Gỡ khó cho Quảng Trị xử lý các điểm tồn lưu hóa chất
Rải gần 4 tấn hóa chất chống phát tán thủy ngân ra ngoài Rạng Đông |
Tuy nhiên, địa phương có tới 52 điểm ô nhiễm thuốc BVTV tồn lưu, trong khi đó, việc xử lý, cải tạo phục hồi môi trường tại các điểm tồn lưu thuốc BVTV là việc làm lâu dài, đòi hỏi sự quan tâm của các cấp, ngành và cộng đồng dân cư để chung tay bảo vệ môi trường.
Khu vực kho thuốc BVTV tồn lưu ở cạnh nhà dân tại đội 3, thôn Đại Hào, xã Triệu Đại (Triệu Phong, Quảng Trị). |
Trong số 100 khu vực ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất BVTV tồn lưu gây ra trên phạm vi cả nước, địa bàn Quảng Trị có 7 khu vực, gồm 2 điểm ở huyện Vĩnh Linh, 2 điểm ở huyện Cam Lộ, 1 điểm ở TP. Đông Hà, 1 điểm ở huyện Gio Linh và 1 điểm ở huyện Đakrông.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị, các loại thuốc BVTV được dự trữ trong các kho trước đây thường khá lớn, nhiều lúc lên đến hàng tấn, trong đó thuốc DDT, 666, Wofatox, Falizan, Bi-58, Metafot và Basudin... là những loại thuốc rất độc hại. Do việc cất giữ, bảo quản không nghiêm ngặt nên bị rò rỉ; một số thuốc chôn lấp dưới đất thất thoát ra môi trường, chưa có giải pháp khắc phục đã để lại những hậu quả rất đáng lo ngại.
Ở một số địa phương trên địa bàn Quảng Trị vẫn còn những kho thuốc có các chỉ số 666, DDT vượt hàng chục, thậm chí hàng triệu lần quy chuẩn Việt Nam (QCVN) như: Kho thuốc của HTX nông nghiệp Quyết Tiến ( xã Hải Quy, Hải Lăng) chỉ tiêu 666 vượt QCVN 1.373 lần; chỉ tiêu DDT vượt QCVN 2.168.024 lần; kho thuốc BVTV trong vườn nhà ông Trương Văn Tiếu (ở khóm 11, thị trấn Bến Quan, Vĩnh Linh) có chỉ tiêu 666 vượt QCVN 4.924 lần, chỉ tiêu DDT vượt QCVN 87.145 lần; kho thuốc BVTV trong khuôn viên Trường tiểu học số 2 (xã Triệu Long, Triệu Phong) chỉ tiêu DDT vượt 5.927 lần; kho thuốc trong vườn nhà ông Trần Toàn (ở thôn Gia Độ, xã Triệu Độ, Triệu Phong) chỉ tiêu DDT vượt QCVN 125.000 lần... Ngoài ra, còn rất nhiều kho thuốc khác có nguy cơ ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư.
Để khắc phục ô nhiễm môi trường tại các điểm thuốc BVTV tồn lưu, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2424/QĐ-UBND ngày 31/10/2014 phê duyệt danh mục các điểm ô nhiễm thuốc BVTV tồn đọng quá hạn, cấm sử dụng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục 52 điểm ô nhiễm thuốc BVTV tồn lưu và giao cho Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, TP liên quan xây dựng kế hoạch, phương án xử lý các điểm ô nhiễm; tổ chức theo dõi, giám sát việc thực hiện biện pháp xử lý ô nhiễm tại các điểm trong quyết định và báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh, Ban chỉ đạo CTMTQG trước ngày 30/12 hàng năm.
Với quyết tâm trả lại môi trường sống an toàn cho người dân, tỉnh đã quyết định phê duyệt kinh phí để thực hiện các dự án theo từng giai đoạn (giai đoạn 1 xử lý toàn bộ lượng hóa chất BVTV tồn lưu, đất nhiễm hóa chất BVTV và giai đoạn 2 tiến hành xử lý tại chỗ ở các địa điểm). Qua đó, góp phần xử lý các kho thuốc BVTV gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe và ổn định cuộc sống của người dân ở các địa phương. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã gửi công văn đến các địa phương liên quan yêu cầu thực hiện một số biện pháp cảnh báo, xử lý các điểm ô nhiễm thuốc BVTV tồn lưu để người dân biết và phòng tránh.
Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT) đã đưa nhiệm vụ khảo sát, cắm mốc, khoanh vùng, cảnh báo khu vực ô nhiễm thuốc BVTV vào dự toán ngân sách sự nghiệp môi trường năm, nhằm cô lập, ngăn chặn phát tán ô nhiễm tại khu vực ô nhiễm có rủi ro cao, tránh ảnh hưởng đến các khu vực xung quanh và xây dựng kế hoạch xử lý đối với từng vùng ô nhiễm.
Tuy nhiên, để thực hiện một dự án xử lý ô nhiễm môi trường cần kinh phí hàng tỉ đồng, trong khi ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp nên việc triển khai đồng bộ, dứt điểm còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, 7 dự án được triển khai đã hoàn tất bước 1 về xử lý ô nhiễm. Tuy nhiên, còn gặp khó về nguồn vốn từ Trung ương để tiến hành trong thời gian tới. Với mức hỗ trợ của Trung ương là 50%/dự án, còn lại là địa phương nên nhiều dự án khi xây dựng kế hoạch xong thì việc triển khai không thể diễn ra theo đúng thời gian. Mặt khác, yêu cầu quản lý và kỹ thuật xử lý phức tạp mà trong nước vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị vào sáng 24/9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ Quảng Trị xử lý các điểm tồn lưu hóa chất BVTV và các điểm ô nhiễm rác thải nghiêm trọng. Đồng thời hỗ trợ tỉnh giải quyết những vướng mắc tại 2 bãi rác ở TP. Đông Hà và Khe Sanh đang gây bức xúc trong nhân dân. Đầu tư hoàn thành dự án thành phần về đầu tư trang thiết bị quan trắc môi trường trên địa bàn...
Quảng Trị đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành cơ bản việc xử lý 52 điểm ô nhiễm thuốc BVTV mức độ nghiêm trọng, dự kiến kinh phí khoảng 134 tỉ đồng. Để đảm bảo an toàn cho người dân, tại các địa điểm bị ảnh hưởng, chính quyền địa phương cần tăng cường thông báo, tuyên truyền cho người dân biết tình trạng ô nhiễm, xây dựng hàng rào cách ly, treo biển cảnh báo ở những khu vực này. Việc giải quyết triệt để các vấn đề liên quan đến tồn dư thuốc BVTV trên địa bàn Quảng Trị cần phải có lộ trình nhất định, cũng như sự quyết tâm, nỗ lực của nhiều cấp, ngành và ý thức, trách nhiệm của người dân để xóa bỏ các điểm ô nhiễm thuốc BVTV tồn lưu, đem lại môi trường sống trong lành cho cộng đồng dân cư. |