Điện Biên: Lan toả mô hình “Nói không với rác thải nhựa”
Kết quả nghiên cứu về chất thải rắn, rác thải nhựa tại Việt Nam của WWF |
Cơ sở làm ống hút từ cây dương xỉ thay thế ống hút nhựa của gia đình ông Đào Xuân Quỳnh, bản Trung Tâm, xã Nà Tấu (huyện Ðiện Biên) |
Ðể phong trào “Chống rác thải nhựa” thực sự lan tỏa và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo cán bộ, hội viên, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHTP) thành phố Điện Biên đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường do sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy gây ra. Cụ thể hóa mục tiêu chống rác thải nhựa, nhiều giải pháp đã được Hội LHPN thành phố chú trọng triển khai, như: Tuyên truyền, vận động hội viên và người dân sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường. Hưởng ứng phong trào tại mỗi cơ sở Hội trên địa bàn, Hội đã xây dựng ít nhất 1 mô hình. Ðiển hình như Hội LHPN phường Noong Bua đã xây dựng mô hình “Làn nhựa đi chợ, tủ lạnh không túi nilon”; Hội LHPN phường Tân Thanh có mô hình “Thùng rác không túi nilon, tủ đông không rác thải nhựa”... Cùng với đó, Hội tiếp tục duy trì hiệu quả các mô hình phụ nữ ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Trong ngành giáo dục Điện Biên, cũng lan toả phong trào “Nói không với rác thải nhựa”. Đáng kể là đề tài “Tái chế túi nylon làm gạch lát đường nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường” do giáo viên và học sinh Trường THCS Him Lam, phường Noong Bua (TP. Ðiện Biên Phủ) triển khai đã đem lại hiệu quả tích cực, lan tỏa trong toàn trường.
Từ nguồn quỹ của nhà trường, giáo viên và phụ huynh cùng đóng góp, cô và trò đã thiết kế một hệ thống máy gồm: Nồi nấu, nắp chụm hút khí thoát ra để tái chế, ống dẫn kim loại, bình lọc khí, khuôn tạo gạch để tái chế túi nylon. Sau khi đưa vào hoạt động, máy đã phát huy tác dụng tốt trong việc nấu, tái chế túi nylon thành gạch lát đường.
Hay một sáng kiến khác là dùng cây dương xỉ làm ống hút thay thế ống hút nhựa của ông Ðào Xuân Quỳnh, bản Trung Tâm, xã Nà Tấu (huyện Ðiện Biên). Ông Quỳnh đã bắt tay vào sản xuất và bán ra thị trường các vật dụng làm từ cây dương xỉ kết hợp với ngành nghề truyền thống của dân tộc Lào tại địa phương.
Quy trình sản xuất loại ống hút này cũng đơn giản: vào thời điểm từ thu sang đông, ông lên rừng chọn những cây dương xỉ trưởng thành đem về rút phần ruột bên trong, vệ sinh sạch sẽ. Sau đó, sấy khô và đóng gói, bảo quản trong túi hút chân không, có thể tái sử dụng nhiều lần nếu được tẩy rửa vệ sinh tốt. Sau thời gian sản xuất thí điểm, trung bình một lao động có thể sản xuất từ 1.000 đến 1.500 ống/tháng, với giá bán 600 đồng/ống. Sản phẩm hiện nay được nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ cà phê, giải khát trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ, Hà Nội ưa chuộng và đặt mua với số lượng lớn.
Để phong trào “Chống rác thải nhựa” tiếp tục lan tỏa, hiệu quả lâu dài, thì rất cần sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, đoàn thể, nhân dân trong việc hạn chế dùng sản phẩm nhựa sử dụng một lần nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình, bảo vệ môi trường.