đang được đầu tư xây dựng tuy nhiên vẫn chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ.
Hệ thống thoát nước thải ở khu vực đô thị còn chưa được đưa vào nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt; các khu dân cư hiện hữu hệ thống thoát nước thải được đi chung vào hệ thống thoát nước mưa, nước thải sau khi được xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại của nhà dân, một số khu đô thị mới được đầu tư hệ thống thoát nước mưa và thoát nước thải riêng biệt, sau đó vẫn chảy về hệ thống thoát nước mưa.
Trạm xử lý nước thải tập trung tại xã Tân Tiến, công suất xử lý 10.000m3/ngày đêm và thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa có 01 trạm xử lý nước thải tập trung tại khu dân cư số 3 thị trấn Thắng, công suất xử lý 800m3/ngày đêm chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu xử lý nước thải. Để cải thiện tình trạng đó, tỉnh đã đầu tư, nâng công suất lên 20.000m3/ngày đêm, nguồn vốn vay ADB với trạm xử lý nước thải thải tập trung tại xã Tân Tiến, sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng được một phần yêu cầu xử lý nước thải trên địa bàn thành phố.
Hệ thống thoát nước khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư, chủ yếu thoát theo địa hình tự nhiên và thoát theo hệ thống các công trình thủy lợi; một phần thẩm thấu vào đất. Các khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư hệ thống thoát nước thải; việc thoát nước thải tại khu vực nông thôn thường chủ yếu thoát theo địa hình tự nhiên và theo hệ thống các công trình thủy lợi; một phần thẩm thấu vào đất. Do vậy, đây là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn.
Đối với 3 khu công nghiệp trên địa bàn, tỉnh đã yêu cầu hoàn thiện trạm xử lý nước thải tập trung, cụ thể gồm: Khu công nghiệp Đình Trám, Quang Châu và Vân Trung; 01 Khu đang trong quá trình thi công xây dựng trạm xử lý nước thải là Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng (phía Bắc). Hệ thống thoát nước được thiết kế và thi công tách riêng giữa thoát nước mưa và nước thải.
Trạm xử lý nước thải sinh hoạt tại KCN Song Khê - Nội Hoàng |
Thời gian tới, Bắc Giang sẽ triển khai xây dựng hệ thống thoát nước riêng tại các khu công nghiệp tập trung. Dự kiến xây dựng các khu xử lý nước thải công nghiệp tập trung với tổng công suất đến năm 2030 khoảng 191.110 m3/ngày đêm. Tại mỗi khu, cụm công nghiệp tập trung phải được xây dựng nhà máy xử lý nước thải, nước thải sau khi được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường mới được phép thải ra nguồn tiếp nhận. Đối với các khu công nghiệp đã có trạm xử lý nước thải thực hiện nâng công suất các trạm xử lý đảm bảo yêu cầu xử lý nước thải của khu công nghiệp đó.
Đối với các khu dân cư sống tập trung theo cụm: Do lượng nước thải ít, tùy theo địa hình mà bố trí hồ sinh học để xử lý nước thải. Các khu dân cư tập trung theo tuyến: Nước thải được xử lý theo từng hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình (như xây dựng bể tự hoại, hầm biogas...) thải ra mương, cống thoát nước. Khuyến khích xây dựng hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp và giếng ttách nước thải tại vị trí miệng xả của hệ thống thoát nước chung để xử lý bằng các phương pháp xử lý tự nhiên: giếng thấm, bãi lọc ngầm …
Làm tốt công tác quản lý, thu gom và xử lý rác thải
Trong quý I/2023 tỷ lệ rác thải được thu gom toàn tỉnh đạt 94,4% (880,93 tấn/ngày), tỷ lệ rác thải thu gom được xử lý toàn tỉnh đạt 93,1% (820,48 tấn/ngày); đã hoàn thành lắp đặt 28/30 lò đốt rác quy mô xã, liên xã theo Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; hoàn thành đấu giá lựa chọn chủ đầu tư đối với dự án nhà máy xử lý rác và phát điện Bắc Giang; duy trì vận hành nhà máy xử lý rác tập trung (công suất 100 tấn/ngày) tại huyện Lục Ngạn với công suất hoạt động hiện tại khoảng 60-70 tấn/ngày; thu giá dịch vụ vệ sinh môi trường tại 100% các xã, thị trấn, tỷ lệ thu toàn tỉnh đạt 89,44%... Tỉnh chỉ đạo tiếp tục duy trì hoạt động 171 công ty, hợp tác xã, tổ vệ sinh môi trường chuyên trách cho 100% xã, phường, thị trấn.
Tiếp tục làm tốt công tác quản lý, thu gom và xử lý rác thải |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế: Việc lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện dự án nhà máy xử lý rác thải tập trung tại huyện Lục Nam, huyện Hiệp Hòa chậm tiến độ theo yêu cầu; 06 lò đốt (huyện Lục Nam 05 lò, huyện Hiệp Hoà 01 lò) đã lắp đặt nhưng không đủ điều kiện hỗ trợ theo Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND, 02 lò đốt tại huyện Tân Yên (01 lò tại thị trấn Cao Thượng, 01 lò tại xã Ngọc Thiện) đã đăng ký hỗ trợ theo Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh trong năm 2022 nhưng không hoàn thành đầu tư, lắp đặt; huyện Việt Yên, huyện Yên Dũng chậm hoàn thiện các thủ tục, xây dựng phương án quản lý vận hành đối với khu xử lý rác thải tại xã Thượng Lan, khu xử lý rác thải tại thị trấn Nham Biền
Để từng bước khắc phục những tồn tại hạn chế trong thời gian tới, tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tiếp tục tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thành các nhiệm vụ theo yêu cầu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Chỉ thị số 17-CT/TU, Kết luận số 99-KL/TU, các Kế hoạch, Đề án, Quy định của UBND tỉnh, nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh đề ra đối với công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trong năm 2023 và các năm tiếp theo; đẩy mạnh công tác kiểm tra hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tại các xã, phường, thị trấn; các huyện tổ chức rà soát, đánh giá, báo cáo các lò đốt rác thải trên địa bàn phải đầu tư lắp đặt hoàn thành xong năm 2023 theo kế hoạch, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp theo dõi xong trước ngày 27/3/2023; xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực, phân công, giao trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức đầu tư, lắp đặt đưa vào sử dụng trong năm 2023; huyện Hiệp Hòa, Lục Nam, Tân Yên rà soát, báo cáo làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, phương án thực hiện đối với 06 lò đốt trên địa bàn; huyện Hiệp Hòa, Lục Nam tổ chức rà soát, đánh giá khả năng đáp ứng nguồn cung cấp rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp để xem xét lựa chọn công nghệ, quy mô công suất của dự án nhà máy xử lý rác thải tập trung phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tập trung thực hiện 3 trình tự, thủ tục đối với dự án nhà máy xử lý rác, hoàn thành lựa chọn chủ đầu tư xong trong năm 2023.
Huyện Việt Yên, Yên Dũng tập trung rà soát các thủ tục, hồ sơ, phương án thực hiện đối với khu xử lý rác thải tại xã Thượng Lan, khu xử lý rác thải tại thị trấn Nham Biền; phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Thành phố Bắc Giang sớm ban hành quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các bước, trình tự thục tục phấn đấu khởi công xây dựng dự án nhà máy xử lý rác và phát điện Bắc Giang trong quý III/2023 hoặc đầu quý IV/2023.
Các huyện Hiệp Hòa, Việt Yên, Yên Dũng, Tân Yên, Lạng Giang, Lục Nam và thành phố Bắc Giang tổ chức rà soát, đánh giá khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn và có giải pháp phù hợp đối với công tác thu gom, xử lý rác thải của địa phương trong thời gian 03 năm (2023-2025) khi nhà máy xử lý rác và phát điện Bắc Giang tiến hành xây dựng và có giải pháp đáp ứng cung cấp đủ rác cho nhà máy khi đi vào hoạt động trong thời gian tới.
Mặc dù ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải chỉ là một trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp nhưng vai trò của ngành này hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ phát triển sản xuất công nghiệp của tỉnh. Để tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ phát triển sản xuất công nghiệp, Bắc Giang cần triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo phát triển đồng đều ngành chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng; ngành sản xuất và phân phối điện và tiếp tục tập trung nhiều nguồn lực hơn nữa cho ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải.