Giảm tác động của biến đổi khí hậu tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

24/07/2023 08:19 Tăng trưởng xanh
Ngày 17/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ phối hợp với Đại học Quản lý EM Normandie (Cộng hòa Pháp) và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững vùng”. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của các nhà khoa học đến từ Pháp, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Campuchia và Việt Nam.
Giảm tác động của biến đổi khí hậu tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Các đại biểu tham luận tại hội thảo

Tại hội thảo, các ý kiến cho rằng Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại trong thế kỷ 21. Đây cũng là mối quan tâm hành đầu của các quốc gia, các nhà quản lý và giới khoa học. Một trong những tác động của biến đổi khí hậu là nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng gây ngập lụt, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng khó dự báo, gây nhiều hậu quả tiêu cực đối với phát triển bền vững quốc gia, vùng và địa phương. Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày một gia tăng, tăng trưởng xanh được mô tả như một phương cách hay cách thức vừa theo đuổi mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo ngăn chặn suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, hướng tới sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên, tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đang phát triển đầu tiên trên thế giới phát động “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh” với ý chí và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, việc thực hiện tiến trình này đã và đang gặp những vấn đề đáng lo ngại như: sự xung đột, trùng lặp về mục tiêu giữa các chiến lược: Chiến lược phát triển bền vững; Chiến lược quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu; Chiến lược tăng trưởng xanh; nguồn lực thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh; việc lồng ghép Chiến lược tăng trưởng xanh vào các kế hoạch chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương chưa thật sự khả thi đối với hoàn cảnh cụ thể của địa phương, của vùng.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế đã tập trung trao đổi về các vấn đề như: biến đổi khí hậu và nông nghiệp bền vững; biến đổi khí hậu, phúc lợi xã hội và các biện pháp giảm thiểu tác động; biến đổi khí hậu và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; sự tổn thương bởi biến đổi khí hậu và khả năng phục hồi của cộng đồng và doanh nghiệp; kinh doanh xanh và phát triển bền vững; kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; nghiên cứu và chuyển giao, đổi mới sáng tạo và tăng trưởng bền vững...

Từ thực tiễn nghiên cứu về kinh tế tuần hoàn trong hệ sinh thái công nghiệp mía đường Ấn Độ - con đường hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, các đại biểu đã chia sẻ về việc các giải pháp trong thực hiện phát triển, giảm thải ô nhiễm môi trường của các ngành sản xuất mía đường ở Ấn Độ, trong đó xác định việc hỗ trợ vốn, công nghệ, kiến thức về chuyên môn, giám sát cho các doanh nghiệp nhỏ xây dựng phát triển bền vững, qua đó góp phần xây dựng sự phát bền vững của các địa phương.

Các ý kiến tại hội thảo cũng đề cập tới việc cần đa dạng hóa việc huy động nguồn lực phát triển kinh tế tuần hoàn, bao gồm các nguồn lực từ phía Nhà nước, chính quyền địa phương và từ phía người dân, doanh nghiệp; huy động nguồn lực từ phía Nhà nước, chính quyền địa phương thông qua các chính sách như chi ngân sách nhà nước hỗ trợ cho chuyển đổi mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình kinh tế tuần hoàn, các chính sách trợ giá năng lượng tái tạo; các chính sách mua sắm công xanh nhằm khuyến khích khu vực nhà nước. Bên cạnh đó, cần tiêu thụ các sản phẩm của mô hình kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm sạch, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trưởng; thông qua các quỹ tín dụng nhà nước nhằm đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất cho các dự án theo mô hình kinh tế tuần hoàn; các ưu đãi về thuế, phí góp phần tạo nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp; các chính sách về tín dụng; các chính sách thuế hạn chế các chất gây hại với môi trường. Bên cạnh đó, cần tăng cường huy động nguồn lực thông qua các công cụ mang tính chất huy động được nguồn lực trong dân cư như phát hành trái phiếu xanh. Trái phiếu xanh có thể được phát hành bởi các chủ thể công như Chính phủ, chính quyền địa phương hoặc khu vực tư nhân như ngân hàng, doanh nghiệp để tăng vốn cho các dự án gắn liền với môi trường.

Để quản lý nguồn tiền thu được từ trái phiếu xanh dùng đúng mục đích, phải có bên thứ ba uy tín thực hiện việc theo dõi và quản lý nhằm đảm bảo tính minh bạch và chính xác. Phát triển trái phiếu xanh có lợi cho các tổ chức phát hành trái phiếu, các nhà đầu tư và xã hội. Ở góc độ xã hội, trái phiếu xanh sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các các nhà đầu tư về vấn đề môi trường, đồng thời, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn lớn từ xã hội để thực hiện tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững trong tương lai./.

PV
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động