Bắc Giang: Sắp có nhà máy xử lý rác và phát điện chỉ cách khu dân cư 10m

01/12/2023 17:14 Chính sách - Pháp luật
Nhà máy xử lý rác và phát điện Bắc Giang có công suất xử lý rác 750 tấn/ngày đêm, công suất phát điện 12MW, sử dụng Công nghệ đốt rác Lò ghi cơ học, với Ghi lò được sản xuất từ Trung Quốc đã được cải tiến theo công nghệ Martin (Đức).

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện tham vấn ý kiến tham vấn đánh giá tác động môi trường đối với Báo cáo đánh giá tác động môi trường (Báo cáo ĐTM) Dự án Nhà máy xử lý rác và phát điện Bắc Giang do Công ty TNHH năng lượng môi trường Bắc Giang làm Chủ đầu tư. Cơ quan tư vấn là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 4 lập hồ sơ Báo cáo ĐTM.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường thì tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh toàn tỉnh trung bình là 964,58 tấn/ngày. Khối lượng rác tồn lưu tại các điểm tập kết, khu xử lý là 5.800 tấn. Tổng lượng rác được thu gom trung bình là 854,28 tấn/ngày; còn lại 11,6%, tương đương 110,3 tấn/ngày rác chưa được thu gom. Tuy nhiên, số rác đã được thu gom chưa được xử lý triệt để, mới xử lý được khoảng 747,28 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 87,3% (trong đó xử lý không hợp vệ sinh là 249,5 tấn/ngày, chiếm 33,4%). Dự báo lượng rác thải sinh hoạt sẽ tiếp tục tăng cùng với sự phát triển của xã hội. Trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật xử lý rác trong tỉnh nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu vệ sinh môi trường. Hoạt động xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh chủ yếu thực hiện theo phương pháp đốt và chôn lấp.

Dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 3122832160 của UBND tỉnh Bắc Giang cấp lần đầu ngày 24/8/2023. Với các hạng mục công trình và hoạt động của dự án:

Nhà máy: Hoạt động của nhà máy là xử lý rác 750 tấn/ngày đêm, thu hồi nhiệt năng để chạy 01 tua-bin phát điện công suất 12MW. Các máy phát của tuabin sẽ phát điện 3 pha xoay chiều, đầu ra của các máy phát điện gồm hệ thống các thanh dẫn đấu nối tới hệ thống thanh cái tự dùng 10,5kV của nhà máy.

Trạm biến áp 110kV: Dòng điện theo hệ thống thanh cái tự dùng 10,5kV tới trạm biến áp để nâng lên cấp điện áp 110kV

Đường dây 110kV đấu nối: Dòng điện sau khi được nâng áp sẽ theo đường dây 110kV dài khoảng 0,65km, từ TBA 110kV Nhà máy xử lý rác và phát điện Bắc Giang đấu nối vào TBA 110kV Đa Mai

Đường ống cấp nước thô công suất khoảng hơn 3.000m3/ngày đêm, có chiều dài khoảng 4 km, sử dụng ống nhựa HDPE D2x350mm, độ sâu đặt ống 1m tính từ mặt đất đến đỉnh ống

Đáng chú ý, trong phần các yếu tố nhạy cảm với môi trường của dự án thì vị trí dự án cách cụm dân cư đồi Chăn nuôi, thôn Lò, xã Tân Mỹ, huyện yên Dũng khoảng 10m; Khu dân cư thôn Lò, xã Tân Mỹ, huyện Yên Dũng cách dự án khoảng 500m; Khu dân cư Thanh Mai, phường Đa Mai, thành phố Bắc Giang cách dự án 1.000m.

Bắc Giang: Sắp có nhà máy xử lý rác và phát điện chỉ cách khu dân cư 10m
Dự án Nhà máy xử lý rác và phát điện Bắc Giang chỉ cách Cụm dân cư đồi Chăn nuôi thôn Lò, xã Tân Mỹ, huyện yên Dũng khoảng 10m

Về tiến độ thực hiện dự án, dự án thực hiện hoàn thiện các thủ tục giao đất, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thẩm định công nghệ, Khảo sát, thiết kế, thẩm định thiết kế, bổ sung điều chỉnh quy hoạch điện VIII cho phù hợp công suất điện của dự án và cụ thể điểm đấu nối, ký kết Hợp đồng (Xử lý chất thải, mua bán điện), giấy phép xây dựng từ tháng 4/2023 đến tháng 6/2024

Xây dựng các hạng mục công trình, lắp đặt máy móc thiết bị từ tháng 6/2024 đến tháng 8/2025; vận hành thử nghiệm từ tháng 8/2025 đến tháng 10/2025; hoàn thành dự án và đi vào hoạt động tháng 10/2025.

Tổng diện tích của dự án khoảng 6,6ha tại phường Đa Mai, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang và nằm trong khu quy hoạch Khu xử lý chất thải rắn thành phố Bắc Giang. Dự án có tổng vốn đầu tư là 1.866.000.000 đồng, theo Khoản 2, Điều 8, Luật Đầu tư công 2019, Dự án thuộc dự án nhóm A.

Dự án sử dụng Công nghệ lò ghi Martin SITY2000 được nghiên cứu, sản suất và chế tạo theo công nghệ của Tập đoàn Martin Đức. Công nghệ này đã được Martin chuyển giao cho Công ty TNHH Công nghiệp Môi trường Sanfeng Covanta Trùng Khánh, liên doanh COVANTA (Mỹ) và Sanfeng (Trung Quốc) theo Giấy phép Hợp tác và chuyển giao công nghệ ngày 31/10/2000 và được tiếp tục gia hạn vào ngày 18/11/2015 với phạm vi cung cấp như sau: Trung Quốc, Đông Nam Á, Nam Á, Nam Mỹ, Châu Phi.

Với ưu điểm là có thể đốt rác không cần phân loại đầu nguồn, dễ dàng vận hành và bảo trì, đã được sử dụng phổ biến trên thế giới và kiểm chứng trong thực tế tại một số quốc gia có tính chất rác thải tương tự như Việt Nam.

Trước đó, ngày 13/3/2023 UBND thành phố Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 198/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả trúng đấu giá lựa chọn Nhà đầu tư khi Nhà nước cho thuê đất thực hiện dự án Nhà máy xử lý rác và phát điện Bắc Giang. Tổ chức trúng đấu giá được xác định là Liên danh Công ty cổ phần Công nghệ môi trường xanh Seraphin – Công ty cổ phần Điện gió Khe Sanh với số tiền trúng đấu giá là 605,8 triệu đồng/năm.

Công ty TNHH năng lượng môi trường Bắc Giang được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty TNHH hai thành viên trở lên lần đầu ngày 20/7/2023 với số vốn điều lệ là 637,2 tỷ đồng. Thành viên góp vốn gồm có: Công ty cổ phần điện gió Khe Sanh góp 65%, Công ty cổ phần công nghệ môi trường xanh Seraphin góp 35% vốn điều lệ doanh nghiệp.

Ngay khi Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện lấy ý kiến tham vấn đánh giá tác động môi trường của dự án này, đã có nhiều ý kiến và câu hỏi đặt ra về khu vực lập dự án Khu xử lý chất thải thành phố Bắc Giang và vị trí thực hiện Dự án Nhà máy xử lý rác và phát điện Bắc Giang khi khoảng cách của dự án đến khu dân cư gần nhất chỉ 10m.

Được biết, Công ty cổ phần công nghệ môi trường xanh Seraphin một trong hai đơn vị góp vốn thành lập Công ty TNHH năng lượng môi trường Bắc Giang cũng đang thực hiện đầu tư, xây dựng Nhà máy điện rác Seraphin tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội có công suất xử lý rác 1.500 tấn/ngày đêm, công suất phát điện 37MW đã được phê duyệt Báo cáo ĐTM theo Quyết định số 2624/QĐ-BTNMT ngày 30/12/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sử dụng công nghệ đốt rác: Lò đốt Seghers Vương quốc Bỉ.

Tuy nhiên, cũng trong tháng 11/2023 Công ty đang thực hiện xin phê duyệt lại Báo cáo ĐTM khi thực hiện nâng công suất dự án từ 1.500 tấn/ngày đêm lên 2.250 tấn/ngày đêm và đổi từ công nghệ lò đốt Seghers sang công nghệ lò đốt Martin của Đức (giống như công nghệ tại dự án Nhà máy xử lý rác và phát điện Bắc Giang).

Đáng chú ý, tuy thực hiện việc nâng công suất, thay đổi công nghệ đốt nhưng công suất phát điện giữ nguyên ở mức 37MW điều này cũng đang đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh việc lựa chọn công nghệ đốt, hiệu quả của quá trình đốt phát điện khi nâng công suất đốt lên 50% nhưng công suất phát điện lại không thay đổi?./

Nguyễn Quang
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động