Thanh Hóa

Thực hiện công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và quản lý lâm sản tại huyện Hoằng Hóa

01/04/2024 08:25 Tăng trưởng xanh
Thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. UBND huyện Hoằng Hóa đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và quản lý lâm sản năm 2024.

Tăng cường bảo vệ rừng

Với mục đích tăng cường công tác đảm bảo an ninh rừng, quản lý các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng, không để khai thác rừng, xâm lấn đất rừng trái phép; Đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản….UBND huyện Hoằng Hóa yêu cầu UBND các xã thực hiện việc kiện toàn, củng cố lại tổ chức hoạt động của các Tổ đội Bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, Tổ phản ứng nhanh chữa cháy rừng cấp xã, Trung đội Dân quân nòng cốt; tăng cư­ờng tuần tra, phát hiện lửa rừng; sẵn sàng cơ động chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra, chú trọng các khu vực có nguy cơ cháy cao.

Tăng cường công tác tập huấn, huấn luyện phòng cháy chữa cháy rừng cho lực lượng phòng cháy nòng cốt ở cấp xã (lực lượng Dân quân tự vệ, Đoàn thanh niên) và các tổ đội bảo vệ rừng cấp thôn theo chương trình huấn luyện hằng năm; tổ chức diễn tập chữa cháy rừng, nâng cao kiến thức và năng lực thực hành tác chiến chữa cháy rừng khi có cháy xảy ra.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hạt Kiểm lâm Ven Biển, UBND các xã chủ động trong việc theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, tổng hợp tình hình cơ sở, ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và quản lý lâm sản kịp thời; thực hiện nghiêm túc chế độ thường trực phòng cháy chữa cháy rừng; Rà soát lại toàn bộ dụng cụ, phương tiện, trang thiết bị chữa cháy rừng, đảm bảo khả năng tác chiến khi xảy ra cháy rừng.

Thực hiện công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và quản lý lâm sản tại huyện Hoằng Hóa
Huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa tăng cường công tác bảo vệ, chữa cháy rừng

Cảnh báo nguy cơ cháy rừng

Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện chịu trách nhiệm theo dõi số liệu khí tượng, xây dựng thành cấp dự báo cháy rừng ngắn hạn, thông báo đến các xã, thị trấn và thông báo rộng rãi trên Đài truyền thanh huyện trong những ngày có nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên….

Về công tác trực cháy

Cấp huyện lấy văn phòng Hạt Kiểm lâm Ven Biển và Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện làm Văn phòng thường trực Chỉ huy chữa cháy rừng cấp huyện. Hạt Kiểm lâm Ven Biển, phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện phân công lịch thường trực cho cán bộ, nhân viên trong đơn vị để thực hiện công tác thường trực trong những ngày nắng nóng, khô hanh.

Trong những ngày nắng nóng, nguy cơ cháy rừng ở cấp cao để hạn chế việc cháy rừng, UBND xã phải phân công trực tại văn phòng để xử lý tình huống khi xảy ra cháy. Các xã có rừng phải tổ chức tuần tra thường xuyên trên địa bàn, tăng cường số lần kiểm tra trong những ngày nắng nóng, nguy cơ cháy rừng đang ở cấp cao để kịp thời phát hiện, chỉ đạo kịp thời và xử lý ngay những nguy cơ có thể dẫn đến cháy rừng.

Khi xảy ra cháy rừng phải sử dụng dao phát, cành cây tươi hay các trang thiết bị máy móc khác đã được chuẩn bị cho công tác chữa cháy rừng để chữa cháy phù hợp với từng vị trí của đám cháy.

Xây dựng các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng

Đảng ủy, UBND các xã trọng điểm chỉ đạo lực lượng Dân quân tự vệ, các chủ rừng tổ chức làm đường băng cản lửa, làm giảm vật liệu cháy, thực hiện phương án đốt có kiểm soát vật liệu cháy dưới tán rừng tại những khu vực có nguy cơ cháy rừng cao, duy trì việc tu sửa, mở rộng đường băng cản lửa dưới tán rừng dưới sự giám sát của cơ quan Kiểm lâm.

Quản lý các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, nuôi nhốt động vật hoang dã

UBND các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, quản lý tốt các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã trên địa bàn huyện; kiểm tra các nhà hàng, khách sạn, quán ăn có hoạt động kinh doanh, chế biến thực phẩm có nguồn gốc từ động vật rừng; kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm, không để xảy ra thành điểm nóng, nổi cộm trên địa bàn;

Tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát việc thực hiện các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý lâm sản; Đối với các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã mang tính chất tự phát cần có biện pháp hướng dẫn, giúp đỡ người dân về mặt kỹ thuật chăn nuôi, định hướng thị trường đầu ra cho các hộ gia đình để việc chăn nuôi các loài đặc sản động vật rừng có hiệu quả, ngăn chặn được các hành vi vi phạm quy định của Nhà nước trong quản lý nuôi nhốt, phát triển kinh tế địa phương.

Thực hiện công tác bảo tồn, bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư

Thực hiện tuyên truyền rộng rãi nội dung Chỉ thị 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam đến toàn thể tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Tổ chức kiểm tra các địa bàn có tình trạng giăng lưới bẫy bắt chim hoang dã, chim di cư, các lều cò để kịp thời thaó gỡ đồng thời xử lý theo quy định của pháp luật; kiểm tra các nhà hàng, khách sạn, quán ăn có hoạt động kinh doanh, chế biến thực phẩm có nguồn gốc chim hoang dã, chim di cư phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm, không để xảy ra thành điểm nóng, nổi cộm trên địa bàn.

Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn kiện toàn, đôn đốc Tổ công tác liên ngành (gồm đồng chí Phó chủ tịch xã làm tổ trưởng, tổ viên gồm lực lượng công an xã, Quân sự xã; trưởng các thôn trọng điểm về săn bắt bẫy bắt chim); tổ chức các lực lượng thu gom dụng cụ; lưới, bẫy bắt chim trên các cánh đồng, bãi bồi ven biển.

Căn cứ vào nội dung, yêu cầu của kế hoạch này và chức năng, nhiệm vụ, điều kiện thực tế, UBND các xã, thị trấn và các đơn vị có liên quan xây dựng Kế hoạch, phương án cụ thể để triển khai thực hiện.

Giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện chủ trì, phối hợp với các phòng, ngành, đơn vị liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, báo cáo Chủ tịch UBND huyện kết quả thực hiện ./.

Kim Nguyên
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động