Các tỉnh thành miền Trung gấp rút ứng phó với bão Noru
Để ứng phó với bão Noru, thành phố Đà Nẵng đã triển khai các biện pháp phòng, chống bão. Phối hợp với lực lượng công an, quân đội hướng dẫn và hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, đưa tàu thuyền vào bờ neo đậu an toàn. UBND thành phố phát công điện khẩn đề nghị các sở, ngành, quận huyện tạm dừng các cuộc họp chưa thật sự cần thiết vào thời điểm này để tập trung lực lượng ứng phó với bão Noru.
Lực lượng công an TP Đà Nẵng tập trung lực lượng xuyên đêm để hỗ trợ, giúp đỡ người dân kịp thời ứng phó với bão trước khi đổ bộ vào đất liền. |
Cán bộ chiến sỹ lực lượng công an TP Đà Nẵng và các quận huyện, từ ngày 25/9 đã có mặt ở khắp nơi, đặc biệt là những khu vực ven biển, sông suối, vùng trũng, thấp, những nơi nhà cửa không kiên cố, các vùng có nguy cơ sạt lở ở huyện Hòa Vang để giúp đỡ người dân ứng phó với bão từ sớm. Lực lượng cảnh sát PCCC-CNCH công an thành phố cũng tập trung lực lượng kiểm tra các khu vực xung yếu như Âu thuyền cảng cá Thọ Quang, kiểm tra phương tiện cứu nạn, cứu hộ để sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Công an phường Thuận Phước khảo sát phục vụ di dân theo phương án và giúp đỡ nhân dân neo đậu tàu thuyền an toàn. |
Chiều 25/09, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng với Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Quảng và Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đã có buổi kiểm tra thực tế công tác ứng phó với bão Noru tại Âu thuyền Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà). Sau khi kiểm tra thực tế, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu, Đà Nẵng phải sẵn sàng các biện pháp ứng phó với bão Noru, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân khi bão đổ bộ, cương quyết không để ngư dân ở lại trên tàu, thuyền trước khi bão đổ bộ. Dự báo đây là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đi kiểm tra thực tế công tác ứng phó với bão Noru tại TP Đà Nẵng. |
Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Nam, để chủ động ứng phó với mưa bão, tỉnh đã có kế hoạch sơ tán hơn 400.000 người dân theo từng cấp độ của bão và yêu cầu các địa bàn hoàn thành sơ tán dân trước 9h ngày 27/9.
Theo chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, các địa phương cần kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực trên đảo, ven biển, ven sông, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của sóng lớn, những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét… Đảm bảo lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung. Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn việc chằng chống nhà cửa, trụ sở, kho tàng cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở lưu trú du lịch... để đảm bảo an toàn cho Nhân dân và khách du lịch.
Lực lượng xung kích vùng núi Nam Trà My (Quảng Nam) giúp đỡ nhân dân chằng chống nhà cửa, chủ động phòng tránh bão Noru. |
UBND tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉn, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển triển khai các phương án đảm bảo an toàn ngư dân và tàu cá hoạt động trong vùng nguy hiểm. Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển đã nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 0 giờ sáng nay 26/9 cho đến khi tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường.
Tại Quảng Ngãi và Bình Định, công tác ứng phó với diễn biến phức tạp của bão Noru cũng khẩn trương triển khai với nhiều phương án.
Để đảm bảo an toàn tàu, thuyền, lồng bè, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương ven biển, đảo dừng tất cả hoạt động tàu, thuyền (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại) từ 12h ngày 26/9 cho đến khi có thông báo chính thức về thời tiết ổn định; tuyệt đối không để người dân ở lại trên tàu, thuyền, lòng bè khi có sóng, gió lớn; Hoàn thành việc neo đậu, sắp xếp tàu, thuyền, lồng bè tại khu neo trú trước 08h00 ngày 27/9.
Đối với ứng phó mưa, lũ, sạt lở đất, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị tập trung kiểm tra, rà soát phương án ứng phó với tình huống mưa, lũ lớn và sạt lở núi, bờ sông, bờ biển. Tập trung sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng, thấp, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất, vùng có nguy cơ bị chia cắt đến nơi an toàn.