Cần đưa ra những chính sách và phương án quản lý nước tốt hơn

27/11/2020 20:15 Quản lý nguồn thải
Ngày 27/11/2020, Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) với sự đồng hành của Trung tâm Nghiên cứu Văn học Liên ngành (CIELAM, Đại học Aix-Marseille, CH Pháp) và Viện Nghiên cứu châu Phi - Trung Đông tổ chức hội thảo quốc tế “An ninh nước và quản lý các lưu vực sông” đồng thời ra mắt số 5-6 về chủ đề Môi trường của ấn phẩm Cộng đồng Pháp ngữ châu Á - Thái Bình Dương (FAP)”. 
can dua ra nhung chinh sach va phuong an quan ly nuoc tot hon

Hội thảo quy tụ sự tham gia của nhiều chuyên gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu có tiếng trong nước và quốc tế với kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực an ninh nước nói riêng và lĩnh vực môi trường nói chung.

Theo ông Nguyễn Hồng Thao, đại sứ, Phó Chủ tịch Ủy ban Luật pháp quốc tế tại Liên Hợp Quốc: "Việt Nam là đất nước có nguồn tài nguyên nước dồi dào, song mức độ tiếp cận nước sạch của người dân còn hạn chế và Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về an ninh nước. Vì vậy, cần đưa ra những chính sách và phương án quản lý nước tốt hơn".

Bà Lê Thị Vân Huệ, Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học quốc gia Hà Nội, cho rằng: "Nghiên cứu điển hình về phân biệt xã hội và tiếp cận nước sạch tại xã Văn Môn, tỉnh Bắc Ninh. Áp lực về nước do biến đổi khí hậu gây ra, tác động của áp lực về nước gây ra đối với các nhóm hộ gia đình khác nhau và tính dễ bị tổn thương của xã hội. Phân hóa xã hội và thích ứng ở cấp hộ gia đình thông qua thảo luận nhóm, phỏng vấn thông tin viên chủ chốt và phỏng vấn hộ gia đình. Thể chế ứng phó với áp lực về nước và đánh giá kết quả của các biện pháp thích ứng của thể chế".

Giáo sư Nguyễn Bá Diễn, Chủ tịch hội đồng quản lý Viện nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo đưa ra ý kiến: "Khủng hoảng sông Mekong là nguy cơ gây bất ổn khu vực và toàn cầu. Bốn quốc gia thuộc hạ nguồn của sông Mekong, Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đã và đang bị ảnh hưởng xấu (hạn hán, mất mùa, hủy diệt các hệ sinh thái...) bởi những hoạt động của Trung Quốc trên sông Mekong. Để đảm bảo các nguyên tắc đồng thuận đa phương và song phương về Mekong cần phải được đặt trong khuôn khổ rộng lớn của luật pháp quốc tế, đặc biệt là đối với vấn đề quản trị nước, tăng cường thực hiện một cách đầy đủ, thực chất, hiệu quả Hiệp định Mekong 1995. Xây dựng khung quy hoạch phát triển, tăng cường chia sẻ thông tin, số liệu trong lưu vực sông Mekong...".

"Đồng bằng châu thổ sông Mekong là một ví dụ điển hình cho những vấn đề mà tất cả những đồng bằng châu thổ khác của Đông Nam Á đã, đang và sẽ phải đối mặt. Việc nhấn chìm một phần lớn đồng bằng vào năm 2050, làm mực nước biển dâng lên tương đối khoảng 1m là điều chúng ta có thể nhận thấy ngay từ bây giờ. Các chiến lược giảm thiểu vấn đề này theo quan điểm kinh tế và con người cần được xem xét, nghiên cứu nghiêm túc". Ông Georges Vachaud, Giám đốc nghiên cứu danh dự - Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia (CNRS), Cộng hòa Pháp, bày tỏ.

Nước là tài nguyên quyết định sự sống và tồn tại của mọi dân tộc. Trong thế kỷ tới, vấn đề nước và an ninh nước sẽ trở thành vấn đề trung tâm với mọi quốc gia. Vấn đề an ninh nước liên quan đến hầu như mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, bao gồm: kinh tế (đặc biệt là nông, lâm, ngư nghiệp), an ninh quốc phòng, vấn đề chủ quyền và tranh chấp lãnh thổ, vấn đề giao thông đường thủy và di dân, vấn đề biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Vấn đề an ninh nước không thể giải quyết nếu không có cách tiếp cận tổng thể mang tính liên ngành dựa trên luật pháp quốc tế, chiến lược và chính sách quản lý, sự hình thành và bảo vệ các quy tắc luật pháp quốc tế cũng như các cam kết đa phương.

Bên cạnh đó, cần phải nhấn mạnh tầm quan trọng của ý thức dân chúng, tính năng động của các tổ chức xã hội, cam kết và trách nhiệm của các cường quốc, các định chế đa biên. Và không thể không nói đến vai trò của giáo dục, các tổ chức nghiên cứu. Việt Nam là một quốc gia với hệ thống sông ngòi dày đặc, có nguồn tài nguyên nước rất phong phú. Mặt khác, Việt Nam là một trong mười nước được dự báo sẽ chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu. Trong thời gian gần đây, những hoạt động kinh tế của các quốc gia láng giềng cũng như tranh chấp lãnh hải trên biển Đông đang đặt ra vấn đề phức tạp.

Trong bối cảnh đó, IFI kết hợp với các cơ quan nghiên cứu tại Việt Nam và trên thế giới tổ chức hội thảo quốc tế "An ninh nước và quản lý các lưu vực sông" với kỳ vọng đưa ra một bức tranh hiện thực, toàn diện và đáng tin cậy về vấn đề quan trọng bậc nhất này. Đó cũng là cơ sở để Việt Nam xây dựng một chiến lược tổng thể nhằm bảo vệ nguồn nước bền vững, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ vì một tương lai tươi sáng của Việt Nam cũng như khu vực và thế giới.

Minh Châu
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động