Bình Dương

Tác động môi trường từ cơ sở sản xuất Đất đèn không phép, nằm sát khu dân cư

15/05/2024 10:33 Tác động môi trường
Hộ kinh doanh Công Nông tại xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đã hoạt động sản xuất đất đèn nhiều năm khi chưa đáp ứng các quy định của pháp luật, chính quyền địa phương còn lúng túng, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Dầu Tiếng với quan điểm lạ về “bảo vệ môi trường” đối với cơ sở này…đã phần nào để doanh nghiệp “biết sai” nhưng vẫn cứ làm. Dưới đây Tạp chí điện tử Công nghiệp môi trường có bài viết phân tích và có kiến nghị, đề xuất để Hộ kinh doanh Công Nông hoạt động nhưng đúng các quy định của pháp luật, trong đó có quy định về môi trường và để bộ phận chuyên môn phải nhận thức đúng hơn để đồng hành cùng công tác bảo vệ môi trường tại địa phương.
Hộ kinh doanh Công Nông với hai không: 1) Không ngành nghề kinh doanh; 2) Không chuyển đổi mục đích sử dụng đất thế nhưng lại được xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường và "cho phép" hoạt động sản xuất đất đèn trong nhiều năm gần đây, ngay sát khu dân cư.
Tác động môi trường từ cơ sở sản xuất Đất đèn không phép, nằm sát khu dân cư
Cơ sở sản xuất đất đèn nằm ngay bờ sông và khu dân cứ xã Thanh Tuyền

Tự ý sản xuất Đất đèn

Được biết Hộ kinh doanh Công Nông do ông Lê Hữu Thành làm chủ, đã được UBND huyện Dầu Tiếng cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh Hộ kinh doanh cá thể số 1518 vào ngày 20/04/2005, loại hình kinh doanh của cơ sở này bao gồm sản xuất phân hữu cơ và nung vôi. Năm 2016, Cơ sở này bị UBND huyện Dầu Tiếng ban hành Quyết định xử phạt số 808/QĐ-XPVPHC với hành vi không thực hiện đầy đủ một trong các nội dung trong Đề án bảo vệ môi trường đã được xác nhận đối với lĩnh vực hoạt động sản xuất phân hữu cơ, nung vôi.

Trong quá trình tìm hiểu thông tin, Phóng viên Tạp chí Công nghiệp môi trường chỉ thấy cơ sở Công Nông sản xuất Đất đèn (Canxi cacbua, Cacbua canxi hay đất đèn là hợp chất hóa học có công thức là CaC2. Màu sắc của đất đèn phụ thuộc vào kích cỡ và tạp chất, từ đen cho đến trắng xỉn. Ứng dụng chủ yếu của canxi cacbua là để tạo ra axetylen (C2H2). Canxi cacbua được sản xuất ở quy mô công nghiệp trong các lò hồ quang ở nhiệt độ 2.000 °C, nguyên liệu là đá vôi và than cốc. Đây là một hoá chất có rất nhiều công dụng, được sử dụng trong nhiều ngành kinh tế quốc dân như giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng và nhất là làm nguyên liệu trong công nghiệp hoá chất).

Bình Dương: “Hô biến” cơ sở sản xuất phân hữu cơ, nung vôi thành “đất đèn” nhưng vẫn đúng?

Tại khu sản xuất, lượng bột đá, bột than đá bám trên mặt đất dày gần chục cm, rác thải đổ trực tiếp ra môi trường xung quanh.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hữu Thành đại diện Hộ kinh doanh Công Nông cũng thừa nhận là sai phép: Trước kia khi xin giấy phép này giai đoạn một mới đốt lò với làm phân thôi thì cũng đã ô nhiễm rồi, sau khi làm cái môi trường mà bên phòng Tài nguyên làm đó là cũng đã nung đất đèn rồi đó mà cũng không được, xử lý thì xử lý vậy thôi chứ vẫn ô nhiễm nên bắt đầu ngưng, rồi chỉ sản xuất ban đêm vậy thôi, mấy giờ tối, canh giờ gió bụi ra sông làm, còn ban ngày nghỉ không làm. Vẫn biết là không đúng nhưng cứ làm khi nào làm không được nữa thì nghỉ thôi chứ biết sao bây giờ. Nói đúng ra thì cái ngành này nó ô nhiễm từ xưa tới giờ rồi”

Ngày 29/3/2024, phóng viên có buổi trao đổi với Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tuyền, ông Võ Văn An cho biết: “Cái này là hóa chất, anh tưởng là nung vôi lấy cái đá làm thành vôi, nhưng cái này lấy vôi với than đá nung là thành hóa chất rồi,... chỗ này chưa đủ điều kiện...vậy là ảnh mới đổi thành nung đất đèn này chứ ngày xưa là ảnh nung vôi...”.

Sự dung túng hay sơ suất?

Trả lời Phóng viên Tạp chí điện tử Công nghiệp môi trường, Ông Cao Trọng Sỹ - Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Dầu Tiếng cho biết: Hộ kinh doanh Công Nông bắt xây dựng và đi vào hoạt động thử từ 2011 cho đến nay, hiện tại thửa đất số 398, tờ bản đồ số 18 được quy hoạch là đất sản xuất kinh doanh (SKC), không quy hoạch đất ở (ONT), tuy nhiên ông Lê Hữu Thành chưa thực hiện chuyển mục đích sang đất sản xuất kinh doanh...". Bên cạnh đó, trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh Hộ kinh doanh cá thể số 1518 vào ngày 20/04/2005 do UBND huyện Dầu Tiếng cấp, loại hình kinh doanh của Hộ kinh doanh Công Nônggồm sản xuất Phân hữu cơ và nung vôi.

Thế nhưng, Hộ kinh doanh Công Nông lại được Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Dầu Tiếng xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường số 08/GXN-TNMT ngày 29/10/20211, trong đề án Bảo vệ môi trường do cơ sở Công Nông lập, bên cạnh quy trình sản xuất Vôi lại "có thêm quy trình sản xuất Đất đèn" và sản phẩm đầu ra là Vôi và Đất đèn. Lý giải điều này, Ông Cao Trọng Sỹ - Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Dầu Tiếng cho biết: "Qua kiểm tra hồ sơ của Hộ kinh doanh Cá thể Công Nông của ông Lê Hữu Thành, Ngành nghề kinh doanh theo giấy phép kinh kinh doanh là sản xuất phân hữu cơ, Nung vôi, tuy nhiên khi đăng ký môi trường tại Phòng Tài nguyên và Môi trường, Hộ kinh doanh có đăng ký quy trình sản xuất đất đèn (trang 6) của đề án bảo vệ môi trường, như vậy hộ kinh doanh đăng ký thiếu ngành nghề..." VÀ "quy trình sản xuất đất đèn: CaO (nung ở nhiệt độ trên 2500oC) → CaC2 + CO nguyên liệu sản xuất gồm đá vôi và than đá. Nguyên liệu đầu vào gần như giống nhau, quy trình nung cũng tương tự nhau, chỉ phát sinh bụi và khí thải, cơ sở xử lý đạt quy chuẩn cho phép trường khi thải ra môi trường..."

Mặt khác, Hộ kinh doanh Công Nông cũng được Chi Cục bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cấp Sổ đăng ký quản lý chủ nguồn thải chất thải nguy hại mã số QLCTNH: 74.001.794 ngày 04/01/2012.

Trả lời Phóng viên Tạp chí điện tử Công nghiệp môi trường, Ông Cao Trọng Sỹ - Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Dầu Tiếng cho biết: "Đối ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (mục đích sử dụng đất phải đúng theo quy định của Luật đất đai),và hồ sơ về môi trường (tùy theo quy mô, công suất mà phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch BVMT, đề án BVMT…)."

Vậy, vì sao Hộ kinh doanh Công Nông khi chưa thực hiện chuyển mục đích sang đất sản xuất kinh doanh; Không có ngành nghề kinh doanh lại được cấp có thẩm quyền "cấp phép" có liên quan về bảo vệ môi trường? Những hoạt động nói trên chẳng khác nào "bật đèn xanh" để cơ sở hoạt động, hay chí ít cũng tạo bình phong giúp doanh nghiệp đối phó với cơ quan truyền thông.

Kiến nghị, đề xuất

Tại Việt Nam, hộ kinh doanh có quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ nhưng lại có số lượng lớn, có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, khu vực hộ sản xuất kinh doanh cá thể và khu vực phi chính thức có khả năng giải quyết việc làm cho một bộ phận lớn dân cư, có tính linh hoạt trong hoạt động, sức sống mạnh mẽ; tăng trưởng của khu vực này rất nhiều tiềm năng...

Hộ kinh doanh Công Nông đã hoạt động nhiều năm, tuy còn thiếu nhiều điều kiện đối với lĩnh vực đang sản xuất, kinh doanh nhưng hằng năm vẫn có nhiều đóng góp trong tạo việc làm và kinh tế...vậy làm thế nào để đơn vị tiếp tục hoạt động, Tạp chí Công nghiệp môi trường kiến nghị một số nội dung như sau:

1. Kiến nghị Hộ kinh doanh Công Nông có đề xuất với UBND huyện Dầu Tiếng để: 1) Hoàn thiện thủ tục và các quy trình thực hiện việc chuyển mục đích sang đất sản xuất kinh doanh; 2) Bổ sung ngành nghề kinh doanh có sản phẩm là đất đèn; và 3) Hoàn thiện, bổ sung các nội dung có liên quan về đề án bảo vệ môi trường của cơ sở.

2. Trong trường hợp Hộ kinh doanh Công Nông không thể chuyển mục đích sang đất sản xuất kinh doanh, kiến nghị UBND huyện Dầu Tiếng có lộ trình di dời nhà xưởng đến nơi mới phù hợp hơn và kiên quyết đình chỉ cơ sở sản xuất khi chưa đáp ứng các quy định của pháp luật.

3. Kiến nghị lãnh đạo UBND huyện Dầu Tiếng có hành động quyết liệt, cụ thể đối với việc chính quyền địa phương, phòng chuyên ngành để Hộ kinh doanh Công Nông hoạt động trong thời gian dài khi cơ sở chưa đáp ứng các quy định của pháp luật nói chung và môi trường nói riêng

Một số hình ảnh tại Hộ kinh doanh Công Nông:

Bình Dương: “Hô biến” cơ sở sản xuất phân hữu cơ, nung vôi thành “đất đèn” nhưng vẫn đúng?
Quang cảnh máy móc sản xuất đất đèn tại cơ sở Công Nông mà Phòng Tài nguyên và Môi trường cho rằng giống nhau với nung vôi
Bài 1: Bình Dương: Cơ sở sản xuất đất đèn hoạt động “5 không”
Sản phẩm Đất đèn
Thanh Hà
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động