TP. Hồ Chí Minh

Đề xuất cấu trúc tổ chức hệ thống quản lý Nhà nước trong lĩnh vực chất thải

12/02/2020 00:00 Chính sách - Pháp luật
Việc xây dựng cấu trúc tổ chức hệ thống quản lý nhà nước trong lĩnh vực chất thải (môi trường) tại thành phố Hồ Chí Minh dựa trên cơ sở tình hình phát triển kinh tế - xã hội (hiện tại và tương lai), qui định của Chính phủ. Mặc dù nhiều điều khoản trong các văn bản pháp luật (Luật Bảo vệ Môi trường, các Nghị định và Thông tư) thiếu và đã “lạc hậu” so với tình hình phát triển của kinh tế và xã hội tại thành phố.

1. Một số đặc điểm mới của mô hình đề xuất

Phòng Quản lý chất thải về nguyên tắc nằm trong Chi cục Bảo vệ Môi trường nhưng do tính chất đặc thù của thành phố Hồ Chí Minh, Phòng Quản lý chất thải trong thời gian trước mắt vẫn cần được tách riêng để thực hiện các chương trình trọng điểm về quản lý chất thải đã đề ra trong giai đoạn 2011-2020 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Hệ thống quản lý nhà nước có sự hỗ trợ, hợp tác đắc lực của các tổ chức chính trị xã hội, các hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức khoa học.

Cơ quan quản lý về chất thải cấp quận/huyện cần có sự phối hợp đồng bộ với cơ quan quản lý cấp thành phố để từng bước nâng cao hiệu quả quản lý tại địa phương tiến đến việc quận huyện sẽ chủ trì thực hiện các chương trình dự án và quản lý chất thải tại địa phương mình.

Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố, các Công ty TNHH MTV DVCI các quận/huyện, các đơn vị cung ứng dịch vụ công phải trở thành các công cụ đắc lực cho chính quyền thành phố trong công tác xử lý chất thải.

2. Chức năng nhiệm vụ của các bộ phân liên quan

Căn cứ theo mô hình nêu trên, chức năng, nhiệm vụ cần thiết của các bộ phân liên quan cho công tác quản lý chất thải nói chung trên địa bàn thành phố được dự kiến như sau:

2.1 Chi cục Bảo vệ môi trường

Cấu trúc tổ chức của Chi cục Bảo vệ môi trường, chức năng nhiệm vụ và quyền hạn thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 12/2007/TTLT – BTNMT – BNV Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 81/2007/NĐ-CP ngày 23 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ qui định tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.

Đề xuất cấu trúc tổ chức hệ thống quản lý Nhà nước trong lĩnh vực chất thải
Cơ cấu tổ chức của Chi cục Bảo vệ môi trường

Chức năng, nhiệm vụ của Chi cục Bảo vệ môi trường

Chủ trì hoặc tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch, dự án, đề án về bảo vệ môi trường theo phân công của Giám đốc Sở; tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch, dự án, đề án liên quan đến chức năng, nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền ban hành, phê duyệt;

Tham mưu cho Giám đốc Sở hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ;

Tham mưu cho Giám đốc Sở trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố việc tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật; giúp Giám đốc Sở kiểm tra việc thực hiện các nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường sau khi được phê duyệt và triển khai các dự án đầu tư;

Giúp Giám đốc Sở phát hiện và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; trình Giám đốc Sở việc xác nhận các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã hoàn thành việc xử lý triệt để ô nhiễm môi trường theo đề nghị của các cơ sở đó;

Đánh giá, cảnh báo và dự báo nguy cơ sự cố môi trường trên địa bàn thành phố; điều tra, phát hiện và xác định khu vực bị ô nhiễm môi trường, báo cáo và đề xuất với Giám đốc Sở các biện pháp ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và phục hồi môi trường;

Làm đầu mối phối hợp hoặc tham gia với các cơ quan có liên quan trong việc giải quyết các vấn đề môi trường liên ngành, liên tỉnh và công tác bảo tồn, khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học theo phân công của Giám đốc Sở;

Giúp Giám đốc Sở xây dựng chương trình quan trắc môi trường, tổ chức thực hiện quan trắc môi trường theo nội dung chương trình đã được phê duyệt hoặc theo đặt hàng của tổ chức, cá nhân; xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường và xây dựng quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố; theo dõi, kiểm tra kỹ thuật đối với hoạt động của mạng lưới quan trắc môi trường ở địa phương;

Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, chủ trì hoặc tham gia thực hiện các dự án trong nước và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo phân công của Giám đốc Sở;

Tham mưu cho Giám đốc Sở hướng dẫn nghiệp vụ về quản lý môi trường đối với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, quận, và cán bộ địa chính – xây dựng xã, phường, thị trấn; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường theo phân công của Giám đốc Sở;

Theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố; phối hợp với Thanh tra Sở trong việc thực hiện thanh tra, phát hiện các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn và đề nghị Giám đốc Sở xử lý theo thẩm quyền; tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về môi trường theo phân công của Giám đốc Sở;

Quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức thuộc Chi cục theo phân cấp của Ủy ban nhân dân thành phố trực, Giám đốc Sở và quy định của pháp luật;

Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở giao.

Trong mô hình đề xuất, nhiệm vụ chính của Chi cục Bảo vệ môi trường trong thời gian trước mắt là quản lý chất lượng môi trường.

2.2 Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải (MBS)

Đề xuất cấu trúc tổ chức hệ thống quản lý Nhà nước trong lĩnh vực chất thải
Mô hình tổ chức của MBS

Chức năng, nhiệm vụ của MBS

Giúp Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức quản lý, điều hành hoạt động các Khu liên hợp xử lý chất thải của thành phố theo kế hoạch và quy hoạch được phê duyệt.

Xây dựng, theo dõi, triển khai và giám sát việc tổ chức thực hiện đúng quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 (trước đây là quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000) được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với các dự án đầu tư xử lý chất thải, các công trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bên trong các Khu liên hợp xử lý chất thải thành phố. Đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch chi tiết phù hợp với quy định, quy trình và thực tế áp dụng.

Tổ chức thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, chuẩn bị quỹ đất cho các dự án xử lý chất thải trong Khu liên hợp xử lý chất thải.

Thực hiện việc quản lý sử dụng đất với các dự án đầu tư về xử lý chất thải đã được giao đất trong các Khu liên hợp xử lý chất thải của thành phố theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của dự án được phê duyệt và theo đúng quy định của pháp luật về đất đai; Tổ chức, phối hợp và kiến nghị cấp thẩm quyền thu hồi quyền sử dụng đất, thuê đất đối với các dự án chậm triển khai đầu tư hoặc triển khai không đúng mục đích đầu tư theo quy định.

Tổ chức quản lý, xây dựng và khai thác có hiệu quả các công trình, cơ sở hạ tầng kỹ thuật (giao thông, điện, cấp thoát nước, trồng cây xanh)…trong các khu liên hợp xử lý chất thải của thành phố theo đúng theo quy hoạch được phê duyệt. Tổ chức lưu trữ hồ sơ thiết kế kỹ thuật và hồ sơ hoàn công công trình. Làm đầu mối tổ chức, hướng dẫn bàn giao cho các cơ quan có liên quan và đưa công trình vào khai thác sử dụng.

Tổ chức xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư trong ngoài nước đầu tư vào các dự án xử lý chất thải, tái chế, sử dụng năng lượng từ xử lý rác thải để phát điện ; tổ chức kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa hoặc trực tiếp làm chủ đầu tư ( theo yêu cầu của Sở) đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình, cơ sở hạ tầng kỹ thuật (giao thông, điện, cấp thoát nước, trồng cây xanh) trong các khu liên hợp theo đúng quy hoạch được phê duyệt.

Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải có trách nhiệm tổ chức công bố công khai nội dung các quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt theo quy định. Thực hiện việc cung cấp thông tin, giới thiệu địa điểm trong quá trình chuẩn bị đầu tư; hỗ trợ, giúp đỡ các nhà đầu tư về thủ tục đầu tư vào khu liên hợp xử lý chất thải theo đúng quy định để trình cấp có thẩm quyền để phê duyệt.

Tổ chức kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trong các khu liên hợp xử lý chất thải của thành phố theo đúng kế hoạch và tiến độ đề ra. Lập kế hoạch định kỳ phối hợp cùng các cơ quan liên quan kiểm tra quá trình thực hiện các dự án đầu tư trong khu liên hợp theo đúng hồ sơ dự án được phê duyệt; phát hiện và đề xuất biện pháp xử lý vi phạm pháp luật, các biện pháp chế tài cần thiết đối với các chủ đầu tư triển khai không đúng theo giấy chứng nhận đầu tư và quy hoạch chi tiết được duyệt.

Tổ chức thực hiện việc kiểm tra, giám sát, nghiệm thu việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải của các đơn vị hoạt động trong các khu liên hợp xử lý chất thải đảm bảo chính xác, đạt chất lượng và hiệu quả, đảm bảo yêu cầu về môi trường. Cụ thể:

a. Tổ chức kiểm tra, giám sát và quan trắc đánh giá chất lượng vệ sinh môi trường theo tiêu chuẩn do nhà nước quy định;

b. Điều phối khối lượng rác về các đơn vị xử lý đảm bảo đúng theo kế hoạch phân bổ của Sở TNMT;

c. Nghiệm thu khối lượng và đề xuất thanh toán khối lượng các loại chất thải đã xử lý có nguồn gốc do ngân sách thành phố chi trả hàng tháng và năm.

Kiểm tra, giám sát tình hình vệ sinh trên địa bàn thành phố, phát hiện các vi phạm liên quan về chất lượng vệ sinh đường phố, hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt, bùn hầm cầu, chất thải công nghiệp-chất thải nguy hại để trình đề xuất cấp thẩm quyền xử lý, xử phạt theo quy định.

Tổ chức thực hiện phòng chống cháy nổ và an toàn lao động trong các Khu liên hợp xử lý chất thải, báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm nếu co theo quy định.

Tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước thuộc ngành và lĩnh vực có liên quan.

Tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ công nhân viên trong các Khu liên hợp xử lý chất thải thành phố.

Báo cáo định kỳ, đột xuất với Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về tình hình quản lý, triển khai thực hiện, xây dựng và phát triển các khu liên hợp xử lý chất thải của thành phố.

Quản lý, điều hành các nghĩa trang và trung tâm hỏa táng trên địa bàn thành phố.

2.3 Phòng Quản lý chất thải

Với nhiệm vụ tham mưu tổng hợp cho Ban Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về công tác quản lý chất thải nói chung (bao gồm cả công tác quản lý chính sách và quản lý điều hành), Phòng Quản lý chất thải tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án trọng điểm về quản lý chất thải đã đề ra trong giai đoạn 2011 – 2020, đóng vai trò trung tâm trong hệ thống quản lý nhà nước lĩnh vực quản lý chất thải trên địa bàn TPHCM.

Đề xuất cấu trúc tổ chức hệ thống quản lý Nhà nước trong lĩnh vực chất thải
Mô hình tổ chức của phòng Quản lý chất thải

Chức năng nhiệm vụ của Phòng Quản lý chất thải

Chủ trì hoặc tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch, dự án về quản lý chất thải trên địa bàn thành phố; tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch, dự án, đề án liên quan đến chức năng, nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền ban hành, phê duyệt;

Tham mưu cho Giám đốc Sở hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia trong các hoạt động quản lý chất thải (lưu trữ, phân loại, tồn trữ, thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế và chôn lấp).

Tham mưu cho Giám đốc Sở trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt các chương trình, dự án, kế hoạch quản lý chất thải trên địa bàn thành phố; giúp Giám đốc Sở kiểm tra quá trình triển khai các kế hoạch, chương trình, dự án đó.

Làm đầu mối phối hợp hoặc tham gia với các cơ quan có liên quan trong việc giải quyết các vấn đề quản lý chất thải có tính chất liên ngành, liên tỉnh.

Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, chủ trì hoặc tham gia thực hiện các dự án trong nước và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý chất thải.

Điều tra, thống kê các nguồn thải, loại chất thải và lượng phát thải trên địa bàn thành phố; trình Giám đốc Sở hồ sơ đăng ký hành nghề, cấp mã số quản lý chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật; kiểm tra việc thực hiện các nội dung đã đăng ký hành nghề quản lý chất thải; làm đầu mối phối hợp với các cơ quan chuyên môn có liên quan và các đơn vị thuộc Sở giám sát các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trên địa bàn;

Tham mưu cho Giám đốc Sở hướng dẫn nghiệp vụ về quản lý chất thải đối với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, quận,; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý chất thải theo phân công của Giám đốc Sở;

Theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất thải trên địa bàn thành phố; phối hợp với Thanh tra Sở trong việc thực hiện thanh tra, phát hiện các vi phạm pháp luật về quản lý chất thải trên địa bàn và đề nghị Giám đốc Sở xử lý theo thẩm quyền; tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về chất thải theo phân công của Giám đốc Sở;

Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở giao.

Nhiệm vụ của mỗi bộ phận trong Phòng Quản lý chất thải dự kiến như sau:

Tổ quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Trực tiếp theo dõi, giám sát hoặc phối hợp với Phòng TNMT quận/huyện giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý chất thải đối với các đối tượng trong hệ thống quản lý chất thải rắn sinh hoạt (chủ nguồn thải rác sinh hoạt gồm hộ gia đình, khu dân cư, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, trường học, khu vui chơi giải trí; các tổ chức, cá nhân thu gom rác sinh hoạt; các đơn vị vận chuyển rác sinh hoạt, các đơn vị xử lý và chôn lấp rác sinh hoạt).

Phân công cán bộ phụ trách theo địa bàn quận/huyện

Lập và tổ chức triển khai kế hoạch điều tra, khảo sát thu thập số liệu về chất thải rắn sinh hoạt, phục vụ việc xây dựng cơ sở dữ liệu.

Lập kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình có liên quan đến chất thải rắn sinh hoạt (phân loại CTRSH tại nguồn, rác dân lập, thu phí vệ sinh…)

Triển khai kế hoạch xã hội hóa xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố.

Tổ quản lý CTRCN&CTNH và CTYT

Trực tiếp theo dõi, giám sát hoặc phối hợp với Phòng TNMT quận/huyện, Phòng Môi trường (Hepza) giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý chất thải đối với các đối tượng trong hệ thống quản lý CTRCN&CTNH (chủ nguồn thải CTRCN&CTNH và CTYT gồm các nhà máy SXCN, bệnh viện, cơ sở tiểu thủ công nghiệp, cơ sở y tế; các đơn vị được cấp phép hành nghề quản lý CTNH)

Đánh giá, thẩm tra hồ sơ và cấp, thu hồi, gia hạn giấy phép hành nghề quản lý CTNH, cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH theo quy định

Phân công cán bộ phụ trách theo địa bàn quận/huyện hoặc khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp.

Lập và tổ chức triển khai kế hoạch điều tra, khảo sát thu thập số liệu về CTRCN&CTNH, phục vụ việc xây dựng cơ sở dữ liệu.

Lập kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình có liên quan đến CTRCN&CTNH (phân loại CTRCN&CTNH tại nguồn, chương trình GPS, E-Manifest…)

Kêu gọi các dự án đầu tư xử lý CTRCN&CTNH trên địa bàn thành phố.

Theo dõi hệ thống chứng từ chất thải nguy hại theo quy định

Tổ quản lý CTRXD và bùn thải

Trực tiếp theo dõi, giám sát hoặc phối hợp với Phòng TNMT quận/huyện, Phòng Môi trường (Hepza) giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý chất thải đối với các đối tượng trong hệ thống quản lý chất thải rắn xây dựng và bùn thải (chủ nguồn thải CTRXD và bùn thải gồm các công trình xây dựng, các công trình dự án nạo vét cải tạo mạng lưới kênh rạch và hệ thống thoát nước, các trạm xử lý nước thải, các cơ sở phát sinh bùn thải; các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý CTRXD và bùn thải).

Phân công cán bộ phụ trách theo địa bàn quận/huyện hoặc khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp hoặc theo dự án

Lập và tổ chức triển khai kế hoạch điều tra, khảo sát thu thập số liệu về CTRXD và bùn thải, phục vụ việc xây dựng cơ sở dữ liệu.

Lập kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình có liên quan đến CTRXD và bùn thải

Kêu gọi các dự án đầu tư xử lý CTRXD và bùn thải theo cơ chế xã hội hóa trên địa bàn thành phố.

Tổ quản lý cơ sở dữ liệu

Trên cơ sở cung cấp thông tin của các Tổ quản lý chất thải, Tổ quản lý cơ sở dữ liệu tiến hành dánh giá, xử lý các số liệu, xây dựng và cập nhật dữ liệu về hệ thống quản lý chất thải nói chung trên địa bàn thành phố, thông tin về các đối tượng quản lý.

Xây dựng và quản lý website về hệ thống quản lý chất thải, quản trị cơ sở dữ liệu và an toàn mạng. Nghiên cứu xây dựng mạng kết nối giữa các đơn vị quản lý chất thải có liên quan (Phòng TNMT quận/huyện, Phòng Môi trường Hepza, các công ty đầu tư kinh doanh và khai thác hạ tầng KCN-KCX…)

Chủ trì vận hành hệ thống chứng từ điện tử chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại (chủ nguồn thải – thu gom – vận chuyển – xử lý).

Yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo đúng kỳ, và báo cáo đúng kỳ cho lãnh đạo phòng Quản lý chất thải và Sở Tài nguyên và Môi trường bằng các phương tiện điện tử (email, chứng từ điện tử…)

Cung cấp thông tin cho các bộ phận liên quan, phục vụ công tác quản lý điều hành của các Tổ chuyên môn.

Chuẩn bị, tiếp nhận lưu trữ hay số hóa công văn giấy tờ liên quan đến công tác của phòng Quản lý chất thải.

Tổ quản lý dịch vụ mai táng:

Thực hiện công tác quản lý nhà nước về nghĩa trang và trung tâm hỏa táng trên địa bàn thành phố theo đúng quy định pháp luật.

2.4 Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị

Với chức năng là doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích, có nhiệm vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị, xà bần; thu gom vận chuyển và xử lý chất thải y tế; đầu tư, quản lý, vận hành và duy tu nghĩa trang; thực hiện các dịch vụ vệ sinh khác theo chức năng nhiệm vụ được giao, công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố trong tương lai sẽ trở thành một công cụ đắc lực cho chính quyền thành phố trong công tác quản lý chất thải (về mặt kỹ thuật) với các đặc điểm nổi bật sau:

Với bề dày hơn 30 năm kinh nghiệm, công ty TNHH MTV Môi trường đô thị đã trở thành đơn vị chủ lực, chịu sự quản lý chỉ đạo trực tiếp của chính quyền thành phố trong công tác thu gom vận chuyển và xử lý chất thải.

Là đơn vị được trang bị đầy đủ nhất của thành phố đội ngũ nhân lực, phương tiện, thiết bị và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật (bô rác, trạm ép rác kín, trạm trung chuyển, các công trường xử lý rác…) cho công tác xử lý chất thải.

Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị là một đơn vị đi đầu trong việc xây dựng kế hoạch, điều phối lực lượng thu gom vận chuyển và xử lý rác, đảm bảo vận chuyển và xử lý toàn bộ khối lượng rác của thành phố, không để tồn đọng gây ô nhiễm môi trường.

Xử lý các tình huống bị động, sự cố về chất thải (các dự án chậm tiếp nhận rác, các công trường xử lý rác ngưng hoạt động do quá tải, các sự cố về môi trường phát sinh) một cách chủ động, hiệu quả bằng nhiều biện pháp vô điều kiện (các công ty tư nhân không thể thực hiện các biện pháp này hoặc có xu hướng đưa ra điều kiện và ràng buộc trong hợp đồng kinh tế khi giúp thành phố giải quyết sự cố)

Qua phân tích về sự cần thiết duy trì hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh xã hội hóa xử lý chất thải tại thành phố hiện nay và trong tương lai đồng thời để đảm bảo yêu cầu an ninh chất thải cho thành phố, việc duy trì và phát triển hoạt động của công ty TNHH MTV Môi trường đô thị trong hệ thống quản lý chất thải là rất cần thiết cho thành phố. Các nhiệm vụ trọng tâm của công ty cần tập trung thực hiện là :

Chuẩn bị tốt nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật, đảm bảo cho mọi hoạt động của hệ thống quản lý chất thải rắn, đặc biệt là hệ thống thu gom vận chuyển và xử lý chất thải luôn trong tình trạng sẵn sàng hoạt động;

Đầu tư thêm các công trình xử lý chất thải dự phòng cho thành phố;

Tăng cường công tác thu gom vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn thành phố.

2.5 Quỹ Tái chế

Theo Quy chế hoạt động, Quỹ Tái chế tham gia trong hệ thống quản lý chất thải của thành phố đóng vai trò như một tổ chức tài chính, là công cụ hỗ trợ về mặt tài chính (bằng nguồn vốn do ngân sách cấp và huy động) và kỹ thuật (hướng dẫn, chuyển giao công nghệ xử lý chất thải) cho các hoạt động quản lý chất thải tại thành phố.

Chức năng nhiệm vụ cụ thể của Quỹ Tái chế là :

Hỗ trợ, cho vay vốn để thực hiện các chương trình, đề án, dự án thử nghiệm, nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực quản lý, tái chế, tái sử dụng chất thải để giảm lượng chất thải vào môi trường;

Nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Bộ máy quản lý điều hành của Quỹ tái chế chất thải gồm có Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát và Ban điều hành. Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát và Ban điều hành Quỹ tái chế chất thải có trách nhiệm xây dựng điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt; đồng thời bảo đảm thực hiện các yêu cầu quản lý, điều hành tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng theo đúng mục tiêu, hiệu quả kinh tế - xã hội và các quy định có liên quan của Nhà nước và của Ủy ban nhân dân thành phố.

2.6 Phòng Tài nguyên và Môi trường quận/huyện

Thực hiện chức năng nhiệm vụ được quy định tại Nghị định 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận huyện.

Đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý chất thải tại địa phương

Chỉ đạo, quản lý và điều hành hệ thống thu gom vận chuyển chất thải trên địa bàn quản lý (thông qua UBND phường xã và công ty DVCI quận/huyện)

2.7 Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường cấp thành phố và quận/huyện

Tham mưu, đề xuất xây dựng các chủ trương, kế hoạch và các văn bản pháp luật về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường trên địa bàn thành phố.

Hướng dẫn, kiểm tra và tiến hành các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường trên địa bàn thành phố.

Tổ chức hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự và kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật khác về môi trường theo quy định của pháp luật.

Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về môi trường, về công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường trên địa bàn thành phố.

Sự tham gia của cộng đồng vào hệ thống quản lý nhà nước

Các tổ chức chính trị xã hội: Hội Liên Hiệp phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh, Mặt trận tổ quốc, Đoàn Thanh niên.

Các cơ quan truyền thông: Đài truyền hình, Đài Tiếng nói nhân dân, Báo chí…

Hiệp hội các doanh nghiệp

Tổ chức nghiên cứu khoa học : các Viện, Trường Đại học, các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường

Hiệp hội Tái chế chất thải

Quỹ bảo vệ môi trường./.

Tài liệu tham khảo: Định hướng quy hoạch xử lý chất thải rắn tại TPHCM đến 2020 tầm nhìn 2030

Nguyễn Hoàng
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động