Giá trị của nghề ươm tơ, dệt lụa xứ Quảng được tái hiện sinh động qua chương trình “Hội An - sắc màu của lụa”

29/11/2022 08:07 Văn hóa
Nằm trong chuỗi sự kiện hoạt động của “Năm du lịch Quốc gia- Quảng Nam 2022”, Chương trình nghệ thuật “Hội An - Sắc màu của lụa” được thành phố Hội An tổ chức tối ngày 26/11/2022 đã góp phần giới thiệu, quảng bá những giá trị của nghề ươm tơ, dệt lụa xứ Quảng đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Chương trình là sự kết hợp giữa nghệ thuật biểu diễn và trình diễn thời trang qua các bộ sưu tập trên chất liệu lụa của Hội An. Đến đây, khán giả sẽ được nghe kể những câu chuyện về dòng sông mẹ Thu Bồn mang nặng phù sa tạo nên những nương dâu tươi tốt; câu chuyện Tằm Tang rút ruột nhả tơ tô đậm cung sắc cho bức tranh làng quê tươi đẹp. Hay câu chuyện về những sản phẩm lụa ra đời từ niềm đam mê và sự hăng say lao động của người dân xứ Quảng, được xuôi ngược khắp các xứ trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Những hình ảnh, câu chuyện về nghề ươm tơ, dệt lụa của người dân xứ Quảng được tái hiện trong không gian đầy hoài niệm của chương trình “Hội An - Sắc màu của lụa”.
Những hình ảnh, câu chuyện về nghề ươm tơ, dệt lụa của người dân xứ Quảng được tái hiện trong không gian đầy hoài niệm của chương trình “Hội An - Sắc màu của lụa”.

Ngoài ra, khán giả còn được chiêm ngưỡng nét thướt tha, đài cát của người phụ nữ Việt Nam qua những bộ trang phục lụa từ đầu thế kỉ XX đến hiện đại. Trong đêm lung linh của phố, những tà áo dài lụa tung bay trong gió mang theo vẻ đẹp dịu dàng, thanh lịch của thiếu nữ Hội An, Quảng Nam; cũng như nét đẹp của sự giao thoa văn hóa với các quốc gia trong bối cảnh của một thương cảng Hội An sầm uất, trên bến dưới thuyền.

“Hội An - Sắc màu của Lụa”đã tôn vinh sự sang trọng của chiếc áo dài lụa Việt Nam xưa và nay với nhiều mẫu trang phục theo từng thời kỳ phát triển của xã hội.
“Hội An - Sắc màu của Lụa”đã tôn vinh sự sang trọng của chiếc áo dài lụa Việt Nam xưa và nay với nhiều mẫu trang phục theo từng thời kỳ phát triển của xã hội.

Bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc TT Văn hoá Thể thao và Truyền thanh Truyền hình TP Hội An cho biết, Lụa tơ tằm Quảng Nam vốn nổi tiếng trong lịch sử và xuất đi khắp các quốc gia trên thế giới từ thương cảng quốc tế Hội An. Trên con đường gốm sứ mậu dịch và tơ lụa trên biển một thời, những sản phẩm lụa Quảng Nam được giới thương gia nước ngoài ưa chuộng và đánh giá cao. Hiện nay sản phẩm lụa cũng càng ngày càng phát triển và gắn với nghề may mặc tại Hội An. Đặc biệt sản phẩm “lụa” được du khách rất yêu thích và luôn lựa chọn làm món quà lưu niệm khi đến với Hội An.

Trong bối cảnh Hội An đang hướng tới việc tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên hai lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian truyền thống, sự kiện “Hội An- Sắc màu của lụa” là mảnh ghép hoàn hảo giữa quá khứ và hiện tại, là thông điệp của sự sáng tạo trên nền lịch sử, văn hóa truyền thống để hướng tới những điều tốt đẹp ở tương lai.

Nghề ươm tơ, dệt lụa đã góp phần tô điểm thêm bản sắc văn hóa đa sắc, đa diện của xứ Quảng nói chung và Hội An nói riêng.
Nghề ươm tơ, dệt lụa đã góp phần tô điểm thêm bản sắc văn hóa đa sắc, đa diện của xứ Quảng nói chung và Hội An nói riêng.

Nghề sản xuất và buôn bán lụa tơ tằm tại Hội An, Quảng Nam đã trải qua những thịnh suy, thăng trầm và nay đang được phát huy. Chương trình “Hội An - Sắc màu của lụa” là dịp để quảng bá hình ảnh Di sản văn hóa thế giới Hội An; các di sản văn hóa phi vật thể; lĩnh vực nghề thủ công sản xuất lụa, tơ tằm và may mặc của Hội An ra thế giới và tạo nên sản phẩm du lịch mới, thu hút du khách đến với Hội An.

Nguyễn Nhàn
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động