Thái Nguyên: Công bố danh mục hồ, ao, đầm, không được phép san lấp

17/11/2023 12:36 Kinh tế, xã hội
Theo Quyết định 1784/QĐ-UBND ngày 28/7/2023 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc công bố danh mục hồ, ao, đầm, không được phép san lấp. Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 387 hồ, ao, đầm; trong đó, có 98 hồ do cấp tỉnh quản lý và 298 hồ, ao, đầm do cấp huyện quản lý.
Thái Nguyên: Công bố danh mục hồ, ao, đầm, không được phép san lấp
Hồ Bến Đông ở Phúc Thuận (Phổ Yên)

Giao nhiệm vụ bảo vệ hồ, ao, đầm

Bên cạnh việc công bố danh mục hồ, ao, đầm không được phép san lấp, Quyết định 1784 cũng đã quy định và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chức năng, các địa phương, tổ chức, cá nhân tùy theo chức năng nhiệm vụ, thực hiện nghiêm công tác bảo vệ hồ, ao, đầm.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đôn đốc các đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện quản lý hồ, ao, đầm không được san lấp theo quy định; kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định này theo quy định của pháp luật; tham mưu xử lý vi phạm nếu có; tổng hợp, định kỳ báo cáo công tác quản lý hồ, ao, đầm không được san lấp gửi UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định; tham mưu, trình UBND tỉnh điều chỉnh Danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp cho phù hợp với quy định phòng, chống ngập, úng, bảo vệ nguồn nước và mục tiêu quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn.

Với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, thống kê, cập nhật, đề xuất điều chỉnh, bổ sung Danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; thực hiện công tác quản lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo chặt chẽ không để xảy ra tình trạng san lấp hồ, ao, đầm trái phép; thẩm định, tham gia ý kiến thống nhất về các đồ án quy hoạch và các đề xuất dự án phải tuân thủ theo Quyết định này, pháp luật bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan; không điều chỉnh hồ, ao, đầm thành chức năng khác trong đồ án quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Về phía UBND các huyện, thành phố: Xác định vị trí, ranh giới các hồ, ao, đầm xây dựng phương án và tổ chức bảo vệ, quản lý theo quy định của pháp luật đối với công trình được giao quản lý; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ hồ, ao, đầm không được san lấp tại địa phương; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành chức năng liên quan thanh tra, kiểm tra, tham mưu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; định kỳ báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) tình hình quản lý, khai thác, sử dụng hồ, ao, đầm không được san lấp; rà soát, tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh Danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp cho phù hợp với mục tiêu phòng, chống ngập, úng, bảo vệ nguồn nước và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành, khai thác hồ, ao, đầm: Sử dụng hồ, ao, đầm đúng mục đích và tuân thủ các quy định về quản lý, bảo vệ hồ, ao, đầm không được san lấp; xây dựng phương án và tổ chức bảo vệ, quản lý các ao, hồ, đầm theo quy định của pháp luật; kiểm soát chặt chẽ các hành vi lấn chiếm hồ, ao, đầm trái phép và xả nước thải chưa qua xử lý vào hồ, ao, đầm trong danh mục không được san lấp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý sai phạm theo quy định của pháp luật; xác định vị trí, ranh giới các hồ, ao, đầm xây dựng phương án và tổ chức bảo vệ, quản lý theo quy định của pháp luật đối với công trình được giao quản lý; thường xuyên kiểm tra, rà soát các hồ, ao, đầm không được san lấp, sớm phát hiện ra những hư hỏng gây mất an toàn công trình, diện tích bị lấn chiếm (nếu có) để có biện pháp xử lý kịp thời nhằm đảm bảo an toàn công trình; không được thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác, vi sinh vật chưa được kiểm định và tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật vào hồ, ao, đầm. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân xả chất thải chưa qua xử lý vào hồ, ao, đầm thì tổ chức, cá nhân quản lý vận hành phải kịp thời kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trách nhiệm của cộng đồng dân cư: Nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ hồ, ao, đầm, không vi phạm hành lang bảo vệ công trình gây mất an toàn công trình; không xả chất thải chưa qua xử lý vào hồ, ao, đầm gây ô nhiễm nguồn nước; không san lấp hồ, ao, đầm sử dụng vào mục đích khác; tố giác các hành vi vi phạm các quy định về quản lý, khai thác, sử dụng hồ, ao, đầm không được san lấp; trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Thái Nguyên: Công bố danh mục hồ, ao, đầm, không được phép san lấp
Hồ Trũng Cài ở Vạn Phái (Phổ Yên)

Cần sớm cắm mốc giới cho hồ, ao, đầm

Ông Nguyễn Anh Khôi, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận (Phổ Yên), cho biết: Trên địa bàn xã có 03 hồ trong danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp; trong đó, 02 hồ thuộc cấp tỉnh quản lý (hồ Nước Hai và hồ Bến Đông) và 01 hồ thuộc thành phố Phổ Yên quản lý, đó là hồ Quyết Thắng. Hiện nay, các hồ trên vẫn do Trạm Khai thác các công trình thủy lợi Phổ Yên vận hành (chủ yếu là điều tiết nước). Hầu hết các hồ đều chưa được cắm mốc giới khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Ông Khôi lý giải: Vì chưa có mốc giới nên việc xác định sai phạm và xử lý sai phạm lấn chiếm lòng hồ rất khó thực hiện; đơn cử như việc, mắt thường thấy lòng hồ bị san lấp nhưng không có cơ sở để xử lý, không có ranh giới để xác định đâu là phần đất của hồ. Một phức tạp khác: Khi mua khô tới, mực nước trong hồ hạ thấp, người dân thường trồng cây, trồng rau xuống phía lòng hồ; khi mực nước dâng cao dẫn tới ngập úng cây cối, rau màu, người dân khiếu nại tới chính quyền, UBND xã không có cơ sở để giải quyết, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn,…

Những lý giải của đại diện UBND xã Phúc Thuận về những khó khăn gặp phải trong công tác quản lý hồ, ao, đầm rất có cơ sở. Để công tác quản lý hồ, ao, đầm được tốt hơn, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, các địa phương tùy theo phân cấp của mình, sớm triển khai việc cắm mốc giới cho các hồ, ao, đầm. Có như vậy, mục đích của Quyết định 1784/QĐ-UBND ngày 28/7/2023 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc công bố danh mục hồ, ao, đầm, không được phép san lấp sẽ đạt được yêu cầu đặt ra, đưa công tác phòng, chống ngập úng và bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh sẽ được tốt hơn.

Đình Hợi

THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO

Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động