Dự thảo Quy định về mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia

16/03/2020 11:11 Chính sách - Pháp luật
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân xây dựng dự thảo Thông tư quy định về mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia.
Ra mắt mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia (VNGEONET)
du thao quy dinh ve mang luoi tram dinh vi ve tinh quoc gia
Trạm định vị vệ tinh quốc gia bao gồm: Trụ mốc, thiết bị thu GNSS, nguồn cấp điện, truyền dữ liệu, hệ thống chống sét và các thiết bị phụ trợ khác.

Theo dự thảo, trạm định vị vệ tinh quốc gia được xây dựng phủ trùm trên cả nước theo quy hoạch do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt; được thiết lập trong hệ tọa độ quốc gia VN-2000, hệ độ cao quốc gia và hệ tọa độ ITRF.

Trạm định vị vệ tinh quốc gia được thiết kế, xây dựng đồng bộ, thống nhất đảm bảo sự hoạt động ổn định, lâu dài. Trạm định vị vệ tinh quốc gia bao gồm: 1- Trạm tham chiếu cơ sở hoạt động liên tục: Gồm 24 điểm phân bố đều trên phạm vi toàn quốc có khoảng cách trung bình giữa các trạm từ 150 - 200km được sử dụng để phục vụ xây dựng hệ tọa độ quốc gia, hệ tọa độ quốc gia động, liên kết hệ tọa độ quốc gia với hệ tọa độ quốc tế phục vụ nghiên cứu khoa học, cung cấp số cải chính giá trị tọa độ, độ cao cho hoạt động đo đạc và bản đồ, dẫn đường; 2-Trạm tham chiếu hoạt động liên tục: Được tăng dày giữa các trạm tham chiếu cơ sở hoạt động liên tục với khoảng cách trung bình giữa các trạm từ 50 – 70km được sử dụng để cung cấp số cải chính giá trị tọa độ, độ cao cho hoạt động đo đạc và bản đồ, dẫn đường.

Dự thảo nêu rõ, mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia phải có khả năng mở rộng, nâng cấp, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin dữ liệu.

Tên của trạm định vị vệ tinh trong mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia được lấy theo tên địa danh tại khu vực đặt trạm. Số hiệu trạm định vị vệ tinh dài 09 ký tự cả số và chữ cái, là duy nhất, không trùng lặp.

Việc lựa chọn vị trí xây dựng trạm định vị vệ tinh quốc gia phải đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật đảm bảo sự phù hợp và tính thống nhất trong toàn bộ mạng lưới.

Để lựa chọn được vị trí chính thức xây dựng trạm định vị vệ tinh quốc gia phải thực hiện tuần tự theo các bước cơ bản sau: thiết kế sơ bộ, khảo sát thực địa, thiết kế chính thức.

Cụ thể, thiết kế sơ bộ: Trên cơ sở vị trí các định vị vệ tinh quốc gia đã được xây dựng cần xác định phạm vi cần bổ sung xây dựng trạm định vị vệ tinh quốc gia. Từ đó tiến hành thiết kế sơ bộ trên nền bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:50.000 hoặc tỷ lệ 1:100.000.

Khảo sát chi tiết thực địa: Việc khảo sát chi tiết thực địa được thực hiện sau khi tiến hành thiết kế sơ bộ. Trên cơ sở thiết kế sơ bộ tiến hành khảo sát thực địa tại khu vực dự kiến xây dựng trạm định vị vệ tinh quốc gia. Quá trình khảo sát thực địa phải thực hiện đầy đủ việc thu thập, khảo sát đối với các nhóm tiêu chí sau: Nhóm tiêu chí thông tin cơ bản, nhóm tiêu chí thông tin cảnh quan, nhóm tiêu chí thông tin về cơ sở hạ tầng, nhóm tiêu chí về quan trắc vệ tinh GNSS, nhóm tiêu chí về đo vẽ bản đồ hiện trạng, nhóm tiêu chí về điểm tọa độ, độ cao quốc gia.

Thiết kế chính thức: Trên cơ sở thiết kế sơ bộ kết hợp với báo cáo kết quả khảo sát tiến hành thiết kế chính thức. Kết thúc bước công việc này phải thể hiện sơ đồ mạng lưới đã thiết kế trên máy vi tính kèm theo các thuộc tính cơ bản như: Tên của trạm, số hiệu trạm, tọa độ gần đúng của trạm. Trên sơ đồ thiết kế chính thức phải sử dụng các ký hiệu rõ ràng và thống nhất để thể hiện các trạm định vị vệ tinh quốc gia.

Trạm định vị vệ tinh quốc gia bao gồm các thành phần cơ bản sau: Trụ mốc, thiết bị thu GNSS, nguồn cấp điện, truyền dữ liệu, hệ thống chống sét và các thiết bị phụ trợ khác.

Mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia bao gồm các trạm định vị vệ tinh quốc gia được liên kết với nhau thành mạng lưới thống nhất, phủ trùm trên toàn quốc trong hệ tọa độ quốc gia, hệ độ cao quốc gia, hệ trọng lực và được đo nối với Hệ thống tham chiếu mặt đất quốc tế ITRF.

Mai Hoa
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động