Cần Thơ: Hướng đi mới trong xử lý rác thải

20/11/2020 08:10 Quản lý nguồn thải
Công tác phân loại rác thải tại nguồn của các địa phương trên địa bàn TP. Cần Thơ trong thời gian qua đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường (BVMT), đảm bảo chất thải rắn sinh hoạt trước khi thu gom.
Xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường Nhà máy xử lý chất thải rắn Cần Thơ
can tho huong di moi trong xu ly rac thai
Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai

Từ năm 2019, trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã thực hiện nhân rộng mô hình phân loại rác thải tại nguồn. Phân loại rác được thí điểm tại các phường Lê Bình (quận Cái Răng), phường Trà Nóc (quận Bình Thủy) và tất cả các phường trên địa bàn quận Ninh Kiều.

Rác thải sinh hoạt phân loại theo tiêu chí: phân loại chất thải rắn sinh hoạt không đốt được (kim loại, rác xây dựng, thủy tinh, gốm sứ...), chất thải rắn nguy hại (pin, thiết bị điện tử, bóng đèn, bình ga, bình ắc-quy...), chất thải rắn sinh hoạt đốt được (loại trừ thành phần rác không đốt được và chất thải rắn nguy hại nêu trên) phát sinh từ quá trình sinh hoạt của người dân. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt đốt được thu gom hằng ngày và vận chuyến đến khu xử lý của Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai; chất thải rắn sinh hoạt không đốt được thu gom hằng ngày và vận chuyển đến khu xử lý chất thải rắn quận Ô Môn; chất thải rắn nguy hại được thực hiện phân loại và xử lý riêng tại khu xử lý chất thải rắn của nhà máy xã Trường Xuân, huyện Thới Lai...

Việc phân loại rác thải tại nguồn còn góp phần đem lại hiệu quả hoạt động của Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ được xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động từ tháng 10/2018. Đến nay, nhà máy đã hoàn thành 5 công trình BVMT, gồm: công trình thu gom và xử lý nước thải; công trình xử lý bụi, khí thải; công trình lưu giữ, xử lý chất thải rắn thông thường; công trình và thiết bị lưu giữ chất thải nguy hại và các công trình, biện pháp BVMT khác. Nhà máy cũng được xác nhận hoàn thành chương trình quan trắc môi trường gồm giám sát chất lượng nước thải định kỳ, giám sát khí thải và giám sát bùn thải từ hệ thống xử lý nước rỉ rác.

Việc thu gom, xử lý rác thải được các ngành, các cấp từ thành phố đến các phường, xã, thị trấn quan tâm thực hiện, vận động người dân chấp hành nghiêm quy định BVMT, thực hiện thu gom, giao rác sinh hoạt đúng quy định. Nhiều phong trào, mô hình do các tổ chức, hội, đoàn thể thực hiện đạt hiệu quả. Ở quận Thốt Nốt và quận Bình Thủy, Ô Môn, Cái Răng thực hiện mô hình “Khu dân cư tự quản BVMT”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”... Các mô hình này thực hiện theo hình thức mở rộng dân chủ, người dân tham gia thảo luận, đề xuất các tiêu chí và bổ sung nội dung BVMT vào quy ước để cùng nhau thi đua thực hiện. Các hộ dân thực hiện cam kết mỗi nhà có giỏ đựng rác, đổ rác đúng quy định hoặc chôn đốt rác, phân loại rác thải; chăn nuôi gia súc có hố xử lý phân; sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường... Đội Tự quản BVMT tại khu dân cư của các phường thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở nhân dân thực hiện tốt những điều cam kết này. Người dân hăng hái cùng chính quyền địa phương giữ gìn vệ sinh chung, phân loại rác thải giao cho đơn vị thu gom, đóng góp kinh phí nạo vét cống thoát nước, đào hố chôn rác và thu gom rác trong khu dân cư... Từ những việc làm này, từng khu vực trong địa phương đã trở thành khu vực đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường.

Thúy Hà
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động