Định hướng phát triển các khu công nghiệp của tỉnh Ninh Bình đến năm 2030

18/09/2024 07:10 Kinh tế, xã hội
Định hướng đến năm 2030 tỉnh Ninh Bình sẽ có thêm 04 khu công nghiệp mới với tổng diện tích khoảng 1.380 ha, đưa số khu công nghiệp của tỉnh Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận lên 11 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 2.790 ha.

Căn cứ thực trạng và yêu cầu phát triển, UBND tỉnh Ninh Bình đã xây dựng, ban hành các Nghị quyết, Kế hoạch cụ thể về phát triển và quản lý khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trong đó xác định phương hướng phát triển và quản lý các khu công nghiệp (KCN) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, cụ thể:

1. Bổ sung thành lập mới 04 KCN: Bổ sung vào danh mục quy hoạch khu công nghiệp của tỉnh thêm 04 khu công nghiệp mới với tổng diện tích khoảng 1.380 ha, đưa số khu công nghiệp của tỉnh Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận lên 11 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 2.790 ha. Trong đó 04 khu công nghiệp bổ sung mới là KCN Gián Khẩu II (huyện Gia Viễn), diện tích quy hoạch 495 ha; KCN Phú Long (huyện Nho Quan), diện tích 485 ha; KCN Xích Thổ (huyện Nho Quan), diện tích 150 ha và KCN Yên Bình (huyện Yên Mô), diện tích 250 ha. Trong đó giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung hoàn thiện quy hoạch và triển khai thu hút nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN Phú Long, Tam Điệp II và Khu 35ha mở rộng KCN Gián Khẩu (KCN Phú Long và KCN Gián Khẩu II định hướng xây dựng là KCN - Đô thị - Dịch vụ).

Giai đoạn đến năm 2030 và các năm tiếp theo tập trung hoàn thiện quy hoạch, triển khai thu hút nhà đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng KCN Gián Khẩu 2, KCN Yên Bình, KCN Kim Sơn và KCN Xích Thổ, tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

Định hướng phát triển các khu công nghiệp của tỉnh Ninh Bình đến năm 2030
Khu công nghiệp Gián Khẩu, tỉnh Ninh Bình.

2. Tiếp tục rà soát, đầu tư hoàn thiện hạ tầng 05 KCN đã đi vào hoạt động, đáp ứng tốt nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư; tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chọn lọc các nhà đầu tư sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, tiên tiến hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm đất, năng lượng, lao động hợp lý, có doanh thu lớn và đóng góp nhiều vào ngân sách nhà nước.

Trong đó, tập trung thu hút nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN đồng bộ, hiện đại, thu hút ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp phụ trợ, sản xuất điện tử, công nghiệp chế biến, chế tạo và logistic.

3. Tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án sớm triển khai xây dựng, đi vào hoạt động. Chủ động rà soát, xử lý nghiêm các dự án cố tình không triển khai, không có khả năng triển khai, chậm tiến độ theo quy định.

4. Chỉ đạo rà soát, kiện toàn, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, bộ máy hoạt động của Ban Quản lý các KCN và Công ty Phát triển hạ tầng KCN theo quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý KCN và KKT, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; trong đó, Công ty Phát triển hạ tầng KCN chuyển mô hình hoạt động thành đơn vị sự nghiệp có thu, tự chủ kinh phí toàn bộ với chức năng quản lý, vận hành cơ sở hạ tầng các KCN do nhà nước đầu tư và tư vấn hỗ trợ phát triển công nghiệp cho các nhà đầu tư thứ cấp.

5. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, lao động; tạo môi trường công khai, minh bạch, thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai, vận hành các dự án đảm bảo hiệu quả.

6. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, ngành trong công tác quản lý các khu công nghiệp. Thực hiện có hiệu quả quy chế quản lý nhà nước, quy chế phối hợp của các sở, ban ngành và chính quyền địa phương trong quản lý các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đông Hải
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động