Cảnh sát môi trường phải bố trí cán bộ trực ban 24/24 giờ

24/07/2019 09:10 Chính sách - Pháp luật
Bộ Công an đang dự thảo Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác của Cảnh sát môi trường nhằm phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.

Cảnh sát môi trường phải bố trí cán bộ trực ban 24/24 giờ

Hình minh họa


Dự thảo nêu rõ những việc Cảnh sát môi trường phải thông báo công khai gồm: Trụ sở, nơi làm việc của Cảnh sát môi trường; số điện thoại trực ban đơn vị, người có thẩm quyền giải quyết các đơn, thư, tin báo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.
Khi thực hiện nhiệm vụ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát môi trường phải thông báo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho đối tượng làm việc biết để họ chấp hành (trừ những nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác).
Các đơn vị của Cảnh sát môi trường phải có hòm thư góp ý công khai, đặt ở nơi thuận tiện để tiếp nhận đơn, thư góp ý kiến xây dựng đơn vị hoặc khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.
Trách nhiệm của Cảnh sát môi trường
Cảnh sát môi trường có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân giải trình về những hành vi có dấu hiệu tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; cung cấp thông tin, tài liệu, đồ vật làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.
Cảnh sát môi trường có trách nhiệm sử dụng các lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an để phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; phát hiện nguyên nhân, điều kiện phạm tội và các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; kiến nghị với các cơ quan, tổ chức để có kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, khắc phục.
Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát môi trường khi tiếp xúc, làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân phải giữ đúng lễ tiết tác phong, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Dự thảo cũng quy định những việc cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát môi trường không được làm là: Không được tiết lộ bí mật, tin tức, tài liệu vụ việc đang điều tra, xác minh khi chưa được phép công khai đối với những người không có trách nhiệm dưới bất kỳ hình thức nào; không được lợi dụng danh nghĩa công tác đến các cơ quan, tổ chức hoặc gặp riêng cá nhân để sách nhiễu, móc ngoặc, tiêu cực, không được nhận quà biếu dưới mọi hình thức.

KL
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động