Quản lý rác thải điện tử hiệu quả
Việt Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để quản lý rác thải điện tử hiệu quả |
Nhiều khó khăn trong quản lý rác thải điện tử
Rác thải điện tử vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ tại các nước Đông Nam Á. Đây là những thiết bị điện tử đã qua sử dụng và sắp hết thời gian sử dụng, bị loại bỏ hoặc đưa vào tái chế, bao gồm các loại thiết bị bất kỳ, được sản xuất, kinh doanh với mạch điện hay các cấu phần điện tử với nguồn điện hay pin.
Trong rác thải điện tử có chứa rất nhiều kim loại nặng, hầu hết các thiết bị điện tử đều chứa các nguyên tố độc hại cao như: Chì, thuỷ ngân, các chất chống cháy… Sau khi bị hỏng hoặc không được sử dụng và bị thải bỏ ra môi trường, các chất độc hại trong rác thải điện tử sẽ thấm vào lòng đất, đặc biệt là những tháng mùa hè khi nhiệt độ tăng cao.
Khi chất thải điện tử tiếp xúc với nhiệt thông qua quá trình đun, đốt cháy bằng lò đốt tại chỗ để xử lý tại bãi chôn lấp thông thường, các hoá chất độc hại này sẽ được giải phóng vào không khí, gây hại cho bầu khí quyển. Hoặc khi những chất liệu độc hại này ngấm vào nước ngầm, có thể gây ảnh hưởng nguy hại đến cả động vật trên cạn và dưới biển. Đây được xem là một trong những tác động môi trường lớn nhất của rác thải điện tử.
Tại Việt Nam, rác thải điện tử đang ngày càng gia tăng nhanh chóng, tỷ lệ tái chế rác thải điện tử vẫn còn rất thấp, phần lớn bị chôn vùi trong lòng đất hoặc được thu gom bởi các cá nhân thu gom vật liệu, sửa chữa thiết bị. Phần còn lại rác điện tử (sau khi lấy vật liệu, linh kiện) cũng sẽ bị thải bỏ ra môi trường, với nhiều thành phần độc hại, không thể phân huỷ sinh học. Việc này cũng khiến cho các doanh nghiệp không muốn thu hồi rác thải điện tử để tái chế, do hầu hết chỉ còn lại những linh kiện đòi hỏi công nghệ và chi phí cao để xử lý.
Việc xử lý rác thải điện tử ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế và gặp một số bất cập. Đó là, do sự cạnh tranh của khu vực phi chính thức, khối lượng và chất lượng rác đầu vào không ổn định, khiến các công ty ngần ngại đầu tư vào các phương pháp thu hồi kim loại có giá trị từ rác thải điện tử. Việt Nam hiện đang thiếu dự báo và kiểm kê rác thải điện tử chính thức cùng với hệ thống kiểm kê, quy trình và cơ sở dữ liệu về chất thải điện tử chưa được tạo ra và việc thu thập dữ liệu thống kê còn hạn chế cũng là những khó khăn cho việc quản lý rác thải điện tử
Bên cạnh đó, việc chưa có quy định cụ thể đối với chất thải điện tử cũng là một yếu tố gây khó khăn cho quản lý rác thải điện tử mặc dù Việt Nam đã có các chính sách, quy định về quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại, như Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, mục tiêu tầm nhìn đến 2050, Chiến lược quốc gia bảo vệ môi trường tầm nhìn đến năm 2030.
Việc nghiên cứu mô hình xử lý chất thải điện tử tại nhiều quốc gia trên thế giới sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều lựa chọn phù hợp trong quản lý rác thải điện tủ, vừa tăng khả năng tái chế vật liệu từ rác thải điện tử, vừa hạn chế được tác động tiêu cực của rác thải điện tử đến môi trường và sức khoẻ con người.
Nhiều giải pháp cần thực hiện đồng bộ để quản lý rác thải điện tử hiệu quả
Để quản lý chất thải điện tử hiệu quả, việc ưu tiên thực hiện các kế hoạch hành động để kiểm soát và quản lý chất thải điện tử phải được đặt lên hàng đầu. Chất thải điện tử phải được quản lý ngay từ thời điểm này bằng cách sử dụng mạng lưới thu gom chính thức cũng như phi chính thức.
Bên cạnh đó, việc cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất thay đổi, bổ sung các quy định hiện hành, xác định chất thải điện tử nguy hại và không nguy hại để dễ dàng quản lý. Song song với đó, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định để nâng cao trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử, đưa các quy định cụ thể về thu gom, xử lý chất thải điện tử bắt buộc khi thực hiện dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh cũng cần phải sớm được triển khai.
Các Bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương và cộng đồng phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện các nghĩa vụ xã hội và môi trường đối với các doanh nghiệp. Tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các công nghệ xử lý chất thải điện tử tiên tiến, thân thiện với môi trường thông qua các quy định và ưu đãi ưu tiên.
Cùng các biện pháp quản lý doanh nghiệp, Chính phủ và các Bộ, ngành cần tích cực tuyên truyền cho người dân về sự nguy hại của rác thải điện tử đối với cuộc sống, môi trường xã hội và để người dân tham gia phân loại tại nguồn, tránh hoà trộn, thải ra môi trường gây ô nhiễm có hại cho không khí, đất và nước.
Đặc biệt, cần chú trọng áp dụng lối sống bền vững bằng cách thay đổi tiêu dùng, thúc đẩy lối sống bền vững, bảo vệ môi trường và tiến bộ xã hội; xây dựng một xã hội ít chất thải, các - bon thấp, hài hoà, thân thiện với môi trường.
Tin khác
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.