Xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

13/05/2024 08:13 Nghiên cứu trong nước
Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã khẳng định sức mạnh to lớn của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng nói chung và trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc nói riêng. Với quan điểm, xây dựng “thế trận lòng dân” làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, kế thừa và phát triển quan điểm của các kỳ đại hội trước, Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh Nhân dân; xây dựng củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân”.

Lòng tin nhân dân - tấm khiên bảo vệ

Với sự phát triển tất yếu của khoa học công nghệ và Internet hiện nay đã tạo ra môi trường không gian mạng rộng lớn, bên cạnh những tích cực, tiện ích cũng tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các thế lực thù địch đang lợi dụng triệt để môi trường không gian mạng để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

Để chủ động phương án đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, ngày 25/7/2018, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Bên cạnh phải xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân truyền thống, cần thiết và đặc biệt quan tâm xây dựng thế trận quốc phòng trên không gian mạng, bao gồm chính sách, pháp luật quản lý hoạt động trên không gian mạng; các bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng và bố trí các hạ tầng, dịch vụ, tài khoản trên không gian mạng.

Xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Trên không gian mạng, “lòng dân” của chúng ta chính là niềm tin, sự đoàn kết đồng lòng của người dân với chế độ XHCN, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trên môi trường Internet, trong đó có mạng xã hội, mỗi tài khoản của công dân Việt Nam, nhất là cán bộ, đảng viên đã, đang và sẽ là một phần trong thế trận quốc phòng trên không gian mạng. Mỗi tài khoản phát huy tác dụng tốt sẽ là một chiến sĩ, một đơn vị chiến đấu trên không gian mạng và tham gia trực tiếp vào việc xây dựng khu vực phòng thủ trên không gian mạng. Mỗi bài viết tuyên truyền, đấu tranh phản bác như những viên đạn bắn vào kẻ thù, vào các thế lực thù địch.

Trên không gian mạng, “lòng dân” của chúng ta chính là niềm tin, sự đoàn kết đồng lòng của người dân với chế độ XHCN, dưới sự lãnh đạo của Đảng. “Thế trận lòng dân” là tinh thần yêu nước, tình đoàn kết gắn bó, khát vọng độc lập tự do, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự lực, tự cường, đấu tranh kiên cường, bất khuất của cả dân tộc được hội tụ, kết tinh, nhân lên thành nền tảng chính trị vững chắc, sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc.

Ở góc độ khác, “thế trận” thường được hiểu là “cách bố trí lực lượng trong trận chiến đấu hay thi đấu”. “Lòng dân” thường được dùng làm biểu tượng của tâm lý, tình cảm, tinh thần của đông đảo người dân hay tuyệt đại đa số người dân trong một quốc gia, dân tộc về một sự kiện, vấn đề nào đó, có thể gọi là sự “đồng thuận”, “đồng lòng”, “đồng tình” của đông đảo nhân dân về một sự kiện, vấn đề nào đó. “Thế trận lòng dân” được hiểu là hoạt động của người lãnh đạo, quản lý đất nước trong xây dựng và phát huy mạnh mẽ, hiệu quả sự đồng tình, ủng hộ và tích cực tham gia của nhân dân vào thực hiện các quyết định của người lãnh đạo, quản lý, đem lại lợi ích thiết thực cho đông đảo nhân dân, đất nước, ngăn chặn, đập tan mọi âm mưu phá hoại.

Đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng ta hiện nay, thế trận lòng dâm là trạng thái chính trị, tinh thần của toàn dân, bao gồm lòng yêu nước, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự tất thắng của CNXH, tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận, đồng lòng, ý chí quyết tâm... của toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được Đảng lãnh đạo xây dựng, phát triển và phát huy mạnh mẽ, hiệu quả vai trò trong xây dựng đất nước hùng mạnh, từng bước tiến đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng thành công CNXH trên đất nước ta và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Thế trận lòng dân có nội dung rất đa dạng, phong phú, gắn liền và chịu sự chi phối, quy định của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong từng thời kỳ lịch sử; được thể hiện trên hai phương diện chính: lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận, đồng lòng, ý chí quyết tâm... của toàn dân trong xây dựng đất nước vững mạnh và trong bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; sự định hướng phát triển lực lượng, lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước, bảo đảm cho lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận, đồng lòng, ý chí quyết tâm... của toàn dân phục vụ đắc lực, hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong bối cảnh mới hiện nay, thế trận lòng dân là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng bảo đảm thắng lợi sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hai lĩnh vực trọng yếu nhất của đất nước. Hai lĩnh vực này chỉ có thể giành thắng lợi khi được sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, tức là Đảng đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, thể hiện rõ sự thống nhất giữa “ý Đảng, lòng dân”. Thế trận lòng dân tạo nên nền tảng vững chắc của thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Đại hội XII của Đảng (năm 2016) chỉ rõ: “Xây dựng thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân”. Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) tiếp tục nhấn mạnh: “Xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc làm nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”.

Bên cạnh những thành quả to lớn và khía cạnh tích cực đối với thế giới cũng như Việt Nam, không gian mạng và các khía cạnh liên quan đến công nghệ mới đã và đang tạo điều kiện cho sự bùng nổ, phát triển của chiến tranh thông tin trên không gian mạng. Các hoạt động chiến tranh thông tin trên không gian mạng có thể bao gồm các cuộc tấn công mạng, phá hủy hệ thống thông tin của đối phương, tấn công nền tảng mạng xã hội, bằng cách đưa vào trong tâm trí con người hình ảnh, thông tin có chủ đích theo hướng có lợi cho mình/nước mình về thế giới hay quốc gia, cộng đồng nhằm thực hiện mục tiêu xác lập vị thế độc quyền trong việc “diễn giải” một câu chuyện, sự kiện nào đó, trong khi tìm cách “tước đoạt” năng lực phát tán thông tin của một quốc gia hay các chủ thể nhà nước, phi nhà nước trong quan hệ quốc tế.

Các hình thức chiến tranh này đã và đang có những tác động sâu sắc trong quan hệ giữa các quốc gia nói chung và nội bộ của từng quốc gia nói riêng với một số nguy cơ như: Đe dọa sự ổn định chính trị, thậm chí là sự tồn vong của chế độ XHCN ở các nước; làm mất lòng tin của nhân dân vào uy tín, sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền; ảnh hưởng đến nền tảng tư tưởng của Đảng; tạo ra nguy cơ làm mất ổn tình hình an ninh – chính trị ở nước ta...

Trong những năm qua, lợi dụng những thế mạnh và tính mở của không gian mạng với đặc trưng tự do, đa dạng, bình đẳng, không có ranh giới cụ thể giữa “thực” và “ảo”, các thế lực thù địch, phản động trong nước và ngoài nước, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, không ngừng ra sức tuyên truyền, xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với âm mưu hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam, đó là: 1- Xuyên tạc, hạ thấp, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lê-nin; 2- Tập trung công kích, xuyên tạc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; 3- Bóp méo, hạ thấp, phủ nhận thành quả đổi mới của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng...

Trong khi đó, “thế trận lòng dân” trên không gian mạng là sự tin tưởng của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; quản lý, điều hành của Nhà nước về phát triển, vận hành trong sạch, lành mạnh không gian mạng; là phương thức, động lực phát triển kinh tế, xã hội và các vấn đề xã hội trên không gian mạng mà không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Niềm tin đó sẽ tạo thành tình yêu quê hương, đất nước, tạo động lực thúc đẩy tinh thần đoàn kết, gắn bó của các tầng lớp Nhân dân trên không gian mạng, tạo thành sức mạnh tổng lực sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù, là tấm khiên bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

Luôn nêu cao thế chủ động

Trên cơ sở những phân tích về thực trạng, tác động của chiến tranh thông tin trong không gian mạng và những khó khăn, thách thức, nguyên nhân nêu trên, để góp phần triển khai thực hiện hiệu quả công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động trong thời gian tới, cần lưu ý một số nội dung từ góc độ chính trị, đối ngoại như sau:

* Ở phương diện quốc tế và khu vực

Một là, tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vừa hợp tác, vừa đấu tranh; kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, “dĩ bất biến ứng vạn biến”; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở luật pháp quốc tế đối với tất cả các loại hình không gian, nhất là không gian mạng, trong thời gian tới.

Hai là, chủ động tham gia các diễn đàn đa phương quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc về việc xây dựng bộ quy chuẩn quốc tế về cách hành xử có trách nhiệm của các thực thể tham gia quan hệ quốc tế (bao gồm nhà nước, phi nhà nước...) khi tham gia, triển khai các hoạt động trên không gian mạng, trong đó nhấn mạnh đến nội dung bảo đảm việc tôn trọng thể chế chính trị, nền tảng tư tưởng và giá trị dân chủ của các quốc gia có chủ quyền cũng như chống các loại hình thông tin xuyên tạc, tin giả, xấu, độc hại và coi các loại hình thông tin này là kẻ thù chung của cộng đồng quốc tế.

Ba là, tham gia thúc đẩy xây dựng các văn kiện quốc tế về hợp tác ở cấp độ quốc tế và khu vực, xây dựng và triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin trong quan hệ quốc tế nhằm giải quyết tận gốc vấn đề thông tin xuyên tạc, tin giả, sai sự thật và ngăn chặn các cuộc chiến tranh thông tin trong không gian mạng, thậm chí là chiến tranh mạng..., qua đó đóng góp vào việc xây dựng lòng tin giữa các quốc gia trên không gian mạng; tham gia thảo luận, đóng góp nội dung theo quan điểm của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, khu vực về xây dựng các văn bản quản lý, quản trị đối với việc áp dụng các công nghệ mới nổi có liên quan đến các lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam trong không gian mạng; tham gia thúc đẩy việc triển khai thực hiện các điều ước, nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc về bảo vệ và bảo đảm việc thụ hưởng, thực hiện các quyền con người trước những tác động tiêu cực ngày càng gia tăng và sâu rộng của thông tin xuyên tạc, sai lệch, tin giả.

* Ở phương diện quốc gia

Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị nêu trên của Đảng, Nhà nước về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị khóa XII, Luật An ninh mạng và các luật liên quan; mở rộng, nâng cao hiệu quả và đưa các mối quan hệ đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân đi vào chiều sâu, tạo nền tảng chính trị cho quan hệ giữa Việt Nam với các nước; tạo lập sự đồng thuận và hậu thuẫn chính trị của các chính đảng và các lực lượng chính trị đối với sự nghiệp đổi mới cũng như bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức nhân dân với vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội khác trong hoạt động đối ngoại.

Thứ hai, tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái, thù địch gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cơ quan, đơn vị, địa phương cần thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, có định hướng các vấn đề thời sự, chính trị, nhất là những thông tin liên quan đến đại hội đảng các cấp cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, giúp mọi người phân biệt đúng sai, tự sàng lọc, tự “miễn dịch” với những thông tin xấu độc.

Thứ ba, tăng cường giáo dục, tuyên truyền sâu rộng về Luật An ninh mạng, để người dân có ý thức đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi sử dụng không gian mạng tuyên truyền chống phá Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của Việt Nam. Quyết tâm thực hiện nội dung về “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” được đề ra tại Đại hội XIII của Đảng, trong đó ưu tiên bảo đảm thực hiện các nội dung hệ giá trị của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, bao gồm các lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích xã hội, lợi ích chính đáng của cá nhân, trên cơ sở tập trung nhấn mạnh các thành tố, như dân chủ và pháp quyền, nhân ái và yêu nước, trung thực và bản lĩnh; dân giàu, nước mạnh, công bằng, trách nhiệm, hạnh phúc, đoàn kết, cần cù, sáng tạo; quan tâm đầu tư phát triển các lực lượng đặc biệt, đặc thù và mạng lưới cộng tác viên với sự hỗ trợ của công nghệ AI trong theo dõi, ngăn ngừa, thậm chí là chủ động tấn công, loại bỏ các sản phẩm truyền thông chứa đựng thông tin xuyên tạc, tin giả, độc hại nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng và các chính sách, hoạt động của Đảng và Nhà nước.

Thứ tư, tiếp tục xây dựng, củng cố đoàn kết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước cũng như ngoài nước nhằm giải quyết tận gốc “giặc nội xâm” (tham nhũng, tiêu cực...), tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, qua đó tăng cường sức mạnh nội tại, bổ trợ cho việc đối phó với các loại hình giặc ngoại xâm thông qua triển khai đồng bộ các biện pháp đối ngoại, quốc phòng và an ninh; quyết liệt triển khai Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đến năm 2030”, nhằm phục vụ việc quảng bá, nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời, thu thập những thông tin có chọn lọc về tình hình, sự phát triển của thế giới, khu vực về các vấn đề được dư luận và nhân dân trong nước quan tâm; đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.

Thứ năm, thường xuyên đổi mới phương thức, huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch. Đa dạng hóa hoạt động đấu tranh theo hướng: thiết lập và sử dụng các trang web, blog, diễn đàn để đăng tải các bài viết với nội dung tuyên truyền các quan điểm chính thống, định hướng dư luận, phản bác hoặc tiến hành đấu tranh phản bác ngay tại các trang mạng “độc hại”, phản động được đối tượng sử dụng. Xây dựng và mở rộng đội ngũ cộng tác viên đưa tin, viết bài, bình luận; nâng cao chất lượng các bài viết đấu tranh phản bác với luận cứ khoa học, tính thuyết phục cao. Kết hợp chặt chẽ các biện pháp đấu tranh, cả trực tiếp và gián tiếp; giữa xây và chống, trong đó lấy xây là chính; chủ động cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan báo chí để viết bài đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên Internet, mạng xã hội.

* Ở phương diện ý thức của con người

Một là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, tôn trọng và bảo vệ các quyền con người do luật pháp quy định, trong đó bao gồm các quyền về tự do ngôn luận, quyền riêng tư, quyền tham gia các công việc của cộng đồng và bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử; nâng cao, đa dạng hóa các biện pháp triển khai ở tất cả các cấp trong việc củng cố lòng tin của người dân vào Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa và ngăn ngừa, đập tan các xu hướng phân cực, kích động, cổ xúy ngôn từ hận thù trên không gian mạng nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân; củng cố, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân, tạo nền tảng xã hội hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên không gian mạng.

Hai là, xác định cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước những tác động tiêu cực của cuộc chiến thông tin không gian mạng là lâu dài, kiên nhẫn, bền bỉ và cần học cách sống chung với tin giả, thông tin xuyên tạc, qua đó tự tạo sức đề kháng, giúp hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân kiên cường hơn khi tham gia tương tác trên không gian mạng để chống thông tin độc hại, âm mưu thâm độc chống phá Đảng và Nhà nước. Chú trọng tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân để nhìn nhận và có trách nhiệm, ý thức trước mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Củng cố mối quan hệ thường xuyên, liên tục với các nhóm cần tranh thủ ở nước ngoài đã hiểu biết về Việt Nam cũng như ưu tiên xây dựng quan hệ và tạo thiện cảm với các đối tượng, như giới báo chí, giới trẻ, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Ba là, chú trọng đầu tư và đặt con người vào vai trò chủ thể, luôn làm chủ công nghệ, trong đó có công nghệ hiện đại, công nghệ mới nổi phục vụ việc xây dựng nguồn nhân lực công nghệ số chất lượng cao, trong đó có yêu cầu kiên định về lập trường, bản lĩnh chính trị trước những thay đổi, biến đổi của thế giới trong tương lai.

Bốn là, tăng cường quản lý, chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật, ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng “độc hại” một cách có hiệu quả. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị điện tử phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên Internet, mạng xã hội. Chủ động phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ, tính toán sử dụng các giải pháp về công nghệ thông tin để ngăn chặn một cách triệt để các tin tức xấu độc trên các trang mạng. Kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm Cương lĩnh chính trị, Ðiều lệ Ðảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Ðảng. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Ðảng. Các cấp ủy và tổ chức đảng, mọi cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn; nghiêm cấm để lộ bí mật của Ðảng, Nhà nước, Quân đội; lan truyền những thông tin sai lệch hoặc tán phát những đơn thư nặc danh, mạo danh, hoặc thư có danh nhưng có nội dung xấu, xuyên tạc, vu khống, kích động.

Ngoài ra, cần tích cực mở rộng dân chủ gắn với đẩy mạnh xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội XIII nhấn mạnh: “Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt, có hiệu quả trên thực tế phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Các quyền con người, các quyền tự do, bình đẳng của công dân được thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ; nhân dân phải là chủ thể đích thực và cao nhất của quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, mọi thiết chế quyền lực đều được đặt dưới sự kiểm tra, giám sát, trước hết là của nhân dân. Đảng, Nhà nước, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải có cơ chế bảo đảm cho lòng yêu nước chân chính của mọi tầng lớp được phát huy, mọi người được bình đẳng, được cống hiến trí tuệ, tài năng, sức lực... vào sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng, phát triển nền văn hóa, tạo ra môi trường văn hóa tốt đẹp để mỗi cá nhân và cộng đồng xã hội có điều kiện phát triển lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tự hào, tự tôn dân tộc Việt Nam, phát huy cốt cách, tâm hồn, đạo lý tốt đẹp con người Việt Nam, đó chính là màng lọc ngăn chặn, sàng lọc các văn hóa xấu độc. Đồng thời, cần chuẩn hóa các giá trị đạo đức, tinh thần và hướng toàn dân phấn đấu theo các chuẩn giá trị đó.

Tích cực xây dựng văn hóa Đảng, văn hóa công chức, văn hóa doanh nghiệp... Đại hội XIII khẳng định: “Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên. Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội. Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam

Chung quy lại, để xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng thì người dân phải được xác định là chủ thể, mọi người dân phải có trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia. Trước hết là tham gia cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh đấu tranh phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; nâng cao ý thức tự giác rèn luyện, tu dưỡng, nâng cao khả năng tự bảo vệ, tăng cường sức đề kháng trước những thông tin xấu độc, sai sự thật, quan điểm sai trái thù địch trên không gian mạng.

Song hành với đó là tích cực, chủ động tham gia đấu tranh, gỡ bỏ, triệt phá các thông tin xấu độc trên không gian mạng; luôn nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết gắn bó, giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước. “Thế trận lòng dân” trên không gian mạng là sự tin tưởng của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; quản lý, điều hành của Nhà nước về phát triển, vận hành trong sạch, lành mạnh không gian mạng; là phương thức, động lực phát triển kinh tế, xã hội và các vấn đề xã hội trên không gian mạng mà không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Qua đó góp phần củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc để bảo vệ hiệu quả nền tảng tư tưởng của Đảng ta trong trong tình hình mới.

_________________

Tài liệu tham khảo:

1. Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hóa -Thông tin, Hà Nội, 1998, tr.1558.

2. ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.149.

3. ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.172, 105, 107, 108, 109, 100-101, 172, 179, 174, 172, 173, 143.

4. ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t. 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.229, 248.

5. Phê phán một số quan điểm xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê Nin (Tạp chí Cộng sản số ra ngày 07/09/2020).

Trần Chiến
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động