Bắc Kạn khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo

14/05/2024 20:18 Kinh tế, xã hội
Tỉnh Bắc Kạn hiện đang tập trung huy động các nguồn lực, tạo điều kiện thực hiện thuận lợi để phát triển điện gió, điện sinh khối, điện mặt mặt trời, thuỷ điện tích năng phù hợp tiềm năng, lợi thế của tỉnh và điều kiện tự nhiên về địa hình, khí hậu. Đồng thời, xây dựng phương án cụ thể phát triển mạng lưới cấp điện trên địa bàn tỉnh góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Bắc Kạn là tỉnh miền núi nằm ở trung tâm nội địa vùng Đông Bắc Bắc Bộ, diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh có rừng chiếm hơn 80% diện tích tự nhiên. Tỉnh có hệ thống sông, suối khá dày đặc và phân bố đồng đều, đầu nguồn của 4 con sông lớn vùng Đông Bắc là sông Năng, sông Phó Đáy, sông Bắc Giang và sông Cầu với tổng chiều dài 313 km, lưu lượng nước lớn 105.3 m3/s và có nước quanh năm. Ngoài ra, Bắc Kạn được đánh giá có tiềm năng điện gió có thể phát triển tới quy mô công suất khoảng 2.680 MW, tiềm năng điện mặt trời và điện rác khoảng 101 MW. Mạng lưới cấp điện của tỉnh Bắc Kạn được đầu tư cơ bản hoàn thiện, cụ thể: có 1.808,6 km chiều dài đường dây trung thế 35 kV và 22 kV, có 1.140 trạm biến áp phân phối với tổng dung lượng 189.185 MVA; lưới điện hạ áp có tổng chiều dài 2.104,8 km và có tổng số 93.970 chiếc công tơ đo đếm điện năng; lưới điện nông thôn của tỉnh cơ bản đều được thiết kế, lắp đặt đáp ứng theo yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật, 100% dây bọc, cột bê tông cốt thép theo quy chuẩn; 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh đều sử dụng điện lưới quốc gia...

Bắc Kạn khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo

Các nguồn năng lượng tái tạo

Thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị học tập quán triệt, triển khai sâu rộng trong toàn tỉnh. Đã có nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu và đặt vấn đề xin được đầu tư xây dựng các dự án điện sinh khối, điện gió tại Bắc Kạn, như: Công ty Cổ phần Nhựa đường Dầu khí Việt Nam đề xuất đầu tư xây dựng Nhà máy điện sinh khối tại Cụm Công nghiệp Cẩm Giàng; Tập đoàn T&T và Công ty Cổ phần EREX (Nhật Bản) đề xuất đầu tư xây dựng Nhà máy điện sinh khối tại huyện Chợ Mới; Công ty Cổ phần BEA POWER xin được đầu tư các công trình điện sinh khối tại huyện Na Rì, Chợ Đồn; Công ty Cổ phần năng lượng Trường Thành đề xuất đầu tư dự án nhà máy điện gió tại huyện Ngân Sơn; Công ty JR Energy (AISA) đề xuất dự án đầu tư nhà máy điện gió tại huyện Chợ Mới; Công ty Cổ phần điện gió Thiên Long - Bắc Kạn đề xuất khảo sát Dự án Nhà máy điện gió tại huyện Chợ Mới…

Theo quy hoạch được duyệt, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 18 dự án thủy điện với tổng công suất 90 MW, trong đó có 5 dự án đã vận hành phát điện, 9 dự án đã cấp chủ trương đầu tư. Các dự án năng lượng tái tạo đã khai thác được tiềm năng, phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần tăng nguồn thu ngân sách trên địa bàn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngoài ra, các dự án năng lượng tái tạo cũng góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, tăng sản lượng điện hằng năm cho lưới điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Tỉnh Bắc Kạn đã báo cáo Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tổng công suất được phê duyệt là 3.000,24 MW, trong đó điện gió công suất 2.679 MW, điện sinh khối công suất 220 MW, điện mặt trời công suất 100 MW và điện rác công suất 1,24MW - Đây là nguồn năng lượng tái tạo tiềm năng của tỉnh để kêu gọi đầu tư trong thời gian tới. Đồng thời, bổ sung vào Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nhằm bổ sung nguồn năng lượng tái tạo của tỉnh vào hệ thống điện lưới quốc gia, đóng góp một phần vào việc thay thế nguồn năng lượng hoá thạch, gắn với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.

Năm nay và những năm tiếp theo, Bắc Kạn tiếp tục ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư đủ tiềm lực, kinh nghiệm và công nghệ đến đầu tư phát triển điện gió, điện sinh khối, thuỷ điện tích năng phù hợp tiềm năng, lợi thế của tỉnh và điều kiện tự nhiên về địa hình, khí hậu; nghiên cứu, phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước tại những địa điểm, khu vực phù hợp với định hướng của Quy hoạch.

Ly Sơn

THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO

Xin chờ trong giây lát...

Cả nước đồng lòng hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới

Phiên bản di động