Đà Nẵng: Nhân rộng đề án phân loại rác thải tại nguồn
Đà Nẵng: Tập huấn phân loại rác thải tại nguồn |
Đà Nẵng thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn - Ảnh: Lưu Hương |
Ngày 23/12, TP. Đà Nẵng tổ chức đánh giá kết quả giai đoạn 2017-2019 và đề xuất kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn Thành phố năm 2020.
Theo Sở Tài nguyên & Môi trường TP. Đà Nẵng, trung bình khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn Thành phố là hơn 1.100 tấn/ngày. Dự báo đến năm 2020-2025, con số này lên tới trên 1.800 tấn/ngày; giai đoạn năm 2025-2030 là hơn 2.400 tấn/ngày và hơn 3.000 tấn/ngày trong thời gian từ năm 2030-2040. Điều đó cho thấy, đô thị Đà Nẵng đang đối mặt với quá nhiều áp lực về vấn đề rác thải trong tương lai.
Nhằm giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 1577/QĐ-UBND ngày 11/4/2019 về ban hành Kế hoạch thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP. Đà Nẵng đến năm 2020, tỉ lệ rác tái chế, tái sử dụng là 12% và đến năm 2025 là 15%. Cùng với việc triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn do UBND TP. Đà Nẵng ban hành, trong thời gian từ 2017-2019, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tài trợ thực hiện dự án “Quản lý chất thải rắn nhằm thúc đẩy việc phân loại và tái chế TP. Đà Nẵng”. Dự án được triển khai thực hiện tại 4 phường của 2 quận gồm: Thạch Thang, Thuận Phước, quận Hải Châu và phường Thanh Khê Tây, Hòa Khê, quận Thanh Khê.
Thực hiện kế hoạch phân loại rác thải tại nguồn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp cùng các đơn vị, địa phương thực hiện công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Một số địa phương đã huy động được sự tham gia đóng góp của các doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế hưởng ứng và tài trợ cho công tác này thông qua các phương tiện, thiết bị phục vụ việc thu gom rác tại một số công trình công cộng. Có thể nói công tác tuyên truyền hướng dẫn thực hiện phân loại rác tại nguồn đã nhân được sự quan tâm của các cấp chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể nên người dân thành phố rất ủng hộ chủ trương tích cực này và sẵn sàng tham gia thực hiện.
Đến nay, đã có 100% các quận, huyện ban hành Kế hoạch địa phương, xác định nhu cầu trang thiết bị; 100% cán bộ đại diện tổ dân phố, khu dân cư của 56/56 phường, xã được truyền thông trực tiếp về phân loại rác; 03/07 quận, huyện đã triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn.
Năm 2019, dự án sử dụng hiệu quả hơn 13.000 túi đựng rác thải tái chế, cấp hơn 5.000 sổ tay tuyên truyền, ghi chép tại các hộ gia đình, gần 100 thùng thu gom rác thải nhựa 2 ngăn và 3 ngăn tại các cơ quan đơn vị trên địa bàn.
Theo kế hoạch, năm 2020, Đà Nẵng sẽ nhân rộng toàn Thành phố, trong đó chú trọng tổ chức đấu thầu, cung cấp tài liệu, trang thiết bị, xây dựng chương trình truyền thông hiệu quả cùng với thúc đẩy tiến độ trạm trung chuyển rác tập trung. Thành phố cũng phối hợp các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật để lồng ghép thực hiện kế hoạch 3R, phong trào chống rác thải nhựa với thành phố Yokohama trong việc đánh giá và xây dựng chuỗi tái chế rác giai đoạn 2; đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả các phường, xã tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình; 100% khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ quan, tổ chức thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; tỷ lệ về chất thải rắn sinh hoạt tái chế, tái sử dụng đạt ít nhất 12% vào năm 2020 và 15% vào năm 2025, 95% tổng lượng rác thải phát sinh được thu gom và xử lý; đảm bảo tất cả các khu dân cư, khu đô thị có điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải được quy hoạch, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; đáp ứng về phương tiện thu gom, vận chuyển, không để rơi vãi tại điểm tập kết và trên đường vận chuyển.