Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến sửa gấp nhiều quy định bất cập

16/05/2023 14:47 Chính sách - Pháp luật
Các quy định bất cập như nuôi từ 100 con gia súc, gia cầm (tương đương 100 đơn vị vật nuôi) trở lên cũng phải lên UBND tỉnh làm giấy phép môi trường của Nghị định 08/2022/NĐ-CP dự kiến sẽ được sửa đổi "nới room" cho người chăn nuôi.

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lấy ý kiến sửa đổi những bất cập của Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường.

Yêu cầu của việc sửa đổi được thực hiện trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các địa phương và thực hiện Nghị quyết 50 ngày 8/4/2023 của Chính phủ, trong đó yêu cầu các bộ cắt giảm, đơn giản hóa và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các địa phương giải quyết thủ tục hành chính.

Nội dung sửa đổi chủ yếu tập trung vào quy mô, công suất các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; dự án đầu tư nhóm II có nguy cơ gây tác động xấu đến môi trường. Hướng sửa đổi sẽ là tăng thẩm quyền cho địa phương trong việc cấp phép, quản lý môi trường các dự án này.

Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến sửa gấp nhiều quy định bất cập
Chăn nuôi từ 10 đơn vị vật nuôi phải xin giấy phép môi trường là điều khó khả thi và không phù hợp với thực tế.

Hai loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được sửa đổi trong nghị định gồm loại hình chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp và sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử.

Với ngành chăn nuôi gia súc sẽ sửa đổi theo hướng, dự án công suất nhỏ dự kiến sẽ có quy mô 10-300 đơn vị vật nuôi (quy định hiện tại là 10-100 đơn vị vật nuôi). Công suất trung bình sẽ từ 300 - 3.000 đơn vị vật nuôi (quy định hiện tại là 100 - 1.000 đơn vị vật nuôi), công suất lớn là từ 3000 đơn vị vật nuôi (quy định hiện tại là 1.000 đơn vị vật nuôi).

Với lĩnh vực sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử (theo quy định hiện tại) được sửa thành: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và thiết bị quang học (trừ sản xuất đồng hồ hoặc chỉ lắp ráp); Sản xuất thiết bị điện (trừ chỉ lắp ráp). Nội dung được sửa đổi theo phân cấp dự án: Dự án có công suất trung bình sẽ có quy mô dưới 2.000 tấn/năm (quy định hiện tại của Nghị định 08 là dưới 1 triệu thiết bị hoặc dưới 1.000 tấn sản phẩm/năm); Dự án có công suất lớn sẽ có quy mô từ 2.000 tấn sản phẩm/năm trở lên (quy định hiện tại là từ 1 triệu thiết bị hoặc từ 1.000 tấn sản phẩm/năm trở lên).

Đối với dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, những dự án đầu tư có diện tích chuyển đổi dưới 03 ha được đưa ra khỏi danh mục các dự án đầu tư nhóm II có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

Theo quy định của Nghị định 08 với dự án có quy mô công suất nhỏ sẽ do UBND huyện cấp phép môi trường, dự án công suất trung bình do UBND tỉnh cấp phép môi trường và dự án công suất lớn sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Vì vậy, việc sửa đổi nghị định 08 như trên sẽ tăng thầm quyền của địa phương trong cấp phép, quản lý bảo vệ môi trường các dự án.

Theo ý kiến chuyên gia lĩnh vực môi trường, thì lấy mốc từ 10 đơn vị vật nuôi để yêu cầu phải có giấy phép môi trường vẫn là khó khả thi, vì trên khắp cả nước việc người dân, hộ gia đình chăn nuôi vài chục con gia cầm (được tính là đơn vị vật nuôi) rất khó khó kiểm đếm, từ đó bộc lộ ra bất cập về quy định mức tối thiểu trong chăn nuôi cần phải xin giấy phép môi trường của Nghị định.

Nguyễn Quang
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động