Đắk Song (Đắk Nông): Rừng phòng hộ bị thu hẹp, tác động đến môi trường chưa thể kiểm đếm

09/11/2022 08:54 Tác động môi trường
Dọc quốc lộ 14, từ xã Nâm N'Jang nối xã Trường Xuân huyện Đắk Song (Đắk Nông), một thực trạng kéo dài suốt nhiều năm qua, người dân bức tử hoàng loạt cây Thông có tuổi đời hàng chục năm, để rồi trên đất thuộc rừng phòng hộ là những vườn Cà phê, Tiêu, nhà tạm, nhà chòi...

Vai trò của rừng phòng hộ

Luật đất đai năm 2013 ghi nhận: Là loại rừng được sử dụng chủ yếu bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường, hạn chế xâm nhập mặn, chắn cát, chống nạn cát bay, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Được chia ra thành nhiều loại khác nhau bao gồm: rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển; rừng phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái. Tùy theo từng loại rừng mà chúng được xây dựng tại những vị trí khác biệt, giữ các chức năng nhất định.

Để làm mất rừng phòng hộ hay thu hẹp diện tích sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Động thực vật sẽ mất đi môi trường sống tự nhiên, làm đảo lộn hệ sinh thái. Khi không còn rừng, lũ lụt xuất hiện với tần suất ngày càng tăng lên và không diễn ra theo quy luật mà con người đã lường trước, đẩy con người vào cảnh mất nhà cửa, ruộng vườn canh tác, mất nguồn tài nguyên thiên nhiên .… và hậu quả cuối cùng chính là dẫn đến đói nghèo. Bên cạnh đó, người dân ở các đô thị cũng phải chịu cảnh phố xá ngập lụt vào mỗi mùa mưa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và quá trình lưu thông các phương tiện đi lại. Có thể thấy, rừng phòng hộ có vai trò vô cùng trọng yếu đối với đời sống của con người và các hệ sinh thái khác.

Bị thu hẹp và nguy cơ xóa sổ

Dọc theo quốc lộ 14, đoạn qua xã Nâm N'Jang, huyện Đắk Song (Đắk Nông), phóng viên Tạp chí Công nghiệp môi trường (Pv) ghi nhận hàng loạt cây Thông có tuổi đời hàng chục năm bị đốn hạ, nhiều cây Thông có đường kính từ 25-35cm, phần lớn cây Thông sau khi đốn hạ được cắt thành khúc dài khoảng 50-60cm, tiếp đó nhiều ha đất rừng cũng bị người dân lấn chiếm và thay vào đó là trồng cây Cà phê, cây Tiêu…

Đáng nói hơn, tại thời điểm Pv có mặt, Pv cũng bắt gặp cảnh tưởng “lâm tặc” ngang nhiên vận chuyển gỗ thông được cưa thành khúc ra ngoài và di chuyển trên quốc lộ 14 mà không bị cơ quan chức năng phát hiện?

Đắk Song (Đắk Nông): Rừng phòng hộ bị thu hẹp, tác động đến môi trường chưa thể kiểm đếm
Người dân đang vận chuyển hàng loạt gỗ thông đã được cắt ra khỏi rừng

Tại khu vực xã Trường Xuân, huyện Đắk Song (Đắk Nông), thực trạng trên cũng xảy ra tương tự, rất nhiều cây Thông bị đốn hạ không thương tiếc, nhiều nhà tạm, nhà chòi được xây dựng ngay trên đất rừng phòng hộ, xung quanh những căn nhà tạm đó là nguyên cả vườn cây tiêu, cây mít… được người dân trồng từ bao giờ?

Đắk Song (Đắk Nông): Rừng phòng hộ bị thu hẹp, tác động đến môi trường chưa thể kiểm đếm
Hàng loạt trụ tiêu và nhà tạm do người dân thực hiện trên đất rừng phòng hộ

Theo tìm hiểu, một người dân sống tại đây cho hay: Trước đây diện tích của rừng phòng hộ từ mép đường quốc lộ 14 xuống tận mép suối ( tức nguyên cả vách đồi), cũng có nơi chiều rộng của rừng chỉ cách mép đường quốc 14 chừng vài chục mét, sau này do các hộ dân có đất rãy giáp ranh với đất rừng, nên họ lấn chiếm để mở rộng phục vụ cho việc trồng cây cà phê, cây tiêu. Nhất là giai đoạn mấy năm trước tiêu được giá nên người dân tranh thủ chặt bỏ cây Thông để chiếm đất trồng tiêu

Khi được hỏi vì sao họ chặt phá cây Thông mà không bị cơ quan chức năng phát hiện? ông này chia sẻ với phóng viên: Để không bị cơ quan chức năng phát hiện, họ phải dùng thủ đoạn như khoan lỗ ở gốc cây và tiêm thuốc diệt cỏ, chờ sau thời gian khi cây Thông chết đi thì họ lại tiến hành đốt gốc, sau đó cây Thông tự đổ mà không ai nghi ngờ bị đốn hạ và thời gian hành động chủ yếu căn vào các dịp lễ, tết.

Vai trò quản lý và biện pháp khắc phục

Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm N'Jang (Đắk Song) cho hay: Rừng phòng hộ nằm trên địa bàn xã, thuộc xã quản lý về mặt hành chính, ngoài ra còn có lực lượng Kiểm lâm thường xuyên tuần tra kiểm soát, nếu phát hiện các đối tượng chặt phá tài sản thuộc rừng phòng hộ hay vận chuyển lâm sản từ rừng thì cả chính quyền xã và Kiểm lâm sẽ bắt giữ, lập biên bản thu giữ tang vật và xử lý theo pháp luật.

Đắk Song (Đắk Nông): Rừng phòng hộ bị thu hẹp, tác động đến môi trường chưa thể kiểm đếm
Pv trao đổi với ông Phạm Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm N'Jang (ngoài cùng bên trái)

Ông Nam cũng nhận định, hiện tại UBND xã đã xác định toàn bộ 86 căn nhà tạm và nhà chòi do người dân tự ý xây dựng trên đất rừng phòng hộ. Theo nắm bắt, hầu như các đối tượng chặt phá rừng xong quay lại chiếm đất để trồng cây tiêu, cà phê… Bên cạnh đó, Chính quyền xã cùng lực lượng Kiểm lâm đã tham gia bắt rất nhiều vụ chặt phá, vận chuyển gỗ thông, đồng thời đã báo lên cấp trên, chuyển hồ sơ lên cơ quan công an khởi tố một số vụ án vì đã có hành vi xâm hại đến tài sản của rừng phòng hộ. Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với Kiểm lâm rà soát những điểm trọng yếu có cây Thông bị chặt phá, có diện tích rừng bị xâm lấn để có biện pháp thu hồi, đồng thời sẽ lên phương án trồng lại các cây Thông nhỏ thay thế, nhằm đảm bảo độ che phủ của rừng phòng hộ.

Dựa vào những thông tin trên, mặc dù cơ quan chức năng đã có những biện pháp, chế tài đối với một số trường hợp có hành vi phá rừng, chiếm đất rừng phòng hộ…, song sự nỗ lực của cơ quan chức năng vẫn còn hạn chế trong công tác quản lý, các biện pháp xử lý chưa đủ tính răn đe đối với các đối tượng thực hiện hành vi phá, lấn chiếm đất rừng phòng hộ.

Để chấm dứt tình trạng trên, ngoài việc quản lý, xử lý đối tượng, cơ quan chuyên môn cần phải có những giải pháp tuyền truyền sâu rộng tại các địa phương, phân tích những hệ lụy từ việc mất rừng phòng hộ, từ đó người dân sẽ hiểu rõ hơn về vai trò to lớn của rừng phòng hộ.

Mạnh Chiến
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động