Bình Phước: Tưng bừng Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” năm 2024

11/11/2024 15:57 Địa phương
Sáng 09/11/2024, tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng tổ chức khai mạc Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” năm 2024. Với nhiều hoạt động nhằm hướng đến lễ kỷ niệm chào mừng 50 năm Ngày giải phóng Bù Đăng (14/12/1974 - 14/12/2024).
Bình Phước: Tưng bừng Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” năm 2024
Toàn cảnh lễ khai mạc Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo

Dự chương trình khai mạc lễ hội có Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Vũ Lương; Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vũ Văn Mười cùng đại diện lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị và đông đảo đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Bù Đăng. Đây là chuỗi sự kiện diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 8 đến 10/11/2024 với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao.

Bình Phước: Tưng bừng Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” năm 2024
Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban chỉ đạo lễ hội Vũ Lương đánh trống khai hội chương trình “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo”

Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng, Trưởng ban tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng Bù Đăng Vũ Văn Mười đã ôn lại chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển huyện Bù Đăng kể từ ngày giải phóng, trong đó có sự đóng góp vô cùng to lớn của đồng bào S’tiêng sóc Bom Bo. Nơi đây, đồng bào S’tiêng đã vượt qua bao gian khó trong lửa đạn của chiến tranh để ngày đêm giã gạo nuôi quân; tiếp lương tải đạn cho bộ đội đánh thắng kẻ thù, góp phần giải phóng Bù Đăng, Phước Long và tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

Ông Vũ Văn Mười, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng nhấn mạnh: Về với Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” là về với những kỷ niệm, với hoài niệm, với trải nghiệm vô cùng thú vị để hòa mình vào không gian văn hóa cộng đồng, với những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc. Thông qua các hoạt động lễ hội, du khách sẽ cảm nhận giá trị, sức sống mãnh liệt, cùng với tinh thần yêu nước, tinh thần đại đoàn kết của 34 dân tộc trên địa bàn huyện Bù Đăng vượt khó vươn lên, từ đó lan tỏa mạnh mẽ của văn hóa trong tâm thức cũng như trong đời sống. Đến với Bù Đăng là đến với những khám phá kỳ vĩ của nét đẹp thiên nhiên, của bản sắc văn hóa trên vùng đất và con người nghĩa tình Bù Đăng. Đó là nét đẹp tiềm ẩn, khác biệt của Bù Đăng đang chờ đợi sự khơi mở của du khách để Bù Đăng vươn mình trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

Bình Phước: Tưng bừng Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” năm 2024
Tiết mục văn nghệ hát múa “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” mở đầu cho chương trình biểu diễn văn hóa, văn nghệ trong chương trình khai mạc lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo”

Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa cộng đồng của 34 dân tộc anh em đang định cư trên địa bàn huyện Bù Đăng.

Đây cũng là năm đầu tiên huyện Bù Đăng tổ chức sự kiện này, tập trung cao độ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cùng sự hưởng ứng tham gia tích cực, chủ động của cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn huyện Bù Đăng hướng đến kỷ niệm chào mừng 50 năm Ngày giải phóng Bù Đăng.

Thanh Hà
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động