Chuyển biến tích cực trong triển khai đóng cửa rừng tự nhiên
Lực lượng chức năng tuần tra, bảo vệ rừng.
Chuyển biến lớn từ nhận thức, hành động đến thực tiễn
Ngày 20-6-2016, tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên tổ chức tại Ðác Lắc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên. Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; nhận thức về trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đối với công tác quản lý bảo vệ rừng chuyển biến rõ nét, xã hội quan tâm sâu sắc hơn. Tiếp đó, ngày 12-1-2017, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chủ trương đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên cũng đã được Quốc hội thể chế tại Luật Lâm nghiệp năm 2017.
Từ năm 2017, Bộ NN và PTNT đã hướng dẫn không cấp chỉ tiêu khai thác chính gỗ rừng tự nhiên trên toàn quốc. Ðồng thời, phối hợp Bộ Tài chính hỗ trợ kinh phí cho các địa phương, chủ rừng sau khi thực hiện đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên trong bốn năm (2015-2018) hơn 332 tỷ đồng nhằm bù đắp lợi nhuận từ khai thác gỗ rừng tự nhiên, để các công ty có kinh phí đầu tư quản lý, bảo vệ rừng. Cùng với đó, các địa phương cũng không cấp phép khai thác tận dụng sau khai thác chính, kể cả gỗ đổ gãy, gỗ lóc lõi tồn trong rừng tự nhiên; dừng việc cấp chỉ tiêu khai thác gỗ gia dụng, chuyển sang cơ chế hỗ trợ khác và hỗ trợ vật liệu thay thế; giám sát chặt chẽ việc tận thu gỗ những diện tích rừng được phép chuyển mục đích sử dụng; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tận thu gỗ để khai thác rừng trái pháp luật.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên, Bộ NN và PTNT cũng đã áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Trong đó, hướng dẫn các địa phương tổ chức rà soát các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng trên địa bàn đúng quy định. Trong ba năm qua, bộ đã báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với 86 dự án trong tổng số 2.954 dự án do các địa phương đề nghị (chiếm 3%) trên địa bàn 22 tỉnh, với diện tích đề nghị chuyển mục đích là 1.489 ha trên tổng số 137 nghìn ha rừng do địa phương đề xuất (chiếm 1,9%), bao gồm: rừng tự nhiên 963 ha, rừng trồng 364 ha, đất chưa có rừng 164 ha; đồng thời chỉ đạo các địa phương, cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ, thanh tra, kiểm tra thường xuyên, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, vi phạm pháp luật về lâm nghiệp ngày càng giảm mạnh, độ che phủ của rừng cũng không ngừng tăng lên. Ba năm qua (2016-2018), bình quân mỗi năm cả nước phát hiện 16.980 vụ vi phạm lâm luật, giảm 35% so với bình quân 5 năm 2011-2015; diện tích rừng bị thiệt hại bình quân là 1.873 ha/năm, giảm 29% so với bình quân 5 năm 2011-2015. Riêng năm 2018, cả nước phát hiện 12.945 vụ vi phạm, giảm 3.577 vụ (tương ứng giảm 22%); diện tích rừng bị thiệt hại là 936 ha, giảm 515 ha (tương ứng giảm 35%) so với năm 2017. Các vụ vi phạm được phát hiện đều xử lý kịp thời, nghiêm minh, trong đó, xử lý hình sự 363 vụ. Như vậy, thực tế cho thấy, trong ba năm qua, việc ngăn ngừa, đấu tranh với hành vi vi phạm lâm luật, nhất là hành vi phá rừng trái pháp luật được các cấp, ngành quan tâm hơn, số vụ vi phạm và diện tích bị thiệt hại do phá rừng trái pháp luật trên cả nước giảm mạnh, công tác quản lý, bảo vệ rừng được chấn chỉnh một bước lớn.
Từ kết quả của việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, trong đó có vai trò lớn của việc thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên, diện tích rừng, độ che phủ rừng có chuyển biến lớn với nhịp độ tăng liên tục. Ðến hết năm 2018, tổng diện tích rừng cả nước là 14.484.055 ha, tăng 106.374 ha so với năm 2016. Ðộ che phủ rừng đạt 41,65%, tăng 0,46% so với năm 2016. Ba năm qua, cả nước trồng được 627.981 ha rừng; trong đó, rừng phòng hộ, đặc dụng là 44.538 ha, rừng sản xuất 577.220 ha. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tập trung tăng trưởng về lượng (năm 2016 là 17,5 triệu m3, năm 2017 là 18 triệu m3, năm 2018 là 18,5 triệu m3) và chất lượng cũng tăng, góp phần đáp ứng 75% nguyên liệu gỗ trong nước cho ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu. Ðiều đó cho thấy, kết quả đạt được trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, nhất là thực hiện chủ trương đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên ba năm qua là toàn diện và tích cực.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Bên cạnh những kết quả trên, công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn điểm nóng cần kiên trì, quyết liệt giải quyết, nhất là tình trạng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái pháp luật, tuy quy mô không lớn, nhưng thủ đoạn ngày càng tinh vi. Ðối với diện tích rừng do các công ty lâm nghiệp sau khi sắp xếp, chuyển giao về địa phương chưa được tổ chức quản lý hiệu quả, vẫn còn tình trạng phá rừng, tranh chấp đất đai. Một số doanh nghiệp, địa phương vẫn đề nghị được phép khai thác gỗ rừng tự nhiên để có kinh phí, giảm áp lực cho công tác bảo vệ rừng. Tình trạng quản lý rừng tại các dự án trên đất lâm nghiệp mặc dù được chấn chỉnh bước đầu, nhưng còn tiềm ẩn phức tạp. Ngoài ra, việc chậm được phê duyệt Ðề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2025, khiến các địa phương thiếu nguồn lực và căn cứ để xây dựng các dự án cơ sở, kế hoạch cụ thể. Một bộ phận cán bộ thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, thậm chí còn tiếp tay cho hành vi vi phạm.