Bắc Ninh: Tập trung giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách

26/01/2020 11:00 Địa phương
Tỉnh Bắc Ninh đang phấn đấu trong giai đoạn 2020 - 2025 hoàn thành và đưa vào hoạt động dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng tại huyện Quế Võ, huyện Thuận Thành và huyện Lương Tài; 100% lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, chất thải chăn nuôi được thu gom, xử lý; 100% đô thị, cụm công nghiệp và các làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn; 100% các trường học có nhà vệ sinh đảm bảo theo chuẩn Quốc gia và có khu vực tập kết rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường.
Thực trạng môi trường tỉnh Bắc Ninh
bac ninh tap trung giai quyet cac van de moi truong cap bach
Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng công suất 500 tấn/ngày đêm tại huyện Quế Võ.

Để thực hiện mục tiêu trên, Bắc Ninh đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

Quan điểm của tỉnh Bắc Ninh là tuyên truyền liên tục, kiên trì chủ trương của tỉnh đến mọi tổ chức, cá nhân để trở thành quyết tâm chính trị của các cấp, ngành, địa phương, cơ quan đơn vị; tuyên truyền kịp thời, chính xác, đảm bảo đúng định hướng, nhằm triển khai một nhiệm vụ khó khăn trở thành nội dung hấp dẫn, thuyết phục để người dân tạo sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận trong hành động và tự nguyện, tự giác thực hiện. Thông qua đội ngũ báo cáo viên đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường, tuyên truyền về thực trạng, nguy cơ và các hiểm họa tác động từ ô nhiễm môi trường tới cuộc sống con người; trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ môi trường, việc phân loại chất thải tại nguồn… Tăng cường nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng, dư luận xã hội của cán bộ Đảng viên và các tầng lớp nhân dân tại các địa phương có dự án về môi trường; chủ động xây dựng đề cương tuyên truyền việc triển khai thực hiện các dự án về môi trường, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, nhằm tạo sự ủng hộ, đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, tránh để xảy ra điểm nóng. Kịp thời định hướng và đề xuất các giải pháp để làm tốt công tác tư tưởng tại những địa bàn tiềm ẩn phức tạp. Định hướng cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, các đơn vị có ấn phẩm xuất bản mở các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường; tôn vinh, nhân rộng các mô hình, các gương điển hình bảo vệ môi trường, đồng thời phê phán mạnh mẽ các hành vi, thói quen, tập quán sinh hoạt lạc hậu gây tác hại đến môi trường. Phát huy tốt vai trò của người có uy tín tại địa phương đến từng hộ dân thăm hỏi, vận động, thuyết phục để người dân hiểu hơn trách nhiệm của mình trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

Nội dung tuyên truyền sẽ tập trung vào các vấn đề, như: Hiện trạng môi trường và những tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe, đời sống văn hóa, xã hội; Công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, trong đó tập trung vào các nội dung về sự cần thiết và cách thức tổ chức phân loại chất thải tại nguồn; hạn chế phát thải nhựa, túi nilon, tích cực sử dụng các sản phẩm có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường để giảm lượng chất thải phát sinh; Sự cần thiết phải đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung, lò đốt rác trên địa bàn các huyện, thị xã; Các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh; Hướng dẫn kỹ thuật sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và phân hóa học; áp dụng sản xuất nông sản sạch; áp dụng phương pháp canh tác “nông nghiệp hữu cơ”; Phát động phong trào làm sạch đồng ruộng, vớt bèo, khơi thông dòng chảy kênh mương, làm sạch đường làng, ngõ xóm hiệu quả.

Hình thức tuyên truyền thông qua hội nghị quân dân chính đảng và phân công trách nhiệm đến từng bí thư chi bộ hoặc trưởng thôn vận động trực tiếp; Tổ chức lễ mitting, phát động ra quân vệ sinh môi trường định kỳ hàng tháng và nhân các ngày môi trường thế giới, chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; Mở các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đến các đối tượng tổ chức, cá nhân; Xây dựng các phóng sự, ghi hình, đưa tin về các hoạt động bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội (Facebook, Twitter, Zalo...).

Xây dựng cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường

- Xây dựng và cụ thể hoá các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật bảo vệ môi trường của nhà nước phù hợp với điều kiện của tỉnh, tập trung bố trí nguồn vốn cho việc đầu tư các công trình xử lý môi trường khu vực công ích, giải quyết các vấn đề môi trường tồn đọng.

- Rà soát, điều chỉnh giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với các hộ gia đình theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.

- Rà soát, điều chỉnh bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường, các quy định về bảo vệ môi trường đối với KCN, CCN, làng nghề và khu vực nông thôn phù hợp với tình hình thực tế.

Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường

Đa dạng hoá các nguồn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, khuyến khích cá nhân, tổ chức, các thành phần kinh tế tham gia các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác về bảo vệ môi trường; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.

Ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhất của thế giới

Đầu tư các công trình xử lý môi trường, ưu tiên sử dụng các công nghệ thân thiện với môi trường, hạn chế thu hút các dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các công nghệ mới, hiện đại để xử lý các loại chất thải phát sinh đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát

Tập trung thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất trong quá trình hoạt động, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường, xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; giám sát chặt chẽ các nguồn thải lớn trên địa bàn nhằm ngăn chặn, phòng ngừa các sự cố về môi trường.

Kiện toàn tổ chức bộ máy về bảo vệ môi trường

Nâng cao năng lực và đảm bảo số lượng cán bộ về bảo vệ môi trường các cấp đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.

Đối với chất thải rắn sinh hoạt

Tiến hành sửa đổi, bổ sung quy định mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh để tiến hành thu giá dịch vụ theo khẩu, đảm bảo lấy thu bù chi và chế độ của người lao động.

Tổ chức thực hiện việc triển khai, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình trên địa bàn tỉnh. Triển khai mô hình điểm phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình tại xã Lâm Thao, huyện Lương Tài và xã Liên Bão, huyện Tiên Du: Tổ chức tập huấn phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; Đánh giá kết quả và phát động phong trào, triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh

Triển khai mô hình điểm xử lý rác thải bằng phương pháp không đốt, không khói bụi tại xã Đông Thọ, huyện Yên Phong: Thành lập Hợp tác xã dịch vụ môi trường xã Đông Thọ để triển khai mô hình; Đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc,trang thiết bị để triển khai thực hiện.

Thành lập Hợp tác xã hoặc tổ chức dịch vụ môi trường tại các địa phương để thực hiện việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình đến điểm tập kết và quản lý các điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt: Thành lập mỗi xã/phường/thị trấn 01 Hợp tác xã hoặc tổ chức dịch vụ môi trường (trừ các các địa phương đã có doanh nghiệp tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý). Kinh phí hoạt động: Từ nguồn thu giá dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt của các hộ gia đình. Theo đơn giá như hiện nay thì mỗi hợp tác xã có nguồn thu dao động từ 48,28 triệu đồng/tháng (huyện Lương Tài) đến 95,5 triệu đồng/tháng (thị xã Từ Sơn).

Như vậy, với đơn giá thu gom như hiện nay thì kinh phí thu được sẽ đảm bảo hoạt động cho 01 Hợp tác xã hoặc tổ chức dịch vụ môi trường có 10 lao động với mức lương khoảng 05 triệu/người/tháng .

Duy trì hoạt động hiệu quả, bảo đảm vệ sinh môi trường tại các điểm tập kết rác thải sinh hoạt, khu xử lý rác thải tập trung và các lò đốt đang hoạt động tại các huyện, thị xã.

Tiến hành trồng dải cây xanh xung quanh các khu xử lý chất thải tập trung và lò đốt rác tại các địa phương nhằm ngăn ngừa sự phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh, đồng thời tạo cảnh quan môi trường sinh thái khu vực xử lý.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng tại các huyện: Lương Tài, Quế Võ và Thuận Thành, đảm bảo đến năm 2021 các nhà máy sẽ đi vào hoạt động để xử lý rác thải sinh hoạt tại các địa phương và các vùng lân cận trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. UBND tỉnh sẽ thành lập Hội đồng giám sát và hỗ trợ thủ tục pháp lý để các Nhà máy này đi vào hoạt động đảm bảo đúng tiêu chuẩn và thời gian như trên, cụ thể:

- Dự án “Đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng” thuộc Công ty Cổ phần môi trường Năng lượng Thăng Long tại xã Phù Lãng, huyện Quế Võ:

+ Kinh phí đầu tư: 1.357 tỷ đồng.

+ Nguồn kinh phí đầu tư: Xã hội hóa.

+ Diện tích đất sử dụng: 4,834 ha.

+ Công suất: 500 tấn/ngày đêm.

+ Chủ đầu tư: Công ty Cổ phần môi trường Năng lượng Thăng Long.

- Dự án “Đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng huyện Thuận Thành” tại xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành:

+ Kinh phí đầu tư: Khoảng 1.000 tỷ đồng.

+ Nguồn kinh phí: Xã hội hóa

+ Diện tích đất sử dụng: 05 ha.

+ Công suất: 300 tấn/ngày đêm.

+ Chủ đầu tư: Doanh nghiệp tham gia xã hội hóa.

- Dự án “Đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng huyện Lương Tài” tại xã An Thịnh, huyện Lương Tài:

+ Kinh phí đầu tư: Khoảng 1.000 tỷ đồng.

+ Nguồn kinh phí: Xã hội hóa.

+ Diện tích đất sử dụng: 8,8 ha.

+ Công suất: 300 tấn/ngày đêm.

+ Chủ đầu tư: Doanh nghiệp tham gia xã hội hóa.

Trong giai đoạn 2019-2020 (khi các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng chưa đi vào hoạt động), các địa phương cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp xử lý cấp bách như:

- Vận hành đảm bảo hoạt động hiệu quả, vệ sinh môi trường đối với các điểm tập kết rác thải còn nhu cầu sử dụng. Tiếp tục áp dụng các biện pháp như: đánh đống, phun chế phẩm, dùng vật liệu chống thấm bao phủ bề mặt để hạn chế phát tán mùi, dọn dẹp vệ sinh thường xuyên không để rác thải tràn ra ngoài,… đối với các điểm tập kết còn rác tồn đọng.

- Trường hợp lượng chất thải tồn đọng tại các điểm tập kết quá tải thì UBND các huyện, thị xã chỉ đạo thu gom về các lò đốt chất thải đang hoạt động trên địa bàn huyện, thị xã để xử lý.

- Vận hành hiệu quả các lò đốt và các khu xử lý tập trung hiện đang hoạt động.

- Đầu tư xây dựng các lò đốt rác tại các địa phương để xử lý cấp bách rác thải sinh hoạt của thị xã Từ Sơn và 02 huyện: Yên Phong và Tiên Du, cụ thể:

Phương án 1: Tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các lò đốt rác thải bằng hình thức xã hội hóa để xử lý cấp bách rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thị xã Từ Sơn và huyện Tiên Du theo nội dung Văn bản số 801/UBND-NN.TN ngày 26/3/2018 của UBND tỉnh và triển khai bổ sung 04 lò đốt theo quy mô cụm xã tại huyện Yên Phong.

* Tổng số lò đốt cần lắp đặt: 12 lò, trong đó: Thị xã Từ Sơn 04 lò đốt, huyện Tiên Du 04 lò đốt, huyện Yên Phong 04 lò đốt.

* Kinh phí đầu tư xây dựng lò đốt: 84 tỷ đồng (Kinh phí đầu tư xây dựng 01 lò đốt khoảng 07 tỷ đồng, trong đó bao gồm kinh phí mua và lắp đặt lò đốt, giải phóng mặt bằng và xây dựng nhà xưởng).

* Nguồn kinh phí đầu tư lò đốt:

+ Ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng và xây dựng nhà xưởng: 24 tỷ đồng.

+ Xã hội hóa: 60 tỷ đồng.

* Diện tích xây dựng lò đốt rác: 2.000-3.000 m2.

* Tiêu chuẩn lò đốt: Đảm bảo QCVN 61-MT:2016/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt.

* Chủ đầu tư xây dựng, lắp đặt và quản lý vận hành lò đốt: Các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa.

Phương án 2: Đầu tư xây dựng lò đốt chất thải quy mô nhỏ (01 lò/xã, phường) để xử lý cấp bách rác thải tại thị xã Từ Sơn, huyện Tiên Du và huyện Yên Phong.

* Tổng số lò đốt cần lắp đặt: 31 lò, trong đó:

+ Thị xã Từ Sơn: 06 lò đốt cho các khu dân cư tập trung. Đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

+ Huyện Tiên Du: 13 lò đốt cho các khu dân cư tập trung, trong đó: 09 lò đốt do Nhà nước đầu tư 100% kinh phí và 04 lò đốt đầu tư theo hình thức xã hội hóa (tại các xã Hiên Vân, Liên Bão, Tri Phương và Minh Đạo).

+ Huyện Yên Phong: 12 lò đốt cho các khu dân cư tập trung. Nhà nước đầu tư 100% kinh phí.

* Tổng kinh phí đầu tư xây dựng lò đốt: 155 tỷ đồng (Kinh phí đầu tư xây dựng 01 lò đốt khoảng 05 tỷ đồng, bao gồm kinh phí mua và lắp đặt lò đốt là 03 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng và xây dựng nhà xưởng 02 tỷ đồng).

* Nguồn kinh phí:

+ Ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà xưởng và lắp đặt lò đốt: 125 tỷ đồng.

+ Xã hội hóa: 30 tỷ đồng.

* Diện tích xây dựng lò đốt chất thải: 2.000-3.000 m2.

* Tiêu chuẩn lò đốt : Đảm bảo QCVN 61-MT:2016/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt.

* Cơ chế đầu tư xây dựng, lắp đặt và vận hành lò đốt:

+ Đối với các lò đốt do nhà nước đầu tư 100% kinh phí thì UBND các huyện Tiên Du, Yên Phong tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp lò đốt, đấu thầu lựa chọn đơn vị đầu tư xây dựng nhà xưởng và đấu thầu lựa chọn đợn vị vận hành lò đốt.

+ Đối với các lò đốt đầu tư bằng hình thức xã hội hóa: Các doanh nghiệp trúng thầu tổ chức đầu tư xây dựng và vận hành lò đốt.

Tùy theo tình hình thực tế tại từng địa phương, các huyện Tiên Du, Yên Phong và thị xã Từ Sơn chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn số lượng lò đốt rác thải sinh hoạt, địa điểm đặt lò đốt, đảm bảo xử lý ô nhiễm môi trường tại địa phương mình. Trường hợp đầu tư theo hình thức xã hội hóa, các huyện, thị xã có thể chủ động thỏa thuận thời hạn trong hợp đồng xử lý rác thải với các doanh nghiệp đầu tư.

Cơ chế hỗ trợ kinh phí vận chuyển và xử lý rác thải

- Kinh phí vận chuyển và xử lý rác thải tồn đọng: 97,5 tỷ đồng, trong đó:

+ Kinh phí vận chuyển là: 37,5 tỷ đồng.

+ Kinh phí xử lý là: 60 tỷ đồng.

Nguồn kinh phí: Nhà nước hỗ trợ 100%.

- Kinh phí vận chuyển và xử lý rác thải phát sinh hàng năm: 206,4 tỷ đồng/năm, trong đó:

+ Kinh phí vận chuyển là: 79,38 tỷ đồng/năm.

+ Kinh phí xử lý là: 127,02 tỷ đồng/năm.

- Cơ chế hỗ trợ kinh phí vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh:

+ Giai đoạn 2019-2020: Nhà nước hỗ trợ toàn bộ chi phí vận chuyển và xử lý cho toàn tỉnh: 206,4 tỷ đồng/năm; mỗi hộ trên địa bàn tỉnh sẽ phải đóng giá thu gom từ hộ gia đình đến điểm tập kết trung bình là 25.000 đồng/hộ/tháng hoặc 7.500 đồng/khẩu/tháng.

+ Giai đoạn 2021 - 2025: Điều chỉnh kinh phí vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt sang phương án nhân dân tự đóng góp đảm bảo lấy thu bù chi nhằm giảm hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Mỗi hộ trên địa bàn tỉnh sẽ phải đóng giá thu gom, vận chuyển và xử lý là 70.866 đồng/hộ/tháng hoặc 21.260 đồng/khẩu/tháng.

bac ninh tap trung giai quyet cac van de moi truong cap bach
Tùy thực tế tại từng địa phương, các huyện Tiên Du, Yên Phong và thị xã Từ Sơn lựa chọn số lượng lò đốt rác thải sinh hoạt.

Đối với các làng nghề:

Tổ chức thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất trong các làng nghề, khu dân cư; Lập và tổ chức triển khai thực hiện các Dự án xử lý ô nhiễm môi trường nước thải, chất thải rắn tại các làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Xây dựng và tổ chức thực hiện Phương án bảo vệ môi trường làng nghề đối với các địa phương có làng nghề; Thành lập Tổ tự quản về bảo vệ môi trường; xây dựng Hương ước, Quy ước về BVMT hoặc Hương ước, Quy ước trong đó có nội dung về bảo vệ môi trường tại các làng nghề; Rà soát các điều kiện BVMT đối với các làng nghề trên địa bàn; xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề, kế hoạch chuyển đổi ngành nghề hoặc di rời ra khỏi khu dân cư đối với cơ sở sản xuất không thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển và gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn; Tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất trong làng nghề; yêu cầu thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư các công trình xử lý nước thải, khí thải theo quy định, ký hợp đồng và chuyển giao các loại chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh với đơn vị có đủ chức năng.

Đối với khu vực nông thôn

Tuyên truyên, phát động phong trào thu gom rác thải, phế thải làm sạch ruộng đồng, vớt bèo, rác, khơi thông dòng chảy các kênh mương; phát động và duy trì phong trào làm sạch đường làng, ngõ xóm; vận động nhân dân không đốt rơm rạ tại cánh đồng, bờ ruộng; Tổ chức tập huấn kỹ thuật cho người dân về sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và phân hóa học; áp dụng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp hữu cơ; phổ biến nhân rộng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); tận dụng các loại phế phẩm nông nghiệp để sản xuất phân hữu cơ, sản xuất nấm…; Quy hoạch một số vùng chăn nuôi tập trung nhằm đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi quy mô trung bình và lớn, đồng thời đảm bảo vệ sinh môi trường; di dời các cơ sở chăn nuôi ra khu chăn nuôi tập trung; Các trang trại chăn nuôi phải áp dụng các biện pháp xử lý chất thải đạt yêu cầu của các QCVN về môi trường. Đối với chăn nuôi ở quy mô gia đình phải sử dụng phun chế phẩm sinh học để khử mùi và xây lắp các hầm biogas để xử lý chất thải; Cải tạo, xây dựng các ao, hồ sinh thái trong khu dân cư, phát triển cây xanh ở các công trình công cộng; đối với các hồ ao đã có sẵn ở địa phương, cần thường xuyên nạo vét bùn, tiêu diệt các loài côn trùng gây các bệnh truyền nhiễm, thau nước (nếu đã bị ô nhiễm). Xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước có nắp kín tại các thôn, làng; hệ thống các trạm xử lý nước thải tập trung cho các khu dân cư nông thôn; Tiếp tục thực hiện xây dựng các công trình cấp nước sạch theo Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và VSMT nông thôn. Với mục tiêu 100% dân số của tỉnh phải được sử dụng nước sạch; Duy trì và nâng cao tiêu chí môi trường đối với các địa phương trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Chỉnh trang, cải tạo nghĩa trang theo hướng văn minh, hợp vệ sinh, tiết kiệm đất; Bố trí lắp đặt các thùng chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng (Tối thiểu 1 thùng chứa/3ha, theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng), sau đó tổ chức thu gom định kỳ 06 tháng/lần để chuyển đến đơn vị có chức năng xử lý.

* Tổng số thùng chứa cần lắp đặt: 14.376 thùng chứa, trong đó: Thành phố Bắc Ninh: 1.144 thùng, Thị xã Từ Sơn: 914 thùng, Huyện Tiên Du: 1.618 thùng, Huyện Yên Phong: 1.808 thùng, Huyện Quế Võ: 2.809 thùng, Huyện Thuận Thành: 2.345 thùng, Huyện Gia Bình: 1.825 thùng, Huyện Lương Tài: 1.913 thùng.

* Thông số kỹ thuật: Dụng cụ lưu chứa là các thùng được sản xuất bằng nhựa, có nắp đậy kín; dung tích khoảng 150 lít.

* Tổng kinh phí: 14,376 tỷ đồng (kinh phí đầu tư 01 thùng chứa khoảng 01 triệu đồng).

* Nguồn kinh phí: Nhà nước hỗ trợ 100%.

* Phương thức vận chuyển, xử lý: UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức ký hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại để thu gom trực tiếp từ thùng chứa và vận chuyển đến các Nhà máy xử lý theo quy định với tần suất thu gom tối thiểu 01 lần/6 tháng.

* Kinh phí vận chuyển, xử lý: 1,455 tỷ đồng. Nguồn kinh phí: Nhà nước hỗ trợ 100%.

Đối với các Khu công nghiệp

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN Hanaka theo quy định của Luật bảo vệ môi trường; Yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trước khi đi vào hoạt động phải đầu tư xây dựng và tổ chức vận hành hệ thống xử lý nước thải đảm bảo chất lượng nước thải sau khi xử lý đạt Quy chuẩn môi trường cho phép và thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp xử lý khi phát hiện các chỉ tiêu vượt ngưỡng; lắp đặt hệ thống quan trắc, giám sát môi trường tự động để theo dõi thường xuyên, liên tục chất lượng nước thải trước khi xả ra ngoài môi trường; Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất trong KCN vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, không đầu tư các công trình xử lý nước thải, khí thải theo quy định, không ký hợp đồng và chuyển giao các loại chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh với đơn vị có đủ chức năng; Hạn chế việc cấp đăng ký đầu tư đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong KCN; không điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, Đăng ký đầu tư cho các cơ sở không xây dựng công trình bảo vệ môi trường, không thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường; thu hồi đăng ký đầu tư đối với các đơn vị trong KCN vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường khi có đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh; Xây dựng quy chế phối hợp thực hiện các nhiệm vụ quản lý môi trường trong KCN, trong đó quy định cụ thể việc chia sẻ thông tin liên quan đến công tác quản lý môi trường giữa các Sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh.

Đối với các Cụm công nghiệp

Tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các CCN trên địa bàn tỉnh phù hợp với Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt bởi Quyết định 1369/QĐ-TTg ngày 17/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Thực hiện di dời, chuyển đổi các CCN theo Quyết định số 396/QĐ-UBND ngày 31/10/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch các CCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quyết định 1369/QĐ-TTg ngày 17/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; Ban hành chính sách, chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, dự toán kinh phí hoạt động phát triển CCN trên địa bàn tỉnh; Đầu tư xây dựng, hoàn thiện đầy đủ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường (đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải tập trung) đối với các CCN hiện đã đi vào hoạt động. Đối với các CCN đang triển khai, chỉ cho phép hoạt động và tiếp nhận các dự án thứ cấp sau khi đầu tư xong kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường theo quy định; Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất trong CCN vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, không đầu tư các công trình xử lý nước thải, khí thải theo quy định, không ký hợp đồng và chuyển giao các loại chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh với đơn vị có đủ chức năng.

Đối với khu đô thị

Triển khai đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đối với các đô thị trên địa bàn các huyện chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung; Cải tạo, khắc phục ô nhiễm tại các ao, hồ, kênh mương bằng các biện pháp như nạo vét, khơi thông, tăng khả năng lưu thông dòng chảy; triển khai các biện pháp xây dựng hệ thống cống xung quanh các ao, hồ để thu gom nước thải sinh hoạt, dịch vụ đảm bảo nước thải không xả vào trong ao, hồ; Tổ chức triển khai xây dựng tại mỗi huyện, thị xã, thành phố ít nhất 01 khu xử lý chất thải rắn xây dựng để tiếp nhận và xử lý đáp ứng nhu cầu đổ thải, tái sử dụng phế thải xây dựng tại địa phương; Tổ chức kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng, các phương tiện chuyên chở vật liệu xây dựng nhằm kiểm soát việc phát tán bụi; kiểm tra, xử lý nghiêm việc đổ trộm chất thải xây dựng, bùn thải từ bể tự hoại, bùn thải từ hệ thống thoát nước đô thị và các cơ sở sản xuất vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; xử lý triệt để và di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu đô thị; Thực hiện quy hoạch các trạm rửa xe tại các cửa ngõ vào trung tâm đô thị lớn; tăng cường phun nước, quét đường, kiểm tra chặt chẽ việc vệ sinh các phương tiện trước khi đi vào khu vực nội đô để hạn chế lượng bụi phát sinh; kiểm tra, xử lý loại bỏ các phương tiện giao thông đã hết niên hạn sử dụng (nhất là các xe tải, xe chở khách cũ); Khuyến khích cộng đồng dân cư sử dụng nhiên liệu sạch trong sinh hoạt. Đảm bảo duy trì diện tích cây xanh, mặt nước đáp ứng tỷ lệ theo tiêu chuẩn đô thị xanh.

Đối với các trường học

Tổ chức xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các nhà vệ sinh hiện có đảm bảo các trường học trên địa bàn tỉnh có nhà vệ sinh chung đạt chuẩn Quốc gia và có khu vực tập kết rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường, cụ thể: Đối với bậc học mầm non: Nhà vệ sinh xây mới sử dụng thiết kế mẫu điển hình đáp ứng nhu cầu mỗi học sinh 0,3m2; Đối với bậc học tiểu học, trung học: Nhà vệ sinh xây mới sử dụng thiết kế mẫu điển hình đáp ứng nhu cầu mỗi học sinh 0,14 m2; Vận dụng thiết kế mẫu điển hình vào việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng mới nhà vệ sinh học sinh, giáo viên theo hiện trạng đã được rà soát.

Tùy theo điều kiện cụ thể của từng trường có thể ký hợp đồng với các tổ chức dịch vụ để quản lý, quét dọn các nhà vệ sinh đảm bảo môi trường.

Tổ chức tập huấn, tuyên truyền và chỉ đạo các đơn vị dạy tích hợp nội dung bảo vệ môi trường trong các cấp học nhằm giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường đối với học sinh trên địa bàn tỉnh.

Đối với các cơ sở y tế

Các cơ sở y tế có trách nhiệm thực hiện việc thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT và Kế hoạch số 328/KH-UBND ngày 18/10/2017 của UBND tỉnh về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, cụ thể:

Xử lý chất thải y tế theo cụm: Các cơ sở y tế không có hệ thống, thiết bị xử lý chất thải y tế nguy hại theo quy định sẽ được áp dụng mô hình xử lý chất thải y tế nguy hại theo cụm cơ sở y tế. Trong đó, tuyến tỉnh đặt hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Phổi Bắc Ninh; tuyến huyện, thị xã đặt hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại tại 07 Bệnh viện Đa khoa các huyện, thị xã. Cụ thể:

* Cụm 1: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh (Đơn vị xử lý): Thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho các Bệnh viện, Trung tâm Y tế, Trạm Y tế xã, phường và các cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn thành phố Bắc Ninh.

* Cụm 2: Bệnh viện Phổi Bắc Ninh (Đơn vị xử lý): Thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Phục hồi chức năng và các cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh.

* Cụm 3: Bệnh viện Đa khoa TX Từ Sơn (Đơn vị xử lý): Thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho Trung tâm Y tế thị xã Từ Sơn, các Trạm Y tế xã, phường và các cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn thị xã Từ Sơn.

* Cụm 4: Bệnh viện Đa khoa huyện Tiên Du (Đơn vị xử lý): Thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho Trung tâm Y tế huyện Tiên Du, các Trạm Y tế xã, thị trấn và các cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn huyện Tiên Du

* Cụm 5: Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Phong (Đơn vị xử lý): Thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho Trung tâm Y tế huyện Yên Phong, các Trạm Y tế xã, thị trấn và các cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn huyện Yên Phong.

* Cụm 6: Bệnh viện Đa khoa huyện Quế Võ (Đơn vị xử lý): Thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho Trung tâm Y tế huyện Quế Võ, các Trạm Y tế xã, thị trấn và các cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn huyện Quế Võ.

* Cụm 7: Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Thành (Đơn vị xử lý): Thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho Trung tâm Y tế huyện Thuận Thành, các Trạm Y tế xã, thị trấn và các cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn huyện Thuận Thành.

* Cụm 8: Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Bình (Đơn vị xử lý): Thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho Trung tâm Y tế huyện Gia Bình, các Trạm Y tế xã, thị trấn và các cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn huyện Gia Bình.

* Cụm 9: Bệnh viện Đa khoa huyện Lương Tài (Đơn vị xử lý): Thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho Trung tâm Y tế huyện Lương Tài, các Trạm Y tế xã, thị trấn và các cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn huyện Lương Tài.

Trường hợp vị trí lò đốt chất thải y tế của đơn vị xử lý trong cụm không phù hợp, ảnh hưởng đến môi trường khu vực xung quanh thì có thể chuyển lò đốt sang đơn vị khác trong cụm hoặc chuyển sang đơn vị xử lý của cụm khác.

Xử lý chất thải y tế tại chỗ: Đối với các cơ sở y tế không thuộc danh mục các cơ sở y tế xử lý theo mô hình cụm và đã được đầu tư công trình xử lý chất thải y tế nguy hại đảm bảo theo quy định thì tự xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh từ hoạt động của đơn vị, như: Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, Bệnh viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện tư nhân Kinh Bắc và Bệnh viện Quân y 110. Trường hợp chất thải y tế nguy hại phát sinh vượt quá khả năng xử lý của cơ sở thì phải ký hợp đồng với cơ sở xử lý chất thải nguy hại tập trung có Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép, trong đó có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại để xử lý.

Đối với các cơ sở y tế còn lại (không thuộc các cơ sở xử lý theo mô hình cụm và chưa được đầu tư công trình xử lý chất thải đảm bảo theo quy định): Được áp dụng các phương pháp xử lý và tiêu hủy chất thải y tế nguy hại theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế hoặc tiến hành ký hợp đồng với cơ sở xử lý chất thải nguy hại tập trung có Giấy phép hành nghề xử lý chất thải nguy hại được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép, trong đó có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại để xử lý.

Thu Vân
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động