Cần làm rõ những phản ánh về vi phạm tại khu vực bến phà Thọ An

30/09/2019 11:37 Tăng trưởng xanh
Hoạt động khai thác bến phà qua sông có nhiều vi phạm về mức phí, bến bãi tập kết cát ngang nhiên hoạt động không phép trong nhiều năm... Theo người dân, những vi phạm trên tại khu vực bến phà Thọ An thuộc xã Thọ An, huyện Đan Phượng (Hà Nội) đang khiến dư luận địa phương bức xúc.
Hà Nội: Xóa bỏ các bến bãi tập kết cát, sỏi trái phép
can lam ro nhung phan anh ve vi pham tai khu vuc ben pha tho an

Theo phản ánh, người, phương tiện qua phà Thọ An đều bị thu phí cao hơn quy định và không được phát vé.

Thời gian qua, Ban Bạn đọc - Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam liên tục nhận được thông tin phản ánh về những vi phạm kéo dài tại khu vực bến phà Thọ An. Quá trình tìm hiểu của phóng viên cho thấy, những nội dung phản ánh hoàn toàn có cơ sở. Cụ thể, theo phản ánh của người dân, chủ kinh doanh phà tại bến phà Thọ An thường xuyên thu phí vượt quy định, không có vé (hoặc biên lai thu tiền), có dấu hiệu trốn thuế...

Ghi nhận chiều ngày 17/9 và chiều 18/9, tất cả những phương tiện qua phà ngang sông tại bến đò Thọ An, chiều Thọ An (Đan Phượng) đi Chu Phan (Mê Linh) đều bị cá nhân kinh doanh phà thu tiền nhưng không xé vé, trong khi theo quy định, hành khách phải mua vé, soát vé rồi mới được xuống phà. Đặc biệt, mức tiền thu tại bến đò Thọ An đều cao hơn nhiều lần mức quy định của UBND thành phố Hà Nội. Cụ thể, Quyết định số 57/2016/QĐ-UBND ngày 31/12/2016 của UBND thành phố Hà Nội quy định về giá dịch vụ đò, phà ngang trên địa bàn thành phố Hà Nội nêu rõ: giá dịch vụ sử dụng đò ngang qua sông là 1.000 đồng/người/lượt. Tuy nhiên, mức thu tại bến đò Thọ An là 10.000 đồng/người/lượt; cao gấp 10 lần so với quy định. Tương tự, quy định mức phí đối với người và xe máy là 4.000 đồng/người + xe máy (kể cả xe máy điện) thì mức thu tại đây là 15.000 đồng/người + xe máy. Còn đối với ô tô dưới 10 chỗ, mức thu thực tế tại bến phà Thọ An là là 60.000 đồng/xe/lượt trong khi theo quy định là 30.000 đồng/xe/lượt. Theo phản ánh của người dân, với tần suất trung bình mỗi ngày có 12 - 16 chuyến phà, mỗi chuyến có từ 15 - 20 người, phương tiện thì rõ ràng khoản chênh lệch do việc thu phí sai quy định tại bến phà Thọ An không hề nhỏ. Với việc thu phí nhưng không có vé, dư luận đặt câu hỏi có hay không việc người kinh doanh dịch vụ phà ở đây “trốn” thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước?.

Bên cạnh đó, việc chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn giao thông đường thủy cũng bị coi nhẹ khi hành khách đi phà hoàn toàn không được trang bị áo phao hay các phương tiện cứu hộ theo quy định của cơ quan chức năng. Anh Nguyễn Văn T, một người dân ở huyện Mê Linh thường xuyên đi lại qua phà cho biết: “ Không hiểu quy định như thế nào, nhưng bến phà này chẳng thấy niêm yết giá, thu tiền nhưng cũng chẳng bao giờ thấy bán vé, hay xé vé gì. Họ bảo bao nhiêu thì tôi đưa bấy nhiêu. Trong khi ở phía bên kia sông, cũng thuộc thành phố Hà Nội nhưng họ luôn niêm yết giá vé và phát vé đầy đủ”. Được biết, bến đò Thọ An được UBND xã Thọ An họp và giao cho đơn vị ông Đào Khắc Độ có địa chỉ tại phố Thụy Ứng - Thị trấn Phùng - huyện Đan Phượng - TP.Hà Nội, Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh số 03S8003820 quản lý, sử dụng, từ ngày 17/10/2017.

Đặc biệt, cũng theo nội dung phản ánh, tại khu vực bến phà Thọ An còn có một bãi tập kết cát hoạt động không phép, gây ảnh hưởng đến hành lang an toàn đê điều. Hiện nay, dù trong mùa mưa bão nhưng theo quan sát của phóng viên, tại khu vực bãi này xe ra vào chở cát vẫn rất tấp nập...

can lam ro nhung phan anh ve vi pham tai khu vuc ben pha tho an
Bãi tập kết cát tại khu vực bến phà Thọ An hoạt động ngang nhiên dù không được cấp phép.

Để có thông tin đầy đủ, phóng viên đã liên hệ với UBND xã Thọ An về các vấn đề trên. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trần Quyết, Chủ tịch UBND xã Thọ An, huyện Đan Phượng cho biết: Bến phà Thọ An có đầy đủ giấy phép, do ông Đào Khắc Độ đang quản lý và hoạt động vận tải. “Về các vi phạm liên quan đến thu phí, phát vé của hộ ông Độ, chúng tôi sẽ cho anh em kiểm tra lại và nhắc nhở, xử lý nếu đúng là họ chấp hành không nghiêm các quy định”.

Đối với bãi tập kết cát, ông Nguyễn Trần Quyết cũng thừa nhận, đúng là đến nay bãi này chưa được cấp phép. Trước đây vị trí này có phép, năm 2017 thì giấy phép hết hạn. Hiện nay, bãi này đã được đưa vào quy hoạch của thành phố Hà Nội. Xã đang đề nghị huyện sớm hoàn chỉnh các thủ tục, hồ sơ để cấp phép theo quy định. Xác nhận thông tin này, một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng cũng cho biết: “Đến nay bãi tập kết ở xã Thọ An vẫn chưa được cấp phép tuy đã nằm trong quy hoạch”.

Xung quanh những thông tin nói trên, dư luận đang đặt câu hỏi, ai chịu trách nhiệm khi đơn vị khai thác bến phà Thọ An thu mức phí cao gấp 2,5 lần quy định? Vì sao đơn vị này lại thu tiền không xé vé? Cơ quan thuế căn cứ vào đâu để tính thuế? UBND xã Thọ An có trách nhiệm gì khi bãi tập kết cát trên địa bàn hoạt động không phép trong thời gian dài?

Đề nghị UBND thành phố Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và UBND huyện Đan Phượng sớm xác minh, làm rõ những thông tin liên quan đến vi phạm tại khu vực bến phà Thọ An, xã Thọ An.

Theo CPV
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động