Chính sách kiểm soát ô nhiễm không khí và giảm phát thải khí nhà kính
Giải quyết vấn nạn ô nhiễm không khí: Chuyện không của riêng ai |
Khuyến khích phát triển các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường nhằm giảm phát sinh khí thải. |
Để kiểm soát ô nhiễm không khí, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2016 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 phê duyệt Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Đồng bộ với các giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí, giảm phát thải khí nhà kính, Chính phủ, Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và các địa phương đã ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường nhằm giảm phát sinh khí thải và khí nhà kính:
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ sửa đổi Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Trong đó có các quy định sửa đổi, bổ sung thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với linh kiện ô tô nhập khẩu theo Chương trình ưu đãi thuế giai đoạn 2018-2022. Cụ thể, bổ sung chủng loại xe ô tô thân thiện môi trường được áp dụng chương trình ưu đãi, bổ sung xe ô tô thân thiện môi trường được ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện.
Trong chỉ đạo mới nhất về giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu: Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành địa phương đánh giá kết quả thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường không khí; Bộ Giao thông Vận tải thúc đẩy giải pháp giảm phát thải từ giao thông như thúc đẩy dùng năng lượng sạch, có biện pháp khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng, đẩy mạnh vận tải hàng hóa đường bộ sang đường sắt và đường biển; Bộ Xây dựng đẩy mạnh kiểm tra, đánh giá việc bảo vệ môi trường các công trình xây dựng; Bộ Công thương tăng cường kiểm soát các nhà máy có phát thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như nhiệt điện than, thép, hóa chất, phân bón hóa học. Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu hai thành phố là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu, đánh giá toàn diện chất lượng môi trường không khí trên địa bàn, triển khai đồng bộ các giải pháp để hạn chế, giảm thiểu nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí xung quanh, đặc biệt đẩy nhanh việc xây dựng kế hoạch, lộ trình và thực hiện di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm có nguồn gốc phát thải cao ra khỏi khu vực đô thị hoặc khu dân cư tập trung, thực hiện các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, lắp đặt bổ sung các trạm quan trắc môi trường, hoàn thiện hệ thống cung cấp thông tin về môi trường làm cơ sở cảnh báo, khuyến cáo người dân về chất lượng môi trường không khí. UBND các tỉnh/thành phố kiểm soát chặt chẽ nguồn phát sinh chất thải, nhất là từ các phương tiện giao thông vận tải hoạt động các ngành công nghiệp, xây dựng, dân sinh,...
Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường không khí; thiết lập hệ thống thông tin, tổng hợp số liệu quan trắc, đánh giá chất lượng không khí qua trang thông tin điện tử chính thức và phần mềm ứng dụng Envisoft, từ đó đưa ra cảnh báo, khuyến nghị để người dân biết và phòng tránh, bảo vệ sức khỏe.
Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành các chính sách, tiêu chuẩn và quy chuẩn đối với phương tiện giao thông cơ giới lắp động cơ điện như: Thông tư số 41/2013/TT-BGTVT ngày 05 tháng 11 năm 2013 của Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện; Thông tư số 19/2014/TTBGTVT ngày 28 tháng 5 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2013/TT-BGTVT ngày 05 tháng 11 năm 2013 của Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện; các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về động cơ, ắc quy sử dụng cho xe điện.
Bộ Tài chính đã ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường như Thông tư số 212/2015/TT-BTC ngày 31/12/2015 hướng dẫn chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động bảo vệ môi trường, Thông tư số 128/2016/TT-BTC ngày 09/8/2016 quy định miễn, giảm thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải,… hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường…
Tuy nhiên, chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô chỉ áp dụng cho các loại xe chạy xăng/dầu (gồm xe dưới 9 chỗ, dung tích xi lanh từ 2.500 cm 3 trở xuống, xe minibuyt, xe buýt/xe khách, xe tải), chưa áp dụng đối với xe thân thiện môi trường như xe chạy điện, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe hybrid.
Từ năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung sửa đổi và cụ thể hóa các nội dung quản lý chất lượng không khí, chính sách thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét trong kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tổ chức vào tháng 5 năm 2020. Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đã bổ sung một số điều khoản quy định chi tiết về trách nhiệm của các bộ, ngành trong công tác quản lý môi trường không khí; ưu đãi, hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm sản phẩm thân thiện với môi trường để cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống cho cộng đồng.