Bắc Ninh: Chuỗi hoạt động chào mừng 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ
Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ ở xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. |
Cụ thể, lễ kỷ niệm được tổ chức lúc 9 giờ 15 phút ngày 9/7 tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh. Trước đó, vào lúc 14 giờ ngày 8/7, tỉnh Bắc Ninh sẽ tổ chức Hội thảo khoa học về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc.
Các hoạt động hưởng ứng bao gồm: Chương trình văn nghệ tại Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn; tổ chức nói chuyện chuyên đề tại Thư viện tỉnh Bắc Ninh, Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Văn Cừ; công chiếu phim truyện truyền hình về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ mang tên “Bình minh phía trước” và vở chèo “Nguyễn Văn Cừ - Tuổi trẻ chí lớn”; sưu tầm, bổ sung và trưng bày tài liệu, hiện vật, kỷ vật, hình ảnh, sách về đồng chí Nguyễn Văn Cừ…
Chương trình kỷ niệm nhằm khẳng định những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đối với Đảng, cách mạng Việt Nam và quê hương Bắc Ninh, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Từ đó khơi dậy lòng tự hào về quê hương, đất nước, củng cố niềm tin đối với Đảng, Bác Hồ và các chiến sỹ cộng sản tiền bối của Đảng.
Đồng thời, gắn các hoạt động kỷ niệm với thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị năm 2022.
Các hoạt động kỷ niệm được tỉnh Bắc Ninh bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả,có tính giáo dục cao, đảm bảo công tác phòng chống COVID -19.
Khu tượng đài tưởng niệm đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. |
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9/7/1912, trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống khoa bảng ở xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Với 29 tuổi, hơn 13 năm tham gia cách mạng, 7 năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, hơn 2 năm làm Tổng Bí thư của Đảng, hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng những cống hiến của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đối với Đảng và dân tộc ta là rất to lớn. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là một chiến sĩ cộng sản ưu tú, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người có tầm nhìn chiến lược về lý luận xây dựng Đảng, một tấm gương cao đẹp về đạo đức cách mạng. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, cho lý tưởng cao đẹp của Đảng ta. Toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là một mẫu mực về phẩm chất cao quý của người cộng sản. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ có tinh thần say sưa học tập, rèn luyện và vươn lên không ngừng. Từ lúc còn là học sinh bước vào hoạt động cách mạng cho đến khi trở về cõi vĩnh hằng, dù không được đi học ở trường lớp lý luận chính trị nào, nhưng bằng niềm tin, nghị lực biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã tự trang bị cho mình những hiểu biết sâu rộng về khoa học chính trị, trở thành Tổng Bí thư - cán bộ lãnh đạo cao nhất của Đảng. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam và phong trào cộng sản và công nhân quốc tế với lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, góp phần cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng giải quyết đúng đắn những yêu cầu của cách mạng Việt Nam và Đông Dương đề ra. Trong hoàn cảnh khẩn trương phức tạp thời kỳ vận động dân chủ (1936 - 1939), Đảng ta gặp nhiều trở lực và khó khăn: Kẻ thù luôn luôn tìm cách đàn áp, bọn trốtxkít khiêu khích phá hoại, một số cán bộ, đảng viên của Đảng bộc lộ những khuynh hướng sai lầm tả khuynh và hữu khuynh trong việc thực hiện chiến lược, sách lược cách mạng của Đảng gây nên sự sai lầm trong nhận thức... Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đoàn kết một lòng tạo nên một cao trào cách mạng sôi nổi, hàng triệu quần chúng đã giác ngộ theo Đảng làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đập tan chế độ thực dân phong kiến, xây dựng Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Thành công đó có cống hiến trí tuệ và sức lực vô cùng to lớn của toàn Đảng, của các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng, như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ... Không chỉ có tinh thần tự học tập, rèn luyện trong thực tiễn, đồng chí Nguyễn Văn Cừ còn là tấm gương sáng về sự liên hệ với quần chúng, gắn bó máu thịt với quần chúng, vận động quần chúng. Bất kỳ ở đâu, sống giữa những người bạn phu mỏ vùng Đông Bắc, hay bạn tù Côn Đảo, dù là đảng viên hay lúc đã giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ luôn thể hiện là người cán bộ có đạo đức cách mạng trong sáng, chân thành, giản dị, gương mẫu trong cuộc sống, có tác phong chan hòa, gần gũi với mọi người, có khả năng tập hợp, đoàn kết, được cán bộ, đảng viên và nhân dân mến yêu và cảm phục. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ có năng lực tư duy lý luận sáng tạo, nắm bắt thực tiễn nhanh nhạy, khả năng thuyết phục, cảm hóa mạnh mẽ, nêu tấm gương sáng về tinh thần tự phê bình trong Đảng. Với kẻ thù và những phần tử phản động, phần tử trốxkít mưu toan chia rẽ, phá hoại Đảng, đồng chí kiên quyết đấu tranh bác bỏ, không khoan nhượng. Với những sai lầm, thiếu sót của cán bộ, đảng viên, đồng chí Nguyễn Văn Cừ luôn nhỏ nhẹ, chân thành, trao đổi thường xuyên, có lý, có tình góp phần quan trọng vào việc củng cố sự đoàn kết trong Đảng, chống suy thoái, biến chất về tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam tiến lên. Ở độ tuổi 26, với đức độ và tài năng xuất sắc, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được Hội nghị Trung ương 5 (tháng 3/1938) nhất trí bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đánh giá về đồng chí Nguyễn Văn Cừ: Về tuổi đời, anh Cừ kém chúng tôi và các anh Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập từ 5 - 10 tuổi, nhưng anh là một trí tuệ lỗi lạc của Đảng, rất sắc sảo và nhạy bén về chính trị, lại có khả năng đoàn kết, thuyết phục anh em. Anh là một người cộng sản có phẩm chất đạo đức rất trong sáng, được mọi người kính phục. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là một người cộng sản mẫu mực, là niềm tự hào của Đảng ta và dân tộc ta. |