Báo cáo đánh giá môi trường Chiến lược thủy lợi Việt Nam

20/03/2020 15:02 Tác động môi trường
Nội dung trong báo cáo Chiến lược và báo cáo đánh giá môi trường của “Chiến lược thủy lợi Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đánh giá, phân tích các quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường được lựa chọn, sự phù hợp của Chiến lược với quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường quốc gia, đánh giá, so sánh các phương án phát triển đề xuất, những vấn đề môi trường chính và dự báo các vấn đề môi trường chính trong trường hợp thực hiện Chiến lược.
Chiến lược thủy lợi Việt Nam: Chú trọng bảo vệ môi trường
bao cao danh gia moi truong chien luoc thuy loi viet nam
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược thủy lợi Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đó là khẳng định của Bộ Tài nguyên & Môi trường tại báo cáo kết thẩm định báo cáo đánh giá môi trường “Chiến lược thủy lợi Việt Nam giai đoạn đến năm 2030,tầm nhìn đến năm 2045”.

Theo Bộ Tài nguyên & Môi trường, Báo cáo đánh giá môi trường của Chiến lược đã mô tả tóm tắt Chiến lược, bao gồm: phạm vi không gian và thời kỳ của Chiến lược; các quan điểm và nguyên tắc chỉ đạo; mục tiêu; các giải pháp thực hiện với các giải pháp chung và giải pháp cho từng khu vực; phương án tổ chức thực hiện Chiến lược. Chiến lược được xây dựng trên cơ sở kết quả thực hiện“Chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam” được phê duyệt định hướng tại Quyết định số 1590/QĐ-TTg ngày 09 tháng 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ và các quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường trong các chiến lược và chính sách về 2 môi trường bao gồm: Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2012, Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 81/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 04 năm 2006, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2013, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 5 tháng 12 năm 2011, Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững…

Thực hiện Luật Thủy lợi năm 2017 và Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 26 tháng 3 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai việc tổ chức đánh giá kết quả thực hiện định hướng Chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam trong giai đoạn từ 2009 đến 2018; rà soát, xây dựng dự thảo Chiến lược thủy lợi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nội dung trong báo cáo Chiến lược và báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Chiến lược đã đánh giá, phân tích các quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường được lựa chọn, sự phù hợp của Chiến lược với quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường quốc gia, đánh giá, so sánh các phương án phát triển đề xuất, những vấn đề môi trường chính và dự báo các vấn đề môi trường chính trong trường hợp thực hiện Chiến lược. Đồng thời, giải pháp thực hiện Chiến lược cũng đã được đề xuất bao gồm nhóm các giải pháp chung và nhóm các giải pháp cho từng khu vực.

Các vấn đề môi trường chủ yếu trong phát triển thủy lợi được xác định trên cơ sở quan điểm và mục tiêu của chiến lược về các lĩnh vực: cung cấp nước; tiêu thoát nước và bảo vệ môi trường nước; phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; khó khăn và tồn tại trong khai thác sử dụng nguồn nước của ngành thủy lợi ở Việt Nam trong các giai đoạn vừa qua; tác động đến môi trường của hoạt động thủy lợi đến tài nguyên môi trường và môi trường nước tại các vùng miền trên toàn quốc.

Những vấn đề môi trường chính liên quan đến Chiến lược được đánh giá, phân tích, bao gồm: (1) Biến đổi dòng chảy tự nhiên, chia cắt dòng sông; (2) Suy thoái nguồn nước; (3) Gia tăng các xung đột về nguồn nước; (4) Ảnh hưởng đến tài nguyên môi trường lưu vực sông; (5) Rủi ro, thiên tai và thiệt hại về nước; (6) Khai thác và sử dụng quá mức nguồn nước ngầm; (7) Suy thoái hệ sinh thái thủy sinh và đa dạng sinh học.

Các vấn đề môi trường chính cũng đã được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và việc dự báo xu hướng tác động của biến đổi khí hậu trong việc triển khai Chiến lược đã được thực hiện trong báo cáo.

Điều kiện tự nhiên, môi trường và kinh tế - xã hội của 08 khu vực thực hiện Chiến lược đã được mô tả và đánh giá trong báo cáo. Các phương pháp đánh giá môi trường chiến lược đã được áp dụng trong quá trình thực hiện đánh giá. Việc đánh giá các xu hướng biến đổi của các vấn đề môi trường chính trong trường hợp không thực hiện Chiến lược (phương án “0”) được thực hiện theo Chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam đã được phê duyệt và một số chủ trương, định hướng phát triển thủy lợi là phù hợp.

Báo cáo đã đề xuất các giải pháp duy trì xu hướng tích cực, phòng ngừa và giảm thiểu xu hướng tiêu cực của các vấn đề môi trường chính, trong đó bao gồm: nhóm các giải pháp chung (hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường thực thi pháp luật về thủy lợi; hoàn thiện tổ chức bộ máy; phát triển nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác; khoa học công nghệ; hợp tác quốc tế) và nhóm các giải pháp cho từng khu vực (Trung du miền núi Bắc bộ, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây nguyên, Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, trên các đảo).

Chương trình quản lý, giám sát môi trường đã được nêu trong báo cáo với các hoạt động quản lý môi trường bao gồm: (1) quản lý môi trường các hoạt động xây dựng công trình cơ sở hạ tầng thủy lợi trong thời gian thực hiện Chiến lược; (2) quản lý môi trường các hồ chứa và hệ thống thủy lợi, hệ thống đê sông, đê biển đã xây dựng và đang quản lý khai thác; (3) quản lý môi trường trong việc thực hiện các chương trình hoạt động của Chiến lược. Nội dung giám sát môi trường đã được đề xuất cùng với nguồn lực và trách nhiệm thực hiện của các cơ quan và tổ chức liên quan.

Trên cơ sở kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Chiến lược, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện Chiến lược đảm bảo các nội dung: Triển khai hiệu quả các mục tiêu về cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và đáp ứng nhu cầu của các ngành kinh tế - xã hội; đảm bảo các mục tiêu về tiêu, thoát nước; bảo vệ, kiểm soát và ngăn chặn ô nhiễm nước trong hệ thống công trình thủy lợi; chủ động phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; chủ động ứng phó với các tác động do thiếu nước, xâm nhập mặn, xói lở bờ sông, bờ biển… kết hợp các giải pháp công trình và phi công trình; bảo đảm an toàn công trình, vùng hạ du đập và hồ chứa thủy lợi. Nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch; xây dựng kịch bản phát triển trên cơ sở thích ứng với biến đổi khí hậu; triển khai lập các quy hoạch đảm bảo nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; nguyên tắc bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học; nguyên tắc bảo vệ môi trường. Nghiên cứu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, hoạt động phát triển đến nguồn nước và công trình thủy lợi, làm cơ sở khoa học xây dựng tầm nhìn, kịch bản quy hoạch của Chiến lược.

Mai Hoa
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động